Thiết kế thô dày, tiêu tốn điện năng khiến TV Plasma không thể cạnh tranh được với các loại màn hình mới và dần bị các nhà sản xuất khai ...

Thiết kế thô dày, tiêu tốn điện năng khiến TV Plasma không thể cạnh tranh được với các loại màn hình mới và dần bị các nhà sản xuất khai tử.

 

Mặc dù sở hữu một số lợi thế so với các loại màn hình LCD như độ tương phản cao, góc nhìn rộng, màu sắc chính xác và khả năng xử lý hình ảnh chuyển động tốt hơn nhưng sự khác biệt này của TV Plasma là không lớn và người dùng thông thường gần như không thể phát hiện. Cùng với đó, dòng TV LED thế hệ mới liên tục được các nhà sản xuất nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới giúp chiếm lấy vị thế đứng đầu về khả năng hiển thị của tấm nền Plasma. Trong khi đó, các TV LCD lại được số đông người dùng ưa chuộng nhờ hình ảnh sáng, thiết kế mỏng hơn và ít tiêu thụ điện năng hơn.

Cùng với đó, các dòng TV sử dụng tấm nền Plasma trước đây còn thường xuyên gặp phải một lỗi nghiêm trọng là hiện tượng lưu hình “burn-in”. Mặc dù những thế hệ TV Plasma sau này đã khắc phục được nhược điểm trên nhưng ấn tượng xấu về dòng sản phẩm này trong suy nghĩ của người dùng vẫn chưa thể loại bỏ.

Bên cạnh đó, nhiều người dùng lầm tưởng TV LCD ra đời sau TV Plasma nên được trang bị những công nghệ tiên tiến hơn, tốt hơn. Nhưng trên thực tế, dòng TV LCD đã ra đời từ rất lâu, trước khi dòng TV Plasma được giới thiệu vài năm nhưng không phổ biến ở phân khúc màn hình kích thước lớn và chỉ đến sau này khi các thương hiệu lớn tập trung vào sản xuất quy mô lớn dòng sản phẩm này giúp giá bán cạnh tranh hơn và được nhiều người dùng biết đến hơn.

Chính bởi việc người dùng ngày càng thờ ơ với các dòng TV Plasma nên các hãng sản xuất lớn, trong đó có Panasonic – hãng sản xuất TV Plasma hàng đầu thế giới buộc phải rút khỏi phân khúc này. Khi lợi nhuận không thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất, việc dòng TV Plasma biến mất trên thị trường được xem như điều tất yếu.