Ngoài 5 yếu tố chính thường được nhắc tới mà Stereo đã đề cập tới ở phần 1, chúng ta vẫn nên biết tới những vấn đề ít được đề cập và chú ý tới khi nói đến loa soundbar, song cũng có sự quan trọng không kém nếu muốn có một bộ loa thật sự ưng ý.

 

  1. Phân biệt giữa soundbar và soundbase

Cùng sinh ra để phục vụ nhu cầu sử dụng chung với TV và chia sẻ rất nhiều điểm chung, song thực ra soundbar và soundbase là 2 dòng loa được định vị riêng, dù rằng cả người dùng trên thế giới và Việt Nam đều có sự nhầm lẫn giữa chúng.

Stereo đã có riêng một bài viết về Phân biệt loa soundbar và loa soundbase trước đây để các bạn đọc tham khảo.

  1. Loa soundbar cũng có dạng passive và active

Rất ít người để ý rằng loa soundbar cũng có dạng passive. Trên thị trường hiện nay, loa soundbar thường đi kèm sẵn DAC và ampli bên trong, được gọi là dạng active. Sự phổ biến của loa soundbar active rất dễ hiểu, bởi phần lớn người dùng tìm tới dòng sản phẩm này mong muốn sự thuận tiện, dễ sử dụng và tính thời trang, gọn gàng.

Tuy nhiên, nhiều người có sẵn receiver tích hợp ampli với chất lượng tốt sẽ ưu tiên việc sử dụng các loa soundbar dạng passive. Khái niệm loa passive cũng rất dễ hiểu, chính là các cặp loa thông thường mà người dùng phải sử dụng ampli và DAC rời. Chính bởi vậy, loa soundbar passive sẽ có ưu thế về chất lượng âm thanh, khả năng phối ghép linh hoạt, song lại không đi kèm tính năng thông minh hay các kết nối không dây tiện dụng.

  1. Liệu có cần treo tường?

Phần lớn loa soundbar đều được thiết kế để treo tường, song một số ít chỉ được thiết kế để đặt bàn ở phía trước TV. Vị trí đặt khiến loa thay đổi rất nhiều về chất lượng âm thanh do yếu tố phản xạ và cộng hưởng, nên trước khi mua loa soundbar hay bất cứ cặp loa nào khác thì người dùng đều nền cân nhắc trước yếu tố vị trí đặt loa.

Với các loa thế hệ mới, nhiều nhà sản xuất thường đưa vào nhiều chế độ âm thanh phụ thuộc vào vị trí đặt loa, trong có thể có cả “Đặt sát tường / Treo tường”, và “Giữa phòng / Để bàn”... Mọi người nên sử dụng các tính năng này để tối ưu chất lượng âm thanh.

Một số nhà sản xuất thậm chí còn trang bị cả micro và các bộ xử lý âm thanh kỹ thuật số DSP hiện đại. Hệ thống loa thông minh như vậy có khả năng tự động điều chỉnh âm thanh theo không gian phòng và theo bất cứ vị trí đặt loa nào. Hiệu quả của công nghệ này đương nhiên cao hơn hẳn so với các chế độ âm thanh được cài đặt sẵn.

  1. Loa soundbar không đi kèm điều khiển?

Thực tế là không phải mọi dòng loa soundbar đều đi kèm điều khiển. Việc đặt loa soundbar quá gần so với TV có thể khiến các bộ điều khiển hồng ngoại (IR Remote) bị loạn tín hiệu, nên nhiều nhà sản xuất đã nghĩ ra cách sử dụng chính điều khiển TV để điều khiển cả loa luôn, chủ yếu là tăng/giảm âm lượng.

Với các cặp loa hiện đại, cao cấp, người ta còn nghĩ ra cách điều khiển bằng kết nối Bluetooth hoặc WiFi. Phương pháp này được thực hiện thông qua các phần mềm cài đặt trên smartphone và tablet phù hợp với nhu cầu của giới trẻ năng động. Các phần mềm sẽ cho phép điều khiển sâu hơn với nhiều tính năng phụ trợ.

  1. Kích thước và hình dáng phù hợp TV

Khi nói tới kích thước, người dùng chủ yếu quan tâm tới độ dài của loa soundbar. Các bộ loa quá dài sẽ gây khó khăn trong việc sắp xếp không gian, vị trí đặt, còn các bộ loa quá nhỏ lại không có nhiều không gian để đặt nhiều driver khiến chất lượng âm thanh bị giới hạn. Thông thường, chiều ngang của loa soundbar tương đương với chiều ngang của TV là tỉ lệ hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của kiểu TV màn hình cong cũng khiến cho loa soundbar phải thay đổi hình dáng theo xu hướng đó. Các loa soundbar cong sẽ có kiểu dáng phù hợp và đồng nhất hơn, song chất lượng âm thanh gần như không thay đổi đáng kể so với loa soundbar thẳng.