Bắt đầu từ iPhone 5S, Apple đã quảng bá những chiếc smartphone mới của họ là có một lớp kính sapphire phủ lên camera để chống xước tốt hơn, nhưng ...

Bắt đầu từ iPhone 5S, Apple đã quảng bá những chiếc smartphone mới của họ là có một lớp kính sapphire phủ lên camera để chống xước tốt hơn, nhưng nhiều năm trô i qua, chúng ta đều nhận ra là chúng vẫn dễ xước như thường. Tại sao lại thế?

Kênh Youtube JerryRigEverything mới đây đã đăng tải 1 video phơi bày sự thật về vấn đề này, bằng cách so sánh độ cứng giữa một chiếc đồng hồ Tissot và mặt kính camera trên iPhone 7. Cả hai sản phẩm đều được quảng bá là có phủ kính sapphire chống xước.

Sapphire là loại vật liệu cứng thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau kim cương. Nếu sử dụng các dụng cụ đo như trong video dưới đây, kính sapphire thật sẽ chỉ xước ở mức độ 8 trở lên trên thang đo Moh. Chiếc đồng hồTissot thì đạt đúng yêu cầu này, nhưng mặt kính camera của iPhone 7 thì đã bắt đầu xước rất nhiều ở mức 6 - 7, tương đương với các loại kính cường lực Gorrila Glass 3 - 4 trên thị trường. Sự khác biệt nằm ở đâu?

Để giải thích cho câu hỏi này, JerryRigEverything còn thực hiện thêm nhiều bài kiểm tra, tìm hiểu về mặt kính của iPhone. Cụ thể, thay vì kính sapphire "thông thường" như bao chiếc đồng hồ khác, Apple lại phát triển một công nghệ giúp "phủ một lớp sapphire cực mỏng lên trên bề mặt kính thường". Không những thế, lớp sapphire này còn có độ tinh khiết chỉ đạt khoảng 90%, trong khi kính sapphire thật thì con số phải lên tới sát mức 100%.

Vậy đó, Apple đã sử dụng một "chiêu thức" rất tinh vi để đánh lừa người dùng. Hãng vừa có thể gọi nó là "kính sapphire" để dễ bề thuyết phục người mua lại vừa giảm được chi phí nguyên liệu xuống mức thấp nhất có thể. Cuối cùng, chỉ có những người dùng của hãng là chịu thiệt vì bị lừa mà không biết.