[Stereo Wiki] Lược sử về loa phòng thu

[Stereo Wiki] Lược sử về loa phòng thu

Loa phòng thu - STUDIO MONITOR - là dòng sản phẩm được thiết kế chuyên biệt cho các nhu cầu sản xuất âm thanh trong các phòng thu âm, làm phim, chương trình truyền hình, phát sóng radio… Bởi vậy, yếu tố quan trọng nhất của một cặp studio monitor là âm thanh chính xác.

Khái niệm cơ bản

[Stereo Wiki] Lược sử về loa phòng thu

Trong các sản phẩm âm thanh, cụm từ MONITOR có nghĩa là chúng được thiết kế để phát ra những bước sóng và tần số thật phẳng. Cụ thể hơn, chúng không được phép tôn lên hay đè nén một dải tần nào đó mà phải thể hiện chính xác những gì có trong bản thu gốc. Đồng thời, chúng cũng không được phép thay đổi bất cứ pha sóng nào nhằm giảm nhiễu âm tần trong các bản thu stereo.

Một số loa phòng thu cũng được đặt ở trên kệ hay bàn ở khoảng cách gần, sao cho âm thanh truyền đi thẳng từ màng loa tới tai người nghe chứ không bị dội lại từ bức tường phía sau hay trần nhà. Những loại loa này được gọi là loa near-field/close-field/compact.

[Stereo Wiki] Lược sử về loa phòng thu

Loa phòng thu thường được thiết kế chắc chắn, bền bỉ hơn các dàn loa tại nhà, bởi chúng hay phải chịu đựng những sự thay đổi bất ngờ về âm lượng - điều thường xuyên xảy ra khi phát những bản phối chưa hoàn thiện trong phòng thu.

Thị trường của loa phòng thu

Các công ty, tổ chức truyền thông, truyền hình và âm thanh, những người cần có thứ âm thanh thật cân bằng trong quá trình chỉnh sửa và hòa âm cho các bản nhạc đều sẽ cần tới loa phòng thu. Những kĩ sư âm thanh nhờ đó mà có thể tạo ra được các bản thu chất lượng cao nhất có thể cho càng nhiều thiết bị phát khác càng tốt, từ dàn âm thanh tại gia, âm thanh trên xe hơi cho tới đài radio và cả loa boombox.

[Stereo Wiki] Lược sử về loa phòng thu

Các đài truyền hình lớn như BBC vẫn chỉ tin dùng những mẫu loa phòng thu có chất lượng cao nhất có thể, nhưng một số người thì cho rằng họ nên sử dụng các loại loa bình thường với chất lượng vừa phải - thứ mà hầu hết khán giả đều sử dụng. Tuy nhiên, vì nhà đài luôn phải xử lý nhanh chóng các nội dung trực tiếp nên những loa phòng thu chất lượng cao sẽ phát huy tác dụng tốt hơn, giúp họ tránh tối đa các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Thực tế, hầu hết các phòng thu chuyên nghiệp đều phải có ít nhất là vài dòng loa khác nhau, trải rộng trên nhiều phân khúc, từ loa cỡ lớn dùng trong rạp chiếu phim, loa hi-fi, loa ô tô cho tới loa di động, PC và cả các mẫu tai nghe thông dụng.

Antec Lansing Duplex 604: Cặp Studio Monitor phổ biến đầu tiên thế giới

Ampli cũng là một yếu tố quan trọng trong loa phòng thu. Có hai dạng loa phòng thu là loa chủ động (active) là loa thụ động (passive). Trong khi loa thụ động dùng ampli rời bên ngoài thì loa chủ động được lắp sẵn ampli. Loa active thường có hai ampli riêng và một bộ phân tần, tự động tách âm cao và chuyển tới loa tweeter hay horn, còn các âm trầm thì chuyển tới woofer. Thiết kế này giúp âm thanh phát ra sạch sẽ, chính xác hơn, và đôi khi cũng được sử dụng trong các dàn loa thông dụng chứ không chỉ riêng loa phòng thu.

Cột mốc đáng nhớ

Trong những năm đầu tiên, từ khoảng 1920 đến 1940, những chiếc loa phòng thu thường được dùng để kiểm tra độ nhiễu và các lỗi kĩ thuật chứ không phải để đánh giá về mặt nghệ thuật của các bản thu. Cũng chính vì vậy, loa phòng thu khi đó cũng được thiết kế vô cùng đơn giản, trong khi các loại loa phục vụ chiếu phim thì được ưu ái hơn cả với kích thước lớn, tích hợp kèn, dù thậm chí còn chưa được nâng cấp lên âm thanh đa kênh.

JBL 4320, đối thủ lớn nhất của Duplex 604

Vài năm sau đó, Altec Lansing ra mắt cặp loa phòng thu cao cấp đầu tiền có tên gọi Duplex 604. Mẫu loa này đã trở thành biểu tượng của chất lượng tại Mỹ, bên cạnh mẫu Iconic có kích thước nhỏ hơn cũng rất được ưa chuộng bởi các studio điện ảnh.

Kể từ khi ra đời vào năm 1944, Duplex 604 đã giữ vững vị trí của nó trong ngành công nghiệp âm thanh với 11 phiên bản nâng cấp trong vòng 25 năm. Thậm chí, đến năm 1998 người ta mới ngừng sản xuất mẫu loa này hoàn toàn.

Loa Tannoy đồng trục rất được ưa chuộng trong các phòng thu của Anh và châu Á

Tại Anh, chiếc Dual Concentric được coi là phiên bản tương đương của Altec 604 dành riêng cho thị trường này. BBC hồi đó đã thực hiện hàng loạt khảo sát trên rất nhiều mẫu loa thông dụng mà chẳng tìm được bất cứ sản phẩm nào vừa ý, ngoại trừ Dual Concentric của Tannoy.

Tại sao BBC không sử dụng Duplex 604 từ bên kia Đại Tây Dương? Câu trả lời là là do sự kén chọn của hãng và sự thua kém của 604 về khả năng đáp ứng tần số. So với Dual Concentric, 604 tỏ ra đuối hơn ở một số mặt, và sự tồn tại của 604 sau đó cũng chỉ là bởi các nhà sản xuất và kĩ sư âm thanh tại Mỹ đều đã quá quen làm việc cùng nó, và việc thay thế 604 bằng một dòng loa hoàn toàn khác là sẽ tốn quá nhiều thời gian, và cả chi phí đi kèm.

Yamaha NS1000M cũng là lựa chọn phổ biến trong nhiều studio

Tuy nhiên, lý do mà các hãng đưa ra để giữ 604 lại là rất hợp lý. Nguyên nhân là bởi sự thay đổi đột ngột có thể khiến các kĩ sư âm thanh dễ mắc phải sai lầm lớn trong quá trình sản xuất, trong khi để mọi người tập làm quen được với các dòng loa mới thì lại quá tốn kém. Vậy nên cuối cùng, họ cũng bằng lòng với những hạn chế của 604.

Tuy nhiên, vào năm 1959 - đỉnh điểm của sự phát triển, Altec lại mắc phải một sai lầm lớn khi thay thế 604 bằng mẫu 605A Duplex với các thông số được cho là thua kém cả mẫu tiền nhiệm. Các công ty sản xuất âm nhạc bắt đầu lên tiếng phản đối, và đây là lúc mà đối thủ JBL chính thức bước chân vào thị trường loa phòng thu chuyên nghiệp.

Capitol Records đã thay thế các mẫu loa Altec của họ bằng chiếc JBL D50. Vài năm sau, công ty có tên EMI tại Anh Quốc cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng sản phẩm của thương hiệu này. Kể cả khi Altec ra mắt thế hệ mới hơn của 604 ít lâu sau, họ vẫn không thể đấu lại với JBL. Thậm chí, hầu hết những sáng tạo và phát kiến mới ở thị trường loa phòng thu trong những năm tiếp theo cũng đều được đưa ra bởi JBL chứ không phải Altec.

ATC SCM50ASL, loa active monitor, niềm mơ ước của dân phòng thu

Cuối những năm 1960, JBL trở lại với hai mẫu loa phòng thu mới là 4320 và 4310 giúp họ đánh dấu sự ưu việt trong ngành công nghiệp. Chiếc 4320 được coi là đối thủ trực tiếp của Altec 604 nhưng có lợi thế về độ chính xác và công suất, nhanh chóng đưa nó trở thành tiêu chuẩn mới. Tuy nhiên, kích thước của 4310 nhỏ hơn mới thực sự là một cuộc cải cách với thuật ngữ “trường gần” - “near-field” tới đại chúng, cho phép nghe ở khoảng cách gần hơn, chỉ khoảng 0,9 - 1 mét, làm giảm hẳn sự sai lệch về âm thanh khi ít chịu tác động của phòng.

Vài năm sau đó, JBL tiếp tục chứng minh được vị thế với phiên bản nâng cấp 4311 mà sau đó được ưa chuộng trong cả thập kỉ 70. Hãng còn tung ra một phiên bản phổ thông dành cho các dàn âm thanh tại nhà mà chỉ trong vài năm đã trở thành bộ loa hi-fi bán chạy nhất thời bấy giờ. Kể từ năm 1975, JBL đã ghi danh là một trong những thương hiệu đáng tin cậy của phần lớn các phòng thu.

Xu hướng sử dụng các hệ thống loa cỡ lớn đạt tới đỉnh điểm vào những năm cuối 1970, và chỉ kết thúc khi làn sóng “thu âm tại nhà” nổi lên. Những chiếc loa phòng thu cao cấp của JBL bắt đầu bị thay thế bởi lựa chọn rẻ hơn, nhỏ gọn hơn, điển hình là Yamaha NS-10 dù ban đầu, mẫu loa này được hướng tới đối tượng người dùng thông thường chứ không phải chuyên nghiệp.

Acoustic Energy AE1, một trong những cặp near-field monitor tham chiếu nổi tiếng

Cho tới giữa những năm 1980, những mẫu loa trường gần đã trở thành một phần không thể thiếu trong các phòng thu bên cạnh các mẫu loa treo tường cỡ lớn khác. Dù là đã có công khai mở cho xu hướng loa near-field, nhưng sự phát triển của loa treo tường, điển hình là các dòng sản phẩm của Eastlake/Westlake với 3 đường tiếng, có tích hợp kèn, thiết kế dựa trên chiếc 604 của Altec đã khiến cho cái tên JBL chìm dần vào quên lãng.

Một trong những xu hướng nổi bật nhất là sự phát triển của loa nón mềm (soft-dome). Chúng hoạt động một cách tối ưu mà không cần dùng đến kèn - thiết kế vốn dễ gây khó chịu sau khi sử dụng trong thời gian dài. Các loa nón mềm phổ biến nhất thời bấy giờ đến từ các thương hiệu như Roger Quested, ATC, NeilGrant và PMC. Các mẫu loa này thường có sẵn bộ tần chủ động, ampli gắn trong và ghi điểm ở khả năng giảm thiểu tối đa nhiễu trong các dải âm trung và cao.

[Stereo Wiki] Lược sử về loa phòng thu

Vào những năm 2000, xu hướng loa phòng thu (và cả loa gia đình) bắt đầu chuyển dần sang các mẫu có sẵn ampli, hay còn gọi là loa active. Thiết kế này khiến thiết bị tối ưu cả về âm than lẫn hình thức và chi phí.

Cho đến thời điểm này, vẫn còn những tranh luận về việc nên hay không nên sử dụng loa phòng thu cao cấp để xử lý âm thanh. Bởi một số người quan niệm rằng, cần có sự đồng bộ từ phòng thu tới thị trường nghe nhạc. Trong khi đó, một số khác khẳng định, loa phòng thu phải thật chất lượng, với âm thanh tự nhiên, cân bằng để kỹ sư có thể xử lý chính xác nhất.

Hoài Bắc

Bài viết liên quan

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận