“Màn hình dài” chính là xu hướng thiết kế của các smartphone ngày nay. Thời kỳ cho tỉ lệ 4:3 đã qua, tiêu chuẩn mới đang là 16:9, còn tương lai chính là 18:9, tương ứng với tỉ lệ của Galaxy S8 và LG G6.
Đầu năm 2017, cả hai ông lớn điện tử Hàn Quốc là Samsung và LG mở màn bằng cách thay đổi tỷ lệ màn hình cảm ứng cho bộ đôi smartphone từ 16:9 sang 18:9. Dù cho cải tiến màn hình là bước đi thông minh thế nhưng nó gặp không ít vấn đề nan giải.
Vấn đề chính đó chính là giải pháp phần mềm. Tình trạng của thời kỳ chuyển đổi từ 4:3 lên 16:9 có thể sẽ lặp lại: bạn hoặc phải chấp nhận nhìn hình ảnh của mình bị kéo dãn, hoặc phải chấp nhận các viền đen xấu xí ở 2 bên màn hình. Điều này đồng nghĩa với việc lợi thế màn hình cỡ đại sẽ là vô nghĩa nếu không có ứng dụng chuẩn hay bộ phím sử dụng tỷ lệ 18:9.
Kể cả khi Samsung bán được 10 triệu bản Galaxy S8 hay LG bán được 1 triệu máy G6 không có nghĩa là toàn bộ thị trường smartphone, đang trung thành với tỉ lệ 16:9, sẽ thay đổi phần mềm cho phù hợp với 18:9.
Vì vậy, giờ đây thành bại của mẫu điện thoại 18:9 sẽ phụ thuộc vào phía phát triển nội dung – Google. Nhà tìm kiếm khổng lồ cần phải tìm cách tạo sức ép buộc các nhà phát triển ứng dụng phải hỗ trợ 18:9. Sự ủng hộ của các thế lực đi đầu về ứng dụng như Facebook hay Snapchat là tối cần thiết để các thế mạnh của 18:9 (diện tích hiển thị, đa nhiệm...) có thể được phát huy trước khi người dùng mất kiên nhẫn với các dải đen trên màn hình.
May mắn là Google luôn khuyến khích sự đổi mới chính đáng. Họ nhận thấy 18:9 có thể là một lợi thế cạnh tranh của riêng Android, vì thế đã có ra tuyên bố kêu gọi các nhà phát triển Android đặt chân lên tiêu chuẩn mới, đồng thời cũng cung cấp một cơ chế mở rộng diện tích cực kỳ đơn giản (sửa thẻ XML).
Thử thách lớn lúc này lại thuộc về phía phát triển nội dung video (stream, phim, video social). Các nhà làm phim Hollywood vẫn chưa mặn mà tới tỉ lệ phim ảnh 18:9, còn Netflix có thể điều chỉnh tỉ lệ, nhưng chất lượng hình ảnh lại là một chuyện khác.