CAT SL1 Renaissance: Phiên bản Phục Hưng của dòng preamp huyền thoại
- 0
-
0chia sẻ
-
Dòng preamp SL1 của Convergent Audio Technology đã ra đời hơn 30 năm nay nhưng vẫn liên tục được thị trường đón nhận qua nhiều phiên bản khác nhau. Thiết kế “vàng” này một lần nữa được tái hiện trên bản Renaissance.
Phiên bản đầu tiên CAT SL1 được giới thiệu tới người chơi âm thanh từ năm 1985. Ngay lập tức nó trở nên cực kỳ nổi tiếng và được coi như một trong số - nếu không muốn nói là preamplifier tốt nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ. Nhiều audiophile kỳ cựu, trong đó có cả giới chuyên môn như cây viết Robert Deutsch của Stereophile cũng sử dụng CAT SL1 như thiết bị tham chiếu.
Thiết kế cơ bản của SL1 Renaissance rất giống với preamplifier danh tiếng SL1. SL1 Renaissance vẫn sở hữu hai kênh khuếch đại với bóng đèn điện tử và mạch kiểm soát âm lượng và cân bằng âm 2 kênh (Balance), tầng khuếch đại phono. Không điều khiển từ xa. Toàn bộ ngõ nhận và xuất tín hiệu dạng single-ended (RCA), không có balance.
Một điểm đặc biệt là máy có bộ cấp nguồn rời, nối cố định với nhau bằng sợi dây điện dầy và khá cứng. Việc nối cố định đảm bảo chất lượng cho kết nối tín hiệu điện luôn ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, nó cũng không cho phép người chơi nâng cấp dây. Ngoài ra, sợi dây điện này rất cứng, đôi khi tỏ ra bất trị khi bố trí SL1 Renaissance trong một phạm vi nhỏ hẹp.
CAT cho hay, mặc dù dây điện cứng có một số lợi ích liên quan đến trải nghiệm nghe, nhưng mục đích chính của nhà sản xuất là tạo ra một sản phẩm có độ tin cậy cao. Khi thiết kế bản gốc SL1, Steven không chỉ muốn preamplifier của mình nghe hay, mà còn phải bền bỉ. Trước đó, ông đã cẩn thận hỏi một đại lý lớn của Audio Research về preamplifier SP-10, xem sau một thời gian dài sử dụng, nó có vấn đề gì không. Đại lý này cho hay, vấn đề duy nhất là điểm kết nối giữa sợi dây có thể tháo ra được của máy và bộ cấp nguồn. Đấy là lý do tại sao SL1 và giờ là SL1 Renaissance có bộ cấp nguồn không thể tháo rời.
Sau hơn 30 năm, đã có hàng loạt cải tiến trên sản phẩm này, thể hiện qua các hậu duệ của nó: Reference, Reference Mk.II, Signature, Signature Mk.II… Phiên bản mới nhất trước Renaissance có tên Ultimate. Cái tên Renaissance (phục hưng) của sản phẩm có ý nghĩa như một sự trở lại tươi mới của một dòng sản phẩm giàu lịch sử và đầy tính văn hóa.
Không chỉ khác về tên gọi, điểm mấu chốt là Renaissance sở hữu một mạch điện tinh tế hơn, linh kiện cao cấp hơn và có thêm một số tính năng mới.
Ở những thế hệ đầu, tầng khuếch đại line của SL1 có độ lợi 26dB. Thiết kế này giúp mạch khuếch đại hoạt động tốt với hầu hết các dòng loa như loa thùng, loa tĩnh điện, loa mành… Tuy nhiên, cách đặt dòng như vậy chưa thực sự phù hợp với loa có độ nhạy cao mà mạch điều chỉnh âm lượng thường bị ép xuống thấp. Để xử lý vấn đề này, Renaissance đã cho phép thiết lập 2 chế độ bằng các nút gạt ngay trên bảng mạch: 26dB cho chế độ High và 15dB cho chế độ Low.
Như vậy, khi nghe với loa độ nhạy cao, có thể đẩy volume lên đến ngưỡng 12h giờ mà không méo tiếng. Với bước chỉnh volume rộng như vậy, việc chọn một ngưỡng nghe chính xác sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Tính năng mới tiếp theo của Renaissance là A/V Bypass. Khi tắt preamp, đường tín hiệu vào Line 1 được kết nối qua rơ-le với ngõ xuất tín hiệu A/V. Ken Stevens cho hay cách bố trí này có thể gia tăng tuổi thọ bóng đèn mà vẫn điều khiển được âm lượng khi kết nối bộ dàn trong lúc xem phim. Ngược lại, khi khởi động máy, mạch volume sẽ được trả lại cho các ngõ tín hiệu CD và Phono.
Một trong những tính năng mới của chiếc preamp này có thể khiến dân mê âm thanh của đĩa nhựa hào hứng. Đó chính là việc có thể chuyển được độ lợi của mạch khuếch đại phono MC còn 11dB (độ lợi thấp). Với mạch khuếch đại có độ lợi thấp, người chơi có nhiều cơ hội lựa chọn các dòng cartridge tốt hơn với nội trở cao, hướng đến dải thông tần rộng và độ méo thấp.
Về mặt linh kiện, Renaissance vẫn được trang bị một số linh kiện quan trọng mới so với phiên bản Ultimate. Ken Stevens đã bố trí lại bo mạch tinh tế hơn với một lớp phủ lên bề mặt đường truyền dẫn tín hiệu. Lớp phủ mang màu xanh trên bảng mạch in, có đặc tính hấp thụ điện môi cao –theo Stevens – là nguyên ngân gây nên nhiễu phi tuyến. Kết quả của cải tiến trên là dải thông tần của Renaissance được mở rộng tới 800kHz so với 600kHz của Ultimate.
Ngoài ra còn một cải tiến nhẹ ở bộ cấp nguồn và vật liệu sử dụng cho bảng mạch I được thay bằng G30 (polyimide) so với G200 trước đó. Stevens cho hay, G200 hay G30 đều có đặc tính về điện tử như nhau, nhưng theo ông thì âm thanh của G30 chỉ đơn giản là “tốt” hơn.
Nhà phân phối: AUDIO CHOICE
Giá bán cho các phiên bản của SL1 Renaissance
- Phiên bản nâng cấp tụ Black Path: 319.000.000 đồng với khuếch đại Phono
- Phiên bản nâng cấp tụ Black Path: 273.000.000 đồng không có khuếch đại Phono
- Phiên bản tiêu chuẩn: 228.000.000 đồng không có khuếch đại Phono
Thông số kỹ thuật
- Bóng đèn: 6 bóng 6922; 4 bóng 12AX7
- Độ lợi tối đa ở 1kHz: 25,8 dB (High); 15,2 dB (Low); 47dB (MM); 58dB (MC)
- Dải tần: 0,1 Hz – 800 kHz; 20 Hz – 20kHz (RIAA phono)
- Méo hài tại 1V: <0,0005% (line); <0,001% (phono)
- Chỉ số S/N: 98dBA (High); 109dBA (Low)
- Trở kháng đầu ra: 100 Ohms (line); 50 Ohms (phono)
Thêm một số hình ảnh cho thấy thiết kế cao cấp, sắc sảo và bền bỉ của chiếc preamplifier thuộc hàng tham chiếu này:
Huy Anh
Bình luận