Giải mã cặp loa huyền thoại Yamaha NS 10
- 0
-
0chia sẻ
-
Sản xuất liên tục trong 23 năm với hàng trăm ngàn cặp loa được ưa dùng trên khắp thế giới, Yamaha NS 10(*) đã trở thành một biểu tượng của phòng thu. Có thể tìm thấy Yamaha NS 10 trong bất kỳ một studio thâu âm nào, từ những phòng thu amateur cho tới những hãng ghi âm hàng đầu thế giới.
Nhập đề
Cách đây chừng 10 năm, trong một cuộc so tài giữa các cặp loa bookshelf của một nhóm những người chơi audio, được tổ chức tại Hà Nội, có rất nhiều cặp loa tham gia và gây được thiện cảm như Acoustics Energy AE1, Celestion SL6si, Monitor Audio 700 Gold… Tuy nhiên, gây ngạc nhiên và thu hút sự chú ý nhất lại là một cặp loa màng trắng, nhỏ xíu. Trung âm của loa cực kỳ rõ ràng, chính xác với âm hình 3D nổi bật. Dải trầm của nó không xuống được thật sâu, nhưng phần trung trầm rõ nét, mạnh mẽ, chi tiết và dứt khoát. Dường như đôi loa này không cùng kênh với các cặp loa còn lại bởi nó chẳng hỗ trợ tí nào cho các thiết bị còn lại để nâng cao chất lượng trình diễn. Ngược lại, có bao nhiêu khiếm khuyết của hệ thống đều bị nó “tố” cho bằng hết.
Hỏi ra, mới biết đó chính là cặp loa Yamaha NS 10M nổi tiếng mà giới phòng thu vẫn săn lùng. Được biết, cặp loa đó thuộc sở hữu của một audiophile đồng thời là một DIYer cự phách tại Hà Nội. Anh cho biết không dùng cặp loa này để nghe nhạc mà sử dụng nó trong quá trình kiểm tra ampli đèn tự ráp. Mỗi khi thay một linh kiện như tụ điện, trở, dây nối trong ampli, chỉnh lại bias hay đổi bóng đèn, lập tức cặp loa sẽ cho anh biết kết quả của công việc bằng cách phản ảnh trung thực qua âm thanh: hoặc gắt gỏng, khô cứng, hoặc mềm mại, ngọt ấm, truyền cảm hơn. Hóa ra, nó là một cặp loa được dùng để làm việc.
Người viết bài này cũng từng sở hữu một cặp Yamaha NS 10M, chơi cùng một số ampli và receiver vintage của Pioneer, Marantz và đều cho kết quả như mong đợi. Dù là dòng nhạc gì, thì Yamaha NS 10M cũng thể hiện một cách trung thực và đúng chất nhạc. Với ampli bán dẫn vintage, có thể chơi tốt các dòng nhạc pop, rock, electro, newage… Với receiver bóng đèn cổ, Yamaha NS 10M có thể dùng để nghe các dòng nhạc trữ tình, hoặc nhạc cụ độc tấu, song tấu, tam tấu khá tình cảm và mộc mạc. Có một điều chắc chắn, Yamaha NS 10M dịch chính xác chất lượng thâu âm của bản ghi và các thiết bị đi kèm với nó, âm thanh mộc mạc, có phần hơi khó nghe với những đôi tai đã quen được chiều chuộng bởi những cặp loa làm màu (coloured), mà thực chất là cố tình thay đổi đặc tính âm thanh thông qua hệ thống crossover để dễ nghe hơn.
Cho tới nay, các dòng loa Yamaha NS 10 vẫn được giới phòng thu, dân DIY và một số người nghe nhạc tìm kiếm, săn lùng bởi giá trị của chúng. Tùy vào từng dòng loa, tuổi đời và độ nguyên bản của cặp loa mà giá dao động từ vài ba triệu đồng/cặp tới trên 10 triệu đồng/cặp. Song, nên nhớ, cặp NS 10 “trẻ” nhất cũng 15 tuổi vì Yamaha đã dừng sản xuất dòng loa này từ năm 2001.
Sau gần bốn thập kỷ kể từ lần đầu xuất xưởng, Yamaha NS 10 chinh phục hoàn toàn giới làm nghề và có những đóng góp không nhỏ vào nền công nghiệp ghi âm của thế giới. Bài viết này cung cấp cho độc giả một “hồ sơ” tương đối đầy đủ về “huyền thoại phòng thu” này.
Lược sử một huyền thoại
Yamaha NS 10 được thiết kế bởi kỹ sư Akira Nakamura, lần đầu ra mắt thị trường năm 1978, bắt đầu từ ý tưởng chế tạo một cặp loa nghe nhạc dân dụng. Tại thời điểm đó, nó được bán với giá 400 đô-la Mỹ, tương đương với 1.500 đô-la Mỹ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sau khi ra đời cặp loa đã không được người nghe nhạc tại nhà đó nhận, với số lượng loa bán được rất ít. Ngược lại, trong vòng 5 năm tiếp theo, nó lại nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng chuyên nghiệp - các kỹ sư phòng thu. Bởi các kỹ sư thâu âm đã bắt đầu tin tưởng vào việc sử dụng NS 10 để tham chiếu, dòng loa này dần chiếm lĩnh thị trường hòa âm cho dòng nhạc pop, rock trong suốt 20 năm sau đó.
Trong số các kỹ sư sử dụng NS 10, có thể kể đến những huyền thoại như Bob Clearmountain, Rhett Davies, Bill Scheniman của Hoa Kỳ; Nigel Jopson của Anh quốc. Ở thời điểm đó, Clearmountain chưa thật nổi danh, nhưng rất nhanh sau đó, ông đã trở thành ngôi sao trong ngành công nghiệp thâu âm, thường xuyên làm việc trên cặp NS 10. Phil Ward, tác giải của Sound on Sound cho rằng, Clearmountain có thể không phải là người dùng NS 10 sớm nhất, nhưng có lẽ là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tạo nên “xu hướng” NS 10 sau này.
Nực cười thay, NS 10 trở thành huyền thoại bởi Clearmountain chọn nó chỉ bởi đây loa tệ nhất mà ông có thể tìm thấy trên thị trường. Âm thanh của NS 10 không dễ chịu chút nào vì nó bộc lộ tất cả những gì khó nghe nhất trên một bản ghi. Khi đó, Clearmountain hoạt động như một kỹ sư thu âm và nhà sản xuất tự do, có thể đi khắp các phòng thu trên nước Mỹ với thiết bị với thiết bị tham chiếu gồm micro, và một cặp NS 10.
Và như vậy, các studio ghi âm của nước Mỹ rồi dần dần là cả thế giới bắt đầu chịu ảnh hưởng của việc dùng NS 10 làm loa tham chiếu, đặc biệt cho ròng nhạc rock và pop. Tính đến năm 2001, đã có hàng trăm ngàn cặp loa được bán ra. Tạp chí Gizmodo từng bình luận: “NS 10 chính là cặp loa quan trọng nhất trên thế giới”.
Yamaha dừng sản xuất dòng loa này vào năm 2001, vấn đề xuất phát từ việc khan hiếm bột giấy dùng để chế tạo màng loa. Tuy nhiên, điều này không khiến cho NS 10 biến mất, chúng vẫn luôn xuất hiện phổ biến và được mua bán thường xuyên trên thị trường pro-audio các nước.
Thiết kế và cấu trúc loa
NS 10 là cặp loa 8 ohm, 2 đường tiếng với thể tích 10,4 lít được cấu tạo thùng kín không có lỗ thoát hơi. Loa có kích thước 382 × 215 × 199 mm và nặng 6 kg. Vỏ loa được làm bằng gỗ veneer dày 25 mm với 7 lớp sơn đen phủ bề mặt. Phiên bản dân dụng được bố trí theo trục dọc, đặt thẳng đứng và có ê-căng.
Loa sở hữu một driver woofer màng giấy đường kính 180 mm và một driver tweeter dome mềm đường kính 35 mm. Nón loa woofer chỉ nặng 3,7g, được cán mỏng từ bột giấy ép. Trái với thông lệ, nó được tạo hình nón không thông qua khuôn đúc hoặc máy dập, mà được cuộn lại và keo lên hai mép, như cách người ta làm phễu giấy. NS 10 cũng rất dễ nhận biết bởi màu sắc tương phản giữa đen và trắng của màng loa woofer và vỏ thùng.
Loa sử dụng phân tần thụ động bậc 2 với điểm cắt cần 2 Hz. Dải tần của NS 10 vào quãng 60 Hz - 20 kHz với công suất chịu tải ampli từ 25 - 50 W. Ở những phiên bản đầu, cọc đấu loa theo kiểu truyền thống là ấn xuống và đút dây chuột. Những model sau này sử dụng vít vặn. Trước đây, tôi sử dụng một bộ dây trong máy truyền tin quân sự với độ đồng tinh khiết cao để đấu với NS 10M và nghe nhạc rất ổn. Loa không ép-phê nhiều với việc thay dây.
Âm thanh đặc trưng
Hiểu một cách đơn giản, NS 10 sở hữu đặc tính âm thanh mà với nó, nếu các bản thu nghe lọt tai trên cặp loa này thì cũng sẽ nghe rất ổn trên hầu hết các hệ thống nghe nhạc tại nhà. Bởi nó có khả năng tái hiện tất cả những điểm yếu của bản phối trong suốt quá trình mix nhạc nên cặp loa này cũng có thể khiến người nghe thấy mệt khi nghe tại nhà.
NS 10 không sở hữu một đáp tuyến tần số phẳng tuyệt đối. Âm thanh của nó hơi tập trung vào phần midrange, và giống như những cặp loa thùng kín cùng kích thước khác, dải trầm của loa không xuống được sâu. Nó có một khoảng trội +5 dB ở phần trung âm, ngưỡng 2 kHz, và dải trầm bắt đầu suy hao ở khoảng 200 Hz. Dải trung âm của loa rất rõ và chi tiết tới mức nó bộc lộ hết toàn bộ những tần số có vấn đề, cũng như những âm thanh không tốt cho tai người.
Với dân làm nhạc chuyên nghiệp, cặp loa này có khả năng phân tích cao bằng thứ âm thanh rất khắt khe. Gizmodo đã liên tưởng cặp NS 10 như các biên tập viên âm nhạc khó tính, với chuyên môn chính là “vạch lá tìm sâu”, phát hiện điểm sai, lỗi trong các bản thu. Nhờ đó mà các kỹ sư mới có cơ hội để điều chỉnh hoặc mix lại bản thu của mình trước khi cho xuất bản.
Năm 2001, trường đại học Southampton trong quá trình nghiên cứu giảng dạy về âm thanh phòng thu đã phát hiện ra rằng loa NS 10 có tốc độ đáp ứng dải trầm xuất sắc. Nó có khả năng bắt đầu và kết thúc rung động ngay tại thời điểm tiếp nhận tín hiệu đầu vào, chính xác hơn hầu hết các cặp loa monitor trường gần nào. Một trong các yếu tố để làm được điều này là thiết kế thùng kín của loa. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc ngắt tiếng vang cực nhanh của loa ở tần số thấp đảm bảo cho hoạt động mix các nhạc cụ bass (trống và guitar) được hài hòa trong một bản phối.
Có hai trường phái đánh giá về âm thanh của NS 10, hoặc là yêu, hoặc là ghét. Rất nhiều người trong giới làm nhạc cho rằng không thể thiếu cặp loa này, mặc dù có thể họ không thích nghe nó; một số khác lại không muốn dùng, nhưng cũng phải công bằng mà thừa nhận rằng nó là một công cụ hữu hiệu dành cho dân pro. Những người tin dùng NS 10 lại thường là các nhà sản xuất âm nhạc tự do và khiến nó trở thành một hiệu ứng có tính lan truyền khủng khiếp. Và thế là hàng ngàn studio trên khắp thế giới trang bị loa NS 10 để thu hút các nhà sản xuất, khiến cặp loa trở thành một tiêu chuẩn của ngành công nghiệp thu âm.
Các đời sản phẩm
Có rất nhiều phiên bản của NS 10, trong số đó nổi tiếng nhất là model NS-10M Studio và NS-10M Pro. Cả hai đều được sản xuất vào năm 1987. Những cặp loa này được bố trí driver và đặt theo phương ngang. So với phiên bản gốc, NS-10M Studio được nâng công suất lên 60 - 120 watt, cọc bắt loa tốt hơn, thùng loa chắc hơn và không có ê-căng. Chỉ riêng với dòng NS-10M Studio, Yamaha đã bán được trên 200.000 cặp khắp thế giới.
Trong dòng sản phẩm NS 10 còn có các phiên bản như NS-10M X, NS-10MC, NS-10MT. NS-10M X chính là model Studio có nam châm được bọc chống nhiễu và nâng cấp loa tweeter. Trong những năm 1990, Yamaha cho ra mắt dòng NS-10MT, là phiên bản 10M X với lỗ thông hơi, tweeter mới và có ê-căng. Được chế tạo cho hoạt động mix nhạc trong phim, 10M X có dải trầm xuống tới 43 Hz, trở kháng thông thường 6 Ohm và công suất tối đa 180 watt. Vào khoảng năm 1997, 1998, Yamaha cho ra mắt phiên bản thu nhỏ của loa có tên gọi Natural Sound Surround Speaker - NS10MM.
Hiệu ứng khăn giấy
Người ta đồn rằng Clearmountain là một trong những kỹ sư thâu âm đầu tiên phủ giấy ăn lên loa tweeter của NS-10 để khắc phục tình trạng gắt tiếng. Tuy nhiên, một khi kỹ sư áp dụng giải pháp này trong quá trình thu âm thì bản phối đó nghe sẽ bị hụt tiếng treble khi nghe trên các bộ dàn bình thường. Hiện tượng này cũng nhanh chóng trở thành đề tài nóng hổi trong giới thâu âm.
Kỹ sư thu âm Bob Hodas đã tiến hành những khảo cứu thực tế về hiệu ứng âm thanh khi sử dụng khăn giấy trên dòng loa NS 10 và ông phát hiện ra chúng cho hiệu ứng âm thanh khác nhau khi xử dụng các loại khăn giấy khác nhau. Bob cho biết, sử dụng khăn giấy sẽ tạo ra những hiệu ứng ngoài mong muốn, giống như khi đặt một màng lọc dạng tổ ong, sóng âm tần số cao thay vì được hấp thụ thì dội ngược trở vào loa tweeter.
Bob nhận định thói quen sử dụng hiệu ứng khăn giấy của một số kỹ sư thâu âm là sai lầm. Ông cũng gợi ý nên sử dụng các phương pháp có thể kiểm soát được hiệu ứng đầu ra và hạn chế sử dụng những mẹo không căn bản trong quá trình mix nhạc. Trong khi đó, Newell cũng cho rằng nên bỏ ê-căng trong quá trình sử dụng vì nó cũng tạo nên hiệu ứng tương tự như hiệu ứng khăn giấy.
Vĩ thanh
Yamaha NS 10 đã trở thành loa kiểm thính đáng tin cậy của các kỹ sư độc lâp, những người làm việc tại các studio khác nhau và cần có thiết bị mà họ quen nghe để làm tham chiếu. Trong suốt những thập niên 80, 90, các kỹ sư âm thanh và các nhà sản xuất âm nhạc đã miệt mài làm việc cùng NS 10 để cho ra đời những album kinh điển như Born in the U.S.A (Bruce Springsteen), Avalon (Roxy Music), Let's Dance (David Bowie), hay Big Bam Boom (Hall and Oates).
Và như vậy NS-10, cùng với Auratone (ra đời trước đó) đã trở thành hai cặp loa kiểm âm trường gần được sử dụng rộng rãi nhất trong giới hòa âm chuyên nghiệp của ngành công nghiệp thu âm. Vào năm 2008, NS-10 được vinh dự ghi tên trong mục Technology Hall of Fame của tạp chí MIX. Trước đó một năm, đôi loa này đã mang về cho Yamaha giải Technical Grammy danh giá!
(*): Yamaha NS-10 có rất nhiều phiên bản gồm NS-10M, NS-10M Pro, NS-10M Studio, NS-10M X, NS-10MC, NS-10MT, NS-10MM. STEREO dùng trong bài viết cụm Yamaha NS-10 để chỉ dòng loa này nói chung.
Ảnh: Sưu tầm.
Hoài Bắc
Bình luận