Triển lãm MWC 2016 vừa qua có thể nói là thực sự rất thành công, không chỉ nhờ những siêu phẩm di động mới như Galaxy S7 hay LG G5, ...
Triển lãm MWC 2016 vừa qua có thể nói là thực sự rất thành công, không chỉ nhờ những siêu phẩm di động mới như Galaxy S7 hay LG G5, mà còn là những công nghệ, tính năng mới mẻ, độc đáo và vô cùng tiện lợi. Chúng được coi là những lá cờ đầu để cả ngành công nghệ hướng theo và phát triển vượt bậc hơn, mang tới nhiều giá trị sử dụng cho người tiêu dùng. Hãy cùng điểm qua những công nghệ mới mà LG, OPPO và Samsung mang lại, hứa hẹn sẽ bùng nổ trong những tháng sắp tới.
Super VOOC flash charge của OPPO
Không có sản phẩm điện thoại di động nào mới, nhưng OPPO vẫn gây được sự chú ý với công nghệ sạc nhanh VOOC thế hệ thứ 3, cho phép sạc đầy viên pin 2500mAh chỉ trong 15 phút thông qua cổng Micro-USB hoặc USB Type-C. Để làm được điều này, OPPO đã ứng dụng công nghệ sạc xung điện áp thấp và loại pin tùy biến, không phải là Li-Ion hay Li-Po thông thường và phần mềm tính toán mức điện năng bên trong điện thoại. Cách sạc này chỉ cho nguồn ra là 5V nên sẽ không gây nóng hay chai pin. Đáng tiếc, đây mới chỉ là công nghệ thử nghiệm, chưa được đưa vào sử dụng chính thức, và chúng ta cũng không rõ liệu hãng có ý định các hãng khác "mượn" về sử dụng hay không.
Mô đun "lắp ghép" của LG
Tất nhiên, điểm nhấn khác biệt và độc đáo nhất của LG năm nay chính là phần Magic Slot trên chiếc flagship G5. Nó đã giúp máy dành được danh liệu "smartphone sáng tạo nhất MWC 2016" do người dùng bình chọn. Với phần đuôi tháo rời, LG đã tạo ra thêm nhiều phụ kiện để gắn với G5 cho nhiều mục đích khác nhau: Chụp ảnh tiện lợi hơn, tăng dung lượng pin và nghe nhạc tốt hơn.
Nếu như LG cho phép các nhà sản xuất bên thứ 3 bán ra các dạng Mô đun khác cho G5 thì chắc chắn rằng máy sẽ cực kì thành công, cả về độ nổi tiếng lẫn doanh thu và doanh số.
Lấy nét Dual Pixel của Samsung
Chiếc Galaxy S7 dù chỉ được coi là phiên bản hoàn thiện của thế hệ trước, nhưng những cải tiến bên trong nó thực sự không thể chối cãi, nhất là công nghệ Dual Pixel mà Samsung phát triển.
Thực tế thì công nghệ này đã được áp dụng nhiều trên các mẫu máy ảnh DSLR cao cấp, nhưng đây là lần đầu tiên nó được đưa vào sử dụng trên điện thoại di động. Cụ thể, thay vì chỉ sử dụng khoảng 5 đến 10% điểm ảnh lấy nét nằm rải rác trên bề mặt như các cảm biến lấy nét theo pha thông thường, Samsung đã chèn thêm 100% điểm ảnh lấy nét mới, tức là cứ mỗi 1 pixel để thu sáng thì sẽ có 1 pixel bên cạnh nó phục vụ cho mục đích theo dõi nét của vật thể. Để xem tốc độ lấy nét trên Galaxy S7 nhanh tới mức nào, bạn hãy xem video dưới đây.
Camera góc rộng của LG
Dù không phải là điều gì mới lạ, nhưng thường thì các nhà sản xuất cùng lắm là tạo ra phụ kiện ống kính riêng cho smartphone để chụp ảnh góc rộng. Tuy nhiên, LG lại nghĩ rằng tích hợp sẵn thì sẽ tốt hơn.
Đúng là như vậy. Với G5 thì chúng ta không phải loay hoay lắp lens sao cho vừa vặn, không phải mang theo kẹp hay bộ lens lỉnh kỉnh mà chỉ cần mở camera lên và bấm nút. Hơn nữa, ống kính của G5 có góc chụp lên tới 135 độ, rộng hơn nhiều các phụ kiện bên thứ 3, trong khi lại vẫn giữ được vẻ đẹp cần thiết cho điện thoại.
Bonus: Chống rung 4 trục của Xiaomi và chống rung cảm biến của OPPO
Hai công nghệ này không hoàn toàn mới mẻ trên điện thoại di động, nhưng chúng cũng là những bước tiến cần thiết để nâng cao trải nghiệm camera cho các thiết bị di động. Với Xiaomi, hãng đã nâng cấp từ chống rung 2 trục cho ống kính lên thành 4 trục trên chiếc Mi 5, giúp dễ dàng loại bỏ các rung động do tay người tạo ra khi chụp ảnh hay quay phim. Xem qua video dưới đây, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt giữa chống rung 4 trục của Mi 5 và 2 trục của iPhone 6S Plus.
Về phần OPPO, công nghệ chống rung cảm biến của họ cũng được "mượn" từ các mẫu máy ảnh cao cấp sang. Theo hãng, nó sẽ giúp khử được những rung động cực nhỏ, ở mức 0.3 micromet thay vì 3 - 5 micromet, trong khi điện năng và độ nhạy theo thời gian cũng được cải tiếng rất nhiều.