Loa B&O trên laptop HP Pavillion 15: không có đối thủ

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Với hợp đồng mới cùng thương hiệu âm thanh lão làng Bang & Olufsen, dòng laptop Pavillion đã được HP đưa lên một tầm cao mới về khả năng trình diễn âm thanh.


ƯU ĐIỂM

Thiết kế thân thiện
Loa ngoài trong trẻo, âm lượng lớn
Headamp công suất cao, âm trầm tốt
Micro kép thu âm rõ nét
Webcam Full-HD
Thời lượng pin tốt


NHƯỢC ĐIỂM

Độ hoàn thiện chưa tốt
Bán phím không dễ làm quen, chưa có đèn nền
Ổ đĩa quang không đọc được Blu-ray


GIÁ THAM KHẢO

10,699,000 VNĐ


ĐIỂM

9/10 điểm

HP luôn là một hãng khá chú ý tới các tính năng giải trí trên máy tính, dù các dòng sản phẩm cho doanh nghiệp với độ bền tốt thường được người Việt đánh giá cao hơn theo tiêu chí ăn chắc mặc bền. Chính bởi vậy mà HP đã quyết định đầu tư lớn cho dòng laptop giải trí trung cấp Pavillion với phần âm thanh của B&O kể từ các sản phẩm 2015. Theo như Stereo trao đổi với đại diện HP, các sản phẩm của Bang & Olufsen sẽ xuất hiện trước tiên trên 2 dòng laptop Pavillion dưới tên gọi B&O Play, và laptop Envy với tên Bang & Olufsen đầu đủ. Đây là một cách đánh dấu khá tinh tế, bởi B&O Play là dòng sản phẩm phổ thông của Bang & Olufsen, “thường được hướng tới người dùng ở độ tuổi 25-35”. Dù vậy, hệ thống loa B&O trên chiếc Pavillion mà HP gửi tới test lab của Stereo vẫn có nhiều điểm đáng chú ý. Toàn bộ 2 driver, soundcard, giắc cắm tai nghe 3,5mm và         phần mềm điều chỉnh nhạc B&O Play đều phải thực hiện theo thiết kế và tiêu chuẩn của Bang & Olufsen. Sự khác biệt có thể nhận thấy rõ ràng khi Bang & Olufsen không chấp nhận việc đặt loa ở cạnh dưới laptop để tận dụng yếu tố cộng hưởng nữa, mà sử dụng 2 driver chất lượng cao hơn, nằm ngay phía trên loa. Điều này thường chỉ thấy trên các dòng laptop cao cấp. Việc đặt ở ở góc dưới như thông thường nhằm tiết kiệm không gian bên trong laptop, cũng như chi phí sản xuất. Tận dụng cộng hưởng sẽ giúp âm thanh tới người nghe tập trung hơn, song lại có nhiều tác hại hơn, như âm thanh thường không trong trẻo, thậm chí các chi tiết nhỏ còn bị triệt tiêu, do khó có thể tính toán hoàn hảo ở mức chi phí thấp. Hơn nữa, việc đặt loa như vậy thường xuyên bị cản âm thanh khi người dùng đặt tay sử dụng bàn phím. Còn với chiếc laptop Pavillion 14 và 15 mới, B&O đã thiết kế dải loa chạy song song phía trên bàn phím, gồm 2 driver toàn dải đặt bên dưới. Khi mới nhận máy, chúng tôi khá thắc mắc tại sao âm lượng từ bộ loa này lại nhỏ đến vậy. Song hóa ra khi cài đặt lại driver âm thanh mới nhất từ trang chủ HP thì màn hình diễn đã thay đổi hoàn toàn. HP lý giải điều này rằng B&O luôn cập nhật phần mềm mới để tối ưu âm thanh cho các sản phẩm từ lớn đến nhỏ.

Loa B&O trên laptop HP Pavillion 15: không có đối thủ
So với các laptop thông thường, loa ngoài của B&O có âm lượng nhỉnh hơn một chút, song điều này chưa phải đã quan trọng nhất. Thiết kế của B&O giúp âm thanh trong trẻo và chi tiết hơn đáng kể, dải cao có phần được đẩy hơn một chút tạo sự rõ ràng. Ấn tượng hơn là không gian mà loa ngoài tái tạo được thực sự rộng rãi hơn đa phần laptop trong cùng tầm giá. Bạn sẽ cảm nhận được các nhân vật di chuyển qua lại trước mặt khi xem phim, và việc xác định vị trí âm thanh nghe được không phải điều khó khăn. Song điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là khi kết nối với chiếc tai nghe Bang & Olufsen H2. Chúng tôi suýt “điếc” bởi dù đã đặt âm lượng 35% thì vẫn quá lớn (ở mức 25% là đủ), trong khi với một chiếc máy tính để bàn sử dụng main Asus H61 thì chúng tôi phải đặt khoảng 40% (mà máy tính đề bàn thường có công suất lớn hơn máy tính xách tay). Như vậy, người dùng hoàn toàn có thể tự tin laptop Pavillion mới sẽ chơi được với các tai nghe trở kháng trung bình-cao. Nhưng nếu chỉ “to mồm” thì thế hệ mới của laptop Pavillion có lẽ không cải tiến gì so với khi hợp tác với Beats Audio. Cặp đôi B&O này thể hiện âm trầm khiến chúng tôi thực sự bất ngờ, rất mạnh mẽ, uy lực và sạch sẽ, tròn trịa, chứ không có cảm giác đục như khi sử dụng Beats Audio. Để có được điều này, Bang & Olufsen đã yêu cầu HP sử dụng giắc xuất âm thanh 3,5mm chất lượng cao, được mạ cẩn thận để hạn chế nhiễu. Trung âm vẫn thể hiện theo phong cách tự nhiên, hài hòa quen thuộc của B&O, song dải cao lại được đẩy nhẹ hơn một chút để có cảm giác bản nhạc sôi động hơn. Đây là thiết lập mặc định của ứng dụng B&O Play, đi kèm driver âm thanh trên máy hướng tới phong cách nghe nhạc đương đại, song người dùng vẫn có thể chiều chỉnh equalizer để hợp gu nghe hơn. Và chốt lại, cảm giác về không gian của bản nhạc có thể chưa thực sự chi tiết, song đã rộng, thoáng đãng hơn hẳn các laptop trước đây Stereo từng nghe. Không phải phần âm thanh của B&O lần này không có điểm yếu. Khi thử sức với chiếc inear có độ nhạy rất cao như Custom Art Music Two thì chúng tôi phát hiện ra nền nhạc chưa thực sự sạch sẽ, song lại không nghe được ở các tai nghe thông thường. Loa ngoài cũng có âm trầm chưa thực sự ấn tượng, mà HP cho biết sẽ giải quyết được bằng cách tích hợp thêm subwoofer trên dòng laptop Envy cao cấp. Còn ở những mặt khác, HP Pavillion tạo cho chúng tôi cảm giác thân thiện. Đầu tiên là lớp vỏ nhựa composite có vân nhám nên sẽ hạn chế xước và cũ theo thời gian sử dụng. Pin Long Life cũng cam kết chỉ giảm dung lượng sau 300 lần sạc, trong khi các pin thường chỉ đạt 200. Và thời lượng pin đạt khoảng 5-6 giờ sử dụng thông thường có kết nối Wi-Fi. Màn hình của Pavillion có lẽ là điểm chưa xứng tầm khi được thiết kế thiên về giải trí, khi mà phiên bản 15,6inch cũng chỉ có độ phân giải 1.366x768pixel, và tạo cảm giác bị ám màu xanh dương khá đáng kể. Phiên bản được cung cấp tại Việt Nam cũng không có đèn nền bàn phím để sử dụng buổi tối. Còn ổ đĩa quang chỉ đọc được DVD chứ chưa có Blu-Ray hay SACD.

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận