Với công suất lên tới 75W/kênh Class AB ở mức trở 8 Ohm, ampli tích hợp Leak Stereo 230 có thể xem như một đối tác phối ghép lý tưởng dành cho Mission 770 phiên bản 2022. Hơn nữa, việc cùng mang thiết kế hoài cổ ở cả Leak Stereo 230 và Mission 770 giúp bộ đôi này trở nên hài hoà một cách hoàn hảo về mặt thẩm mỹ.
Đối với thị trường audio, đặc biệt là ở Anh, 2022 có thể được xem như một năm có nhiều sự thú vị và bất ngờ. Vào đầu năm, thương hiệu loa Mission nổi tiếng đã “hồi sinh” mẫu loa huyền thoại Mission 770 sau 44 năm kể từ lần ra mắt đôi loa gốc. Trong khi đó, Leak - thương hiệu vừa mới trở lại thị trường audio sau hàng thập kỷ vắng mặt, đã tung ra chiếc ampli tích hợp Stereo 230 và đây là phiên bản nâng cấp từ chiếc Stereo 130 được đông đảo người chơi audio yêu thích.
Mission 770
Những đôi loa xuất hiện trong thập niên 70, 80 luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với hầu hết người yêu nhạc. Bên cạnh yếu tố thiết kế, chất âm hấp dẫn và sống mãi theo thời gian chính là yếu tố giúp những mẫu loa này luôn được săn đón trên thị trường thiết bị loa cũ. Mẫu loa Mission 770 đến từ thương hiệu Mission cũng là một trong số đó.
Mission 770 được ra mắt lần đầu vào năm 1978 và trở thành đôi loa đưa Mission đến với thành công và trở thành một trong những thương hiệu loa nổi tiếng cho đến hiện nay. Câu chuyện đằng sau đôi loa này cũng rất thú vị. Theo đó, nhà sáng lập Mission là Farad Azima đã cảm thấy rất ấn tượng trước những đôi loa nổi bật ở thời điểm đó, cụ thể là mẫu loa kiểm âm Spendor BC-1. Tuy nhiên, ông lại muốn phát triển một mẫu loa có thể tái tạo âm thanh sôi nổi, liền mạch hơn và như thế, Mission 770 đã ra đời.
Ở Mission 770 phiên bản mới, đội ngũ sản xuất đã cố gắng gìn giữ những yếu tố từng làm thành công ở đôi loa gốc như thiết kế thùng loa gỗ lớn và cấu hình 2 đường tiếng, có họng thoát hơi ở phía trước. Nếu được đặt cạnh nhau, sự khác biệt về ngoại hình giữa 2 phiên bản hẳn chỉ là cách mà nhà sản xuất cố định mặt vách trước vào thùng loa.
Tuy nhiên, Mission không hề bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để có thể nâng cấp chất lượng âm thanh ở đôi Mission 770 mới. Cụ thể, hệ thống loa con đã được hãng nâng cấp bằng cách sử dụng công nghệ và vật liệu hiện đại, song song đó là họng thoát hơi được tinh chỉnh một cách cẩn thận hơn. Bên cạnh đó, hệ thống mạch phân tần của Mission 770 mới cũng là một thành quả đáng trân trọng do có quá trình phát triển cực kỳ công phu và phức tạp.
Chi tiết về Mission 770 xem tại đây
Leak Stereo 230
Leak cũng là một thương hiệu audio đạt nhiều thành công từ khi thành lập vào khoảng giữa thập niên 30. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các thương hiệu đến từ Nhật Bản đã khiến Leak và nhiều tên tuổi khác phải thoái lui khỏi thị trường từ thập niên 70. Do đó, việc thương hiệu này quay trở lại vào năm 2020 với bộ đôi ampli tích hợp Stereo 130 - đầu CD Transport CDT đã nhanh chóng thu hút sự ủng hộ từ đông đảo audiophile.
Giờ đây, phiên bản nâng cấp của Stereo 130 là Stereo 230 đã chính thức xuất hiện trên thị trường sau 2 năm nghiên cứu và phát triển của Leak. Đây cũng là lời hồi đáp của hãng trước yêu cầu của người dùng về một sản phẩm tương tự Stereo 130 nhưng mạnh mẽ hơn để ghép với những mẫu loa lớn và khó kéo.
Trong khi vẫn giữ lại thiết kế từ người tiền nhiệm, Stereo 230 lại mạnh mẽ hơn về các tính năng thông qua nâng cấp của Leak, từ khả năng giải mã cho đến khuếch đại. Tất cả đều nhằm mục tiêu đáp ứng tốt hơn nhu cầu những audiophile với đôi tai khó tính. Đáng chú ý nhất vẫn là công suất khuếch đại của Stereo 230, nay đã được nâng lên thành 75W/kênh ở mức trở 8 Ohm và 115W/kênh ở mức trở 4 Ohm. Dĩ nhiên, các bộ phận quan trọng như biến thế nguồn và tụ điện cũng được cải tiến để duy trì ổn định sức mạnh của Stereo 230.
Là chiếc ampli tích hợp của thế kỷ 21, Stereo 230 nghiễm nhiên được trang bị đầy đủ những kết nối hiện đại như HDMI ARC để dùng với TV hay Bluetooth aptX HD cho nhu cầu nghe nhạc số hi-res không dây. Thậm chí, Stereo 230 còn có cả chứng chỉ Roon Tested cũng như hỗ trợ định dạng MQA (thường có ở các dịch vụ stream nhạc hi-res như Tidal, Qobuz).
Chi tiết về Stereo 230 xem tại đây
Nghe thử
Hệ thống nghe thử tại test lab Stereo bao gồm ampli tích hợp Leak Stereo 230, loa Mission 770, mâm đĩa than Audio-Technica AT-LPW50BT, dây nguồn và ổ cắm Furutech.
Đối với một đôi loa như Mission 770, việc lựa chọn thiết bị khuếch đại để phối ghép cần được xem trọng nếu muốn phát huy tối đa hiệu quả tái tạo âm thanh của loa. Với mức công suất lớn và được trang bị hệ thống linh kiện cao cấp, ampli tích hợp cao cấp Stereo 230 có thể xem như một lựa chọn thích hợp để ghép cùng Mission 770. Mặt khác, cả hai đều rất hài hoà về mặt thẩm mỹ khi cùng được mang thiết kế hoài cổ, gợi nhớ về những sản phẩm nổi bật trong các thập niên 70, 80.
Cần lưu ý rằng Mission 770 là một đôi loa không hề nhỏ khi có thể tích bên trong thùng là 38,5 lít. Vì thế, Mission 770 dễ dàng phát huy tối đa khả năng trình diễn ở những phòng nghe có diện tích khiêm tốn và thậm chí, đôi loa này thừa sức đáp ứng phòng nghe vừa và lớn nếu được ghép với một chiếc ampli công suất mạnh.
Như chúng tôi từng đề cập đến trong bài viết trước, AT-LPW50BT là một chiếc mâm có chất lượng rất tốt trong phân khúc phổ thông. Vì vậy, khi sử dụng AT-LPW50BT làm nguồn phát trong hệ thống nghe thử này, chúng tôi sẽ sử dụng mạch phono preamp tích hợp sẵn trên mâm (gạt công tắt về phía LINE) và kết nối với Stereo 230 qua ngõ RCA AUX. Nhìn chung, phono preamp của AT-LPW50BT thực hiện khá tốt nhiệm vụ của mình qua việc xử lý, khuếch đại tín hiệu được khai thác bởi cartridge AT-VM95E (một trong những dòng cartridge bán chạy của Audio-Technica) và truyền tải tất cả tới Stereo 230 một cách trọn vẹn.
Với album vinyl “Wish You Were Here” (Pink Floyd), hệ thống nghe thử cho âm thanh tròn trịa và tái hiện đầy đủ từng chi tiết nhỏ trong các bản nhạc, ví dụ như đoạn radio và hội thoại có âm lượng khá nhỏ trong đoạn đầu của track “Wish You Were Here”. Trong khi đó, khả năng phân tách kênh ấn tượng của chiếc cartridge AT-VM95E đi kèm cũng được thể hiện rõ ở “Welcome to the the Machine”, vốn là một track nhạc sử dụng nhiều hiệu ứng phức tạp để truyền tải các tầng ý nghĩa khác từ Pink Floyd.
Chúng tôi tiếp tục nghe lại album này nhưng sử dụng kết nối Bluetooth giữa mâm AT-LPW50BT và Stereo 230. Quá trình ghép 2 thiết bị tương đối đơn giản: bật chế độ ghép ở trên Stereo 230, sau đó nhấn giữ vào nút Bluetooth trên AT-LPW50BT khoảng 2 giây rồi thả ra. Đèn LED Bluetooth của AT-VM95E sẽ ngừng nhấp nháy khi kết nối hoàn tất.
Do giới hạn về mặt kỹ thuật của codec SBC trên AT-VM95E, âm thanh qua kết nối không dây Bluetooth sẽ không chi tiết như sử dụng kết nối dây nhưng vẫn ở mức độ nghe được, thích hợp với phần lớn người mới tiếp cận bộ môn mâm than. Tuy nhiên, điều quan trọng là kết nối này có tính tiện lợi cao và giúp cho việc trải nghiệm AT-VM95E trở nên đơn giản hơn hẳn. Thậm chí, bạn chỉ cần một chiếc loa không dây có chất lượng âm thanh tốt (ví dụ như loa Fender Monterey) là đủ để tạo ra dàn âm thanh nghe đĩa than với AT-VM95E.
Tiếp theo, chúng tôi nghe thử hệ thống Mission 770 - Leak Stereo 230 với nguồn nhạc Apple Music thông qua laptop và kết nối PC-USB. Đây là kết nối giúp Stereo 230 có thể tiếp nhận tập tin nhạc chất lượng cao, từ đó khai thác tối đa hiệu năng từ mạch giải mã cao cấp do Leak trang bị. Nếu bạn chủ yếu sử dụng kết nối này để nghe nhạc với Stereo 230, đầu tư vào một sợi dây USB loại tốt là điều đáng để cân nhắc.
Về tổng thể, phối ghép Mission 770 - Leak Stereo 230 có thể đáp ứng tốt hầu hết các thể loại nhạc từ nhẹ nhàng, êm dịu như RnB, Pop, Acoustics cho đến sôi động, mạnh mẽ như Rock, Metal. Hệ thống có chất âm thuộc kiểu trung tính với 3 dải âm có sự cân bằng và hài hoà một cách rõ rệt. Vì vậy, các tác phẩm chúng tôi nghe thử đều được thể hiện rõ ràng, trung thực và đúng với ý đồ từ nhà sản xuất âm nhạc.
So với ngoại hình trông gọn gàng và nhỏ bé hơn nhiều đối thủ cùng phân khúc, Leak Stereo 230 lại đủ khoẻ để có thể giúp đôi Mission 770 bung ra toàn bộ khả năng vốn có. Ở mức âm lượng từ 40-50%, loa đã có thể mang lại âm thanh sôi động, giàu nội lực và phủ kín toàn bộ không gian của test lab.
Mission 770 sở hữu một thùng loa và củ loa mid/woofer lớn - những yếu tố quan trọng để tạo ra dải trầm sâu và mạnh mẽ. Điều này cũng thể hiện rõ ở việc Mission 770 có thể đáp ứng tần số sâu tới 30Hz như nhà sản xuất công bố. Tiếng bass của Mission 770 có độ căng nảy và tốc độ phản hồi rất nhanh, được trình bày một cách tinh tế tạo nên sự cuốn hút cho bản nhạc. Dĩ nhiên, loa vẫn có thể mang tới tiếng bass uy lực và giàu năng lượng những khi cần thiết, cụ thể là lúc chúng tôi nghe thử track “Goin Up” (Valentino Khan).
Trong khi đó, dải trung và cao của Mission 770 hoàn toàn không có gì để phàn nàn khi chúng chính là những yếu tố từng làm nên thành công ở đôi loa gốc năm 1978. Với cấu hình loa được nâng cấp, chất lượng của 2 dải âm này đã được nâng lên một tầm cao mới. Cụ thể, dải trung được Mission 770 tái tạo một cách rõ ràng, chính xác và thể hiện đầy đủ âm sắc. Như những mẫu loa cao cấp khác từ Mission, dải trung của Mission 770 có độ tiến nhẹ về trước và đủ tốt để không tạo cảm giác bị mỏng hay quá phô trong giọng hát, tiếng nhạc cụ. Trong khi đó, dải cao từ loa tweeter vòm mềm thế hệ mới được thể hiện khá tinh tế và rất hoà hợp với các dải còn lại, giúp tổng thể bản nhạc trở nên sáng sủa, dễ nghe.
Kết
Leak Stereo 230 - Mission 770 có thể xem như một phối ghép lý tưởng về cả phần nghe và phần nhìn. Mặt khác, cả hai còn là các sản phẩm có chất lượng rất tốt trong tầm giá. Nếu đang cân nhắc một hệ thống nghe nhạc mang những yếu tố như thiết kế hoài cổ, đơn giản trong việc phối ghép nhưng lại đáp ứng tốt các nhu cầu nghe nhạc hi-res hiện đại, Leak Stereo 230 và Mission 770 là bộ dàn mà bạn nên nghe thử trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Giá tham khảo
Mission 770: 99,600,000 VNĐ
Leak Stereo 230: 39,840,000 VNĐ
Nhà phân phối: Nguyễn Audio