Được coi là “trung tâm” của phòng khách, hay thậm chí phục vụ cả phòng ngủ hoặc phòng giải trí, nên thường được đầu tư khá mạnh tay. Song việc lựa chọn một sản phẩm phù hợp khá khó khăn bởi thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm, và công nghệ phát triển nhanh đến chóng mặt. Để tránh phải hối tiếc, Stereo Channel có một vài lời khuyên nho nhỏ gửi tới các bạn độc giả:
- Lựa chọn kích cỡ không phù hợp
Với các TV hiện đại, phần lớn các sản phẩm cao cấp sẽ có độ phân giải 4K Ultra HD, thay vì độ phân giải HD trước đây. Độ phân giải càng cao thì kích thước TV cũng có xu hướng tăng lên để khai thác tốt hơn yếu tố trên. Người dùng cũng quen với việc các thiết bị công nghệ như smartphone, máy ảnh tăng dần kích thước màn hình, và TV cũng không tránh khỏi xu hướng đó.
Hãy thử tưởng tượng việc chúng ta sử dụng 1 chiếc TV 4K 70 inch trong phòng khách nhỏ và chỉ cách ghế ngồi có 1.2m, hoặc một màn hình nhỏ 43 inch đặt trong phòng khách rộng trên 50 mét vuông dành cho gia đình lại khiến chúng ta rất khó xem. Con số an toàn trong thời điểm hiện tại là khoảng 49-55inch với hầu hết không gian phổ biến ở Việt Nam.
Tuy nhiên, người dùng có thể tham khảoviệc đo đạc giữa khoảng cách (theo inch) giữa chỗ ngồi và kích thước màn hình theo tỷ lệ khoảng cách từ vị trí ngồi xem tới TV gấp 1.5 lần so với kích thước màn hình nên mua.
- Tập trung vào các tính năng không quan trọng.
Giống như smartphone, các smart TV ngày nay được nhồi nhét thêm ngày càng nhiều tính năng. Dĩ nhiên, dù có sử dụng hay không thì chúng ta vẫn sẽ phải trả tiền cho chúng, nên nếu cắt bớt các tính năng không cần thiết và tập trung vào những điều quan trọng thì chúng ta không chỉ tiết kiệm chi phí, mà sẽ giúp chúng ta cảm thấy hài lòng hơn về quyết định của mình, bởi không cần chạy đua với thiên hạ.
Một trong những tính năng được cho là không thực sự đáng đầu tư gồm trình chiếu hình ảnh 3D, màn hình cong, hay tốc độ quét hình “ảo” (250Hz, 400Hz và cao hơn) cũng như các tính năng vô dụng như làm tối cục bộ nhưng lại không có đèn LED nền toàn màn hình
Còn các tính năng quan trọng nhất với bất cứ TV nào bao gồm khả năng hiển thị màu sắc, mức độ sâu màu đen, độ sáng màn hình và tốc độ quét thực cao bao nhiêu (từ 100-120Hz), và những tính năng đảm bảo cho việc không bị lạc hậu trong tương lai gần như hình ảnh HDR...
- Quá tin tưởng vào thương hiệu
Những sản phẩm đắt tiền hơn luôn có lý do, mà lý do đầu tiên chính là... thương hiệu. Một sản phẩm có cấu hình cao song giá lại rẻ thì thường đến từ các thương hiệu ít uy tín, mới xuất hiện. Vấn đề không chỉ nằm ở sự tin tưởng của người dùng, mà còn ở tiềm năng và kinh nghiệm của nhà sản xuất. Giống như smartphone, yếu tố tối ưu mới đem tới hiệu quả cao, mà thường các hãng lớn mới nắm được điều này. Thương hiệu tốt cũng sẽ giúp người dùng yên tâm hơn ở khâu bảo hành, cũng như khả năng bán lại dễ dàng hơn.
Tuy vậy, đây cũng không phải yếu tố hàng đầu nên cân nhắc, bởi hãng nào cũng có sản phẩm tốt/kém. Các nhà sản xuất thường có xu hướng tập trung nhất vào một phân khúc với giá bán cụ thể, đầu tư kỹ lưỡng về nhiều mặt và có giá bán hợp lý.
- Nghĩ quá nhiều tới tương lai xa
Một trong những vấn đề lớn nhất mà người dùng hay mắc phải đó chính là chi tiền quá nhiều cho các tính năng dự kiến sẽ sử dụng trong tương lai. Điển hình như việc “đi tắt đón đầu” xu hướng màn hình 4K, song quả thực cho đến nay thì độ phân giải này vẫn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Các nguồn nội dung phim thường chỉ có độ phân giải Full-HD, còn truyền hình thường chỉ HD, và vẫn chưa có dấu hiệu nâng cấp trong 2-3 năm sắp tới.
Xu thế màn hình cong cũng khiến nhiều người tiếc nuối. Nếu không định mua màn hình có kích thước thật lớn và ngồi gần để xem thì hiệu quả không đáng kể, mà số tiền chênh lệch cần phải chi ra lại nhiều. Đến năm 2016 thì phần lớn các hãng TV đã bỏ xu hướng này.
Những giá trị cốt lõi của chiếc TV như chất lượng hình ảnh, màu sắc, góc nhìn, tần số quét... mới được coi là thứ đáng đầu tư hơn các xu hướng nhất thời.
- Quá lo lắng về tính năng Smart TV
Từ năm 2015, các hãng TV đều đã trang bị nền tảng hệ điều hành thông minh. Các nền tảng được yêu thích hiện nay là Tizen của Samsung, Android TV trên TV Sony cũng như WebOS 3.0 trên các TV LG... Và về cơ bản các nền tảng này đều cho trải nghiệm đơn giản, tương tự tablet cỡ lớn song thu gọn và biến đổi đôi chút về tính năng, nên người dùng có thể làm quen khá dễ. Tuy nhiên, mỗi hệ điều hành có một điểm mạnh riêng, như điều khiển của LG khá thân thiện, trình duyệt web của Samsung khá mạnh mẽ... và các sản phẩm cao cấp dĩ nhiên cũng sẽ có những tính năng cao cấp riêng.
Thế nhưng, Smart TV hay smartphone nói chung đều nhanh chóng bị lạc hậu về tính năng bởi công nghệ ngày nay phát triển quá nhanh, và không ít trong số đó chưa bao giờ thực sự cần thiết. Liệu chúng ta sẽ sử dụng Facebook, Instagram hay Snapchat trên TV?
Phần lớn tính năng chủ đạo mà chúng ta sử dụng vẫn chỉ là lướt web, xem phim trực tuyến, nghe nhạc, hát karaoke, đọc tin tức... vốn dĩ phần lớn Smart TV ở thời điểm này đều có thể làm khá tốt. Các hãng vẫn đang cố gắng để mọi thứ trở nên nhanh, tiện dụng, dễ dàng hơn. Chắc chắn trong tương lai gần thì Smart TV sẽ trở thành trung tâm của hệ thống nhà thông minh (Smart Home) theo xu hướng Internet of Things.
Ngay cả khi đã trở nên lỗi thời, chúng ta vẫn có một giải pháp khác chính là sử dụng các TV Box sử dụng hệ điều hành Android thông qua cổng HDMI. Nhờ đó, các tính năng mới và cấu hình hiện đại có thể được cập nhật một cách dễ dàng, dù rằng độ hoàn thiện sẽ không thể như phần mềm đi kèm TV.