Việc Sony trở lại thị trường TV OLED sau nhiều năm vắng bóng đã thu hút rất nhiều chú ý. Hơn nữa, BRAVIA A1 series lại mang trong mình rất nhiều đặc điểm mới mẻ, độc đấo, nhất là hệ thống âm thanh Acoustic Surface. Tuy nhiên, dường như hầu hết "tinh hoa" này đều không phải là do Sony phát triển mà chỉ là mua lại của LG.
Tấm nền OLED mà Sony sử dụng cho dòng TV BRAVIA A1 được LG phát triển và sản xuất. Đây hoàn toàn là điều dễ hiểu, vì Sony thì chưa đủ khả năng tự sản xuất loại màn hình chuyên biệt này, trong khi LG thì đang là một trong những công ty cung cấp panel OLED lớn nhất và tốt nhất thế giới. Vì hai mảng điện tử và màn hình của LG hoạt động tách rời hoàn toàn nên dù Sony và LG là đối thủ trong thị trường TV, LG Display vẫn có quyền bán sản phẩm cho các thương hiệu khác mà không gặp trở ngại nội bộ nào. LG Display cũng có quyền bán ra những công nghệ đi kèm, ở đây chính là Crystal Sound dành cho TV OLED cho Sony.
Công nghệ này đươc LG phát triển để biến mặt kính của tấm nền OLED thành màng loa, phát ra âm thanh trực tiếp nhờ những bộ rung đặt phía sau màn hình. Đây chính là "tiền thân" của Acoustic Surface mà Sony sử dụng trong BRAVIA A1. Sự khác biệt duy nhất (mà chúng ta đã biết) của hai công nghệ nằm ở chỗ, Sony trang bị thêm một Subwoofer vào phía sau sản phẩm của mình nhằm tối ưu hóa âm thanh.
Tại CES 2017, LG cũng mở một khu trưng bày riêng với rất nhiều loại hình công nghệ TV do hãng phát triển, trong đó có tấm nền OLED dẻo, siêu mỏng và cả Crystal Sound nữa. Những công nghệ này hầu hết đều được hãng ứng dụng vào nhu cầu quảng cáo công cộng, ví dụ như tại các trung tâm mua sắm. Riêng Crystal Sound được chú tâm hơn cả. Hãng thậm chí còn đặt những hạt cườm nhỏ xíu lên trên bề mặt TV để khách thăm quan thấy rõ rằng chúng đang chuyển động để phát âm thanh thực sự. Những tấm nền OLED này cũng được gia cố đủ tốt để có thể chống chịu những rung động trong thời gian dài mà không bị biến dạng.
Thực tế thì ngoài Sony, sẽ có rất nhiều nhà sản xuất khác được phép sử dụng Crystal Sound, thêm vào những tính năng mới và gọi nó với cái tên riêng nào đó khác đi, dù về cơ bản thì chúng vẫn có chung nguồn gốc. Riêng với Sony, có vẻ những hãng lần này chẳng phải làm gì nhiều để tạo ra BRAVIA A1 series: Màn hình, âm thanh thì có LG lo, còn chip xử lý hình ảnh thì cũng tận dụng luôn từ mẫu TV trước đó.