Đánh giá âm thanh LG V10: liệu có thể thay thế máy nghe nhạc?
- 0
-
0chia sẻ
-
ĐÁNH GIÁ CHUNG
LG V10 đã vượt khá xa so với mặt bằng chung về chất lượng âm thanh trên các thiết bị di động hiện nay và xứng đáng để dành lấy một ví trí cao trong bảng xếp hạng các smartphone có khả năng nghe nhạc tốt nhất hiện nay trên thị trường.
ƯU ĐIỂM
Âm thanh khá cân bằng, thiên sáng và có độ chi tiết tốt
Khả năng kéo tai nghe khỏe
Giao diện phần mềm thân thiện
NHƯỢC ĐIỂM
Tổng thể âm còn hơi cứng và digital
Thiếu khả năng điều khiển Gain bằng tay
GIÁ THAM KHẢO
15,990,000 VNĐ
ĐIỂM
8/10 điểm
Trong khi Sony, Cowon hay iBasso... liên tục ra mắt cá mẫu máy nghe nhạc chất lượng cao với giá thành ngày càng cạnh tranh, thì ở bên kia "chiến tuyến" lại có những hãng thiết bị di động như LG cũng liên tục nâng cấp chất lượng âm thanh trên những sản phẩm cao cấp của mình.
Tuy còn quá sớm để có thể kết luận đến sự thành bại về mặt doanh số của một sản phẩm, sự ra đời của LG V10 đã khiến cho người ta không còn có thể xem thường khả năng mà một thiết bị đa năng, tích hợp tất cả trong một như smartphone có thể làm được. Không chỉ có những người thường quan tâm đến smartphone, trong thời gian vừa qua cộng đồng chơi âm thanh tại Việt Nam tỏ ra khá sục sôi và hào hứng với khả năng trình diễn âm thanh rất hứa hẹn và đáng để quan tâm của LG V10.
Hiện nay Stereo.vn đã có trên tay một chiếc LG V10 phiên bản chính hãng, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá khả năng âm thanh để độc giả có một cái nhìn tổng quan hơn về mẫu máy nhận được khá nhiều quan tâm trong thời gian vừa qua này.
Tổng quan về phần cứng & giao diện người dùng
Sau 3 thế hệ theo đuổi hình mẫu điện thoại hỗ trợ âm thanh chất lượng cao, LG đã tiến thêm một bước xa hơn với việc chính thức hợp tác và sử dụng giải pháp âm thanh đến từ ESS Technology trên mẫu smartphone V10.
Hầu như những ai quan tâm đến âm thanh đều quen thuộc cái tên ESS, một trong những nhà cung cấp chip giải mã (DAC) chất lượng cao được tin dùng trên nhiều sản phẩm âm thanh cao cấp toàn thế giới. Việc sử dụng một con chip DAC mang logo ESS được nhiều người cho rằng tương đương đóng dấu đỏ đảm bảo chất lượng của sản phẩm đó vậy.
Dù không được công bố chính thức, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi thì LG V10 sử dụng ESS Sarbe 9018C2M, đây là mẫu DAC mới tinh và gần như mới chỉ thấy trên V10. Theo thông tin cung cấp trên trang chủ của ESS, 9018C2M được xếp vào phân khúc Reference DAC 2 kênh chất lượng cao dành cho các thiết bị di động với khả năng giải mã DSD 11.2 MHz (DSD256) và PCM lên đến 24 bit / 192 kHz. Tuy nhiên, về hiệu quả của 9018C2M thì chưa được kiểm chứng.
Sơ đồ khối chức năng của 9018C2M
Toàn bộ mô hình đường dẫn âm thanh trên V10 cũng được thay đổi với sự hiện diện của cùng một lúc 2 chip DAC trên cùng một máy điện thoại: một chip ESS 9018C2M như đã đề cập phía trên, và một chip DAC mặc định của Qualcomm trên Snapdragon 808. Việc lựa chọn chip phụ trách việc giải mã và xử lý âm thanh có thể được điều khiển bằng một thiết lập có tên là "32 bit Hi-Fi DAC".
Đây là một giải pháp khá linh hoạt khi mà người dùng có thể lựa chọn chip DAC cao cấp hơn khi nghe nhạc để đạt chất lượng cao hơn, trong khi với những nhu cầu bình thường và không đòi hỏi quá khắt khe thì có thể chuyển sang sử dụng DAC tích hợp trên chipset để có thể tối ưu được thời lượng sử dụng pin.
Đi kèm với chip DAC cao cấp lần này thì ESS cũng đảm nhiệm luôn cả phần còn lại với tầng analog còn lại được phụ trách bởi chip ampli tích hợp ESS9602C. Trên LG V10, 9602C sẽ hoạt động với 2 mức Gain cụ thể, bao gồm 1 mức bình thường dành cho các loại tai nghe inear và portable dễ chiều, và 1 mức gain cao hơn cho khả năng kéo các tai nghe khó chiều có trở kháng lên đến 600 Ohm.
Khác với việc có thể lựa chọn DAC giải mã, người dùng sẽ không thể can thiệp và chỉnh tay được mức gain giống như các ampli thông thường khác, mà phần mềm sẽ thực hiện hoàn toàn tự động dựa trên trở kháng của tai nghe sử dụng. Cụ thể hơn, máy sẽ phân biệt 3 dải trở kháng khác nhau tuơng ứng với 3 mức Gain và công suất đầu ra tương ứng như sau:
- Từ 8 - 50 Ohm: máy sẽ nhận dạng như các loại tai nghe bình thường. Sử dụng Normal Gain Mode với công suất đầu ra đạt mức 330 mV (rms)
- Từ 50 - 600 Ohm: máy sẽ chuyển sang chế độ High Gain Mode với công suất đầu ra đạt mức 2.04 V (rms)
- Nếu trở kháng đầu vào ở ngõ tai nghe đạt mức 700 Ohm, máy sẽ coi như đang được cắm vào cổng Line in của các loa/ampli bên ngoài. Công suất đầu ra đạt mức 980 mV (rms)
Nhìn chung, chúng tôi đánh giá cao giải pháp tự động hóa khá sáng tạo này của LG khi điều này sẽ giúp cho quá trình sử dụng sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn, đặc biệt là với những người không thực sự hứng thú và quan tâm nhiều đến các vấn đề kĩ thuật.
Giao diện trình phát nhạc của máy
Giao diện điều khiển trình nghe nhạc cũng là một điểm sáng vủa LG V10. Tiếp tục sử dụng phong cách thiết kế từ những mẫu dòng G đi trước, giao diện trình nghe nhạc trên V10 được tối giản hóa với các chức năng cơ bản và hay sử dụng nhất đều được đưa ra ngoài màn hình chính với biểu tượng to và dễ nhìn, giúp người dùng cảm thấy đỡ rối mắt và nhanh chóng làm quen với cách điều khiển của máy.
Thư viện nhạc trên máy được quản lý và truy cập dựa theo tag và cho phép người dùng duyệt theo chế độ thư mục. Toàn bộ kho nhạc trên bộ nhớ máy và thẻ nhớ ngoài đều được quét và thêm vào thư viện một cách tự động, tốc độ quét khá nhanh và hỗ trợ hầu hết các định dạng file nhạc thông dụng hiện nay. Máy có khả năng đọc và giải mã các file nhạc với mã hóa PCM và cả DSD chất lượng cao. Tuy nhiên, chưa rõ LG sẽ giải mã DSD trực tiếp từ phần cứng hay sử dụng phương pháp convert sang mã PCM rất phổ biến trên hầu hết các thiết bị di động có khả năng đọc DSD hiện nay.
Đánh giá chất lượng âm thanh
Để kiểm chứng âm thanh của LG V10, chúng tôi sử dụng đối tác chủ yếu là tai nghe Audio Technica ATH-CK9, Fostex T50RP, Audeze EL-8 phiên bản Closed-Back và Beyerdynamic DT880 (bản 600 Ohm). Toàn bộ quá trình test được thực hiện ở chế độ 32 bit Hi-Fi đang bật.
Trước giờ, tôi luôn có định kiến không mấy tốt đẹp về các mẫu điện thoại cao cấp được quảng cáo rầm rộ với nhiều công nghệ và hiệu ứng âm thanh được tích hợp sẵn, bởi hầu hết trong số chúng chỉ khiến âm thanh bị méo mó và thay đổi quá nhiều so với chủ đích ban đầu của bản nhạc. Rất may mắn rằng LG V10 tuy vẫn có những thứ như vậy, nhưng vẫn có tắt đi một cách triệt để để có thể xuất ra được thứ âm thanh trung thực và sát với ý đồ thu âm của studio nhất có thể. Theo mặc định, toàn bộ các hiệu ứng âm thanh cũng sẽ được tắt mỗi khi người dùng bật chế độ 32 bit Hi-Fi.
Theo thói quen cũ, một số bản thu đến từ album American Idiot sẽ là lựa chọn đầu tiên hâm nóng quá trình test. Kể từ khi được biết đến và được nghe thử, đây là một trong số những album khá hữu ích với tôi trong việc sử dụng như một phép thử tổng thể khá tốt với cả dải bass và treble. Âm thanh bắt đầu vang lên những giai điệu quen thuộc với tổng thể thiên sáng và khá cân bằng, đó là những điều đầu tiên mà tôi có thể nói được. Các nhạc cụ hòa thanh trong bản thu đều được thể hiện và có thể phân biệt được khá dễ dàng nhờ vào độ tách bạch và chi tiết tốt.
Tiếng bass được đánh với lực khá hợp lý, có thể là hơi ít một chút với vài người, song hoàn toàn không xảy ra hiện tượng lấn dải và kéo đuôi. Nói một cách khắt khe hơn, V10 trình diễn theo phong cách tạo ấn tượng, phần sub bass chưa thực sự đủ, trong khi đó thì phần upper bass lại hơi bị nhấn nhá hơn mức bình thường.
Điều này được thể hiện rõ hơn khi chuyển thể loại với một số bản EDM và electronic dance, nơi mà những tiếng bass được tạo ra hoàn toàn từ các loại Synthesizer và phần mềm máy tính. Thứ bass do V10 đánh ra không quá thiên về lực mạnh hay quá sâu, nhưng không hơi hợt. Tôi cho rằng đây cũng là chủ ý của LG và có sự đóng góp ý kiến của các kỹ sư từ AKG. Thương hiệu AKG không chỉ tạo dấu ấn trên V10 ở mẫu tai nghe đi kèm, mà còn tạo ảnh hưởng ở chất âm không chơi bass quá nhiều, thiên về sự trung tính, tạo cảm giác tự nhiên và nghe lâu không mệt mỏi.
Ưu điểm lớn nhất về âm thanh của V10 nằm ở khả năng tái tạo chi tiết và có phần thiên sáng của mình, càng khiến tôi thấy quen thuộc so với nhiều sản phẩm của AKG. Nhờ vào dải âm cao khá dày và giàu năng lượng, những tiếng cymbal được tái tạo với đúng chất kim khí đặc trưng và như được tách ra thành một lớp riêng cùng hòa thanh vào bản nhạc với tính chất mạnh mẽ và bạo lực cần thiết của rock. Kết quả cũng rất khả quan với cả những thể loại nhẹ nhàng hơn như một số bản pop vui vẻ và tươi tắn, đặc biệt là với các bản thu live được mixing một cách cẩn thận thì V10 như có cơ hội để thể hiện độ chi tiết và âm trường tương đối tốt của mình.
Chuyển sang một số bản hòa tấu Rondo Veneziano với hàm lượng nhạc cụ cổ điển lớn và được mixing cẩn thận, V1o bắt đầu thể hiện một một số khuyết điểm với dải âm cao của mình khi máy cho tôi có cảm giác bị cắt đôi chút ở các tần số cao và có xu hướng tắt hơi sớm, do vậy phần nào đã để mất đi độ airy bay bổng mà trước đó, tôi có thể cảm nhận tương đối rõ khi nghe với những mẫu máy nghe nhạc đơn thuần khác như Fiio X5 II hoặc Sony Walkman NW-ZX100. Việc "hy sinh" một chút ở dải cao này khiến cho V10 có cảm giác sạch sẽ ở các bản thu âm không được tốt, nên quả thực ngay cả khi nghe MP3 trên sản phẩm này cũng không quá phô. Điều này khiến cho V10 phù hợp hơn với người dùng phổ thông không có kho nhạc FLAC, WAV hay DSD đồ sộ.
Với những bản thu có sự tham gia chủ đạo của giọng hát nữ như Dido hay Celine Dion, V10 tiếp tục thể hiện độ chi tiết và tạo không gian khá tốt của mình. Midrange có xu hướng hơi lùi một chút về phía sau, không màu mè nhiều, song cách xử lý lại tạo cảm giác hơi có chút tính digital kiểu phòng thu đương đại. Có lẽ vì quá chú trọng vào mục tiêu tạo âm thanh trung tính và chi tiết, V10 đã quên đi một chút nhẹ nhàng tình cảm.
Khả năng tái tạo âm trường trên mẫu máy này dừng lại ở mức độ khá tốt với vai trò của một chiếc smartphone. Không gian được dàn dựng cho cảm giác khá rõ ràng, rộng rãi và tương đối thoáng đãng, tuy nhiên khi chiều sâu thì lại khá mờ nhạt và cho chúng tôi cảm giác về một không gian chủ yếu rõ rét về chiều ngang hơn là tái tạo được độ sâu và vị trí trước sau của nhạc cụ. Dù rằng đây là một trong những yếu tố kĩ thuật có phần hơi cao một cách quá mức khi áp dụng trên một chiếc smartphone, chúng tôi đã từng hi vọng mẫu máy mới này sẽ tạo nên sự khác biệt nhưng rất tiếc còn thiếu một chút.
Một vấn đề khác mà chúng tôi gặp phải trong quá trình thử nghiệm LG V10 đó là rắc rối với tính năng tự động điều khiển mức Gain dựa theo trở kháng của máy. Trong phần lớn trường hợp, máy nhận diện và tự động thiết lập mức Gain khá chính xác cho từng loại tai nghe cắm vào cổng 3.5mm của máy. Tuy nhiên, chúng tôi bắt đầu gặp khó khăn khi sử dụng V10 để kéo Audeze EL-8. Với trở kháng chỉ 30 Ohm, mẫu tai nghe này được nhận diện với chế độ Gain bình thường, tuy nhiên với mức Gain này thì công suất đầu ra khá thấp và hệ quả là chiếc máy tỏ ra hụt hơi khá rõ ràng so với nhu cầu về năng lượng tương đối lớn của một chiếc tai nghe planar (công nghệ từ phẳng).
Lẽ ra mọi việc đều có thể giải quyết với chế độ High Gain, nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng điều này là không thể khi LG hoàn toàn không cung cấp tùy chọn chỉnh tay dành cho người dùng. Đây thực sự là một thiếu sót khó hiểu của hãng khi trên thực tế hiện nay vẫn đang tồn tại không ít những mẫu tai nghe có trở kháng thấp dưới 50 Ohm nhưng không hề dễ chiều tương tự như EL-8.
Để giải quyết vấn đề này thì không còn cách khác ngoài việc phải áp dụng một số cách không chính thống, ví dụ như sử dụng adapter tăng trở, tuy nhiên trong nhiều trường hợp chúng sẽ gây ảnh hưởng tới tính thẩm mĩ và tiện lợi khi sử dụng, bên cạnh đó chúng tôi không dám chắc rằng liệu chúng có gây biến đổi âm thanh ở tai nghe hay không? Hi vọng LG sẽ sớm nhận ra điều này và sửa chữa trong các bản cập nhật phần mềm trong tương lai.
Vậy V10 thay thế được các máy nghe nhạc truyền thống không ?
Công bằng mà nói, với khả năng của mình LG V10 đã vượt khá xa so với mặt bằng chung về chất lượng âm thanh trên các thiết bị di động hiện nay và rất xứng đáng để dành lấy một ví trí cao trong bảng xếp hạng các smartphone có khả năng nghe nhạc tốt nhất hiện nay trên thị trường. Với khả năng của mình, chiếc máy này sẽ là một lựa chọn tốt với những người dùng yêu thích sự gọn nhẹ, cơ động và hoàn toàn có thể thay thế một chiếc máy nghe nhạc trong việc đáp ứng nhu cầu nghe nhạc của những đôi tai không quá khó tính và đòi hỏi khắt khe về chất lượng âm thanh.
Làm một bài toán khá đơn giản như: Với giá bán 16 triệu của LG V10, hãy tìm được 1 chiếc smartphone và 1 chiếc máy nghe nhạc mang lại trải nghiệm tương đương hay. Rõ ràng việc đó là rất khó. Về phần âm thanh, LG V10 đã phần nào đe dọa được máy nghe nhạc Sony ZX100 ở tầm giá 10 triệu, song với 6 triệu còn lại thì chẳng thể tìm được smartphone tầm trung nào sánh được với LG V10.
Chúng tôi vẫn phải trả lời trực tiếp cho câu hỏi trên: LG V10 chưa thể thay thế các máy nghe nhạc Hi-Fi và Hi-End. Đó có thể là câu chuyện mà chúng tôi sẽ kể về chiếc LG V11 hoặc V10 Plus chăng?
Bình luận