Màn hình OLED được dự đoán sẽ trở thành công nghệ TV chủ đạo trong tương lai gần và dần thay thế cho các màn hình LED, LCD. Vậy, thực ...
Màn hình OLED được dự đoán sẽ trở thành công nghệ TV chủ đạo trong tương lai gần và dần thay thế cho các màn hình LED, LCD. Vậy, thực tế công nghệ OLED là gì và nó khác biệt, hữu ích ra sao?
OLED là viết tắt của cụm từ Organic Light-Emiting Diode, có nghĩa là các diode (đi-ốp) hữu cơ phát quang. Màn hình OLED bao gồm một lớp vật liệu hữu cơ với thành phần chủ yếu là hạt carbon (điểm ảnh phụ) nằm giữa hai điện cực, tự động phát sáng mỗi khi có dòng tiện chạy qua. Mỗi điểm ảnh phụ có một dạng cấu tạo khác nhau để tạo thành 3 màu cơ bản của màn hình. 3 điểm ảnh phụ này sẽ kết hợp với nhau để tạo thành 1 điểm ảnh hoàn chỉnh. Khi dòng điện chạy qua lớp vật liệu hữu cơ này với các cường độ khác nhau sẽ tạo nên các cường độ ánh sáng tăng giảm tương ứng, từ đó màn hình sẽ thể hiện các màu sắc, độ sáng tối khác nhau gần như tức khắc nên tốc độ đáp ứng của màn hình OLED thường cao hơn các màn LCD thông thường.
Do không phụ thuộc vào đèn nền giống như các công nghệ màn hình trước đây nên màn hình OLED mỏng hơn, nhẹ hơn, tiết kiệm điện năng và tỏa nhiệt không đáng kể. Đặc biệt, tấm nền hữu cơ của màn hình OLED có độ đàn hồi cao nên có thể tùy biến sản xuất linh hoạt thành các dạng màn hình cong ở nhiều góc độ khác nhau. Ngoài ra, mỗi điểm ảnh đều có thể kiểm soát khả năng phát sáng hoặc không giúp cho việc thể hiện màu đen tốt hơn, nhờ vậy độ tương phản của màn hình OLED cũng rất cao.
Có thể nói, màn hình OLED hội tụ hầu hết các ưu điểm của màn hình Plasma và LED khi cho màu sắc sống động, độ chi tiết cao, màu đen sâu và tần số quét cao. Độ mỏng của công nghệ OLED giúp các nhà sản xuất có thể cho ra các thiết bị có kiểu dáng mỏng, gọn và nhẹ hơn, ứng dụng được trên nhiều sản phẩm ở nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau. Màn hình OLED tiết kiệm điện năng hơn và góc nhìn cũng rộng hơn các công nghệ màn hình trước đây.
Nhược điểm lớn nhất của màn hình OLED đó chính là chi phí sản xuất cao hơn nhiều lần so với Plasma và LCD, đặc biệt ở kích thước lớn, làm giảm khả năng tiếp cận người dùng. Tuy nhiên, các hãng sản xuất thiết bị đang nghiên cứu và tìm cách tối giản chi phí sản xuất ở mức thấp nhất và đã có được những kết quả nhất định. Các chuyên gia công nghệ đã đặt nhiều kỳ vọng vào màn hình OLED và đưa ra dự đoán chỉ trong tương lai gần, công nghệ này sẽ trở nên phổ biến và là công nghệ chủ đạo trên thị trường TV.