Giới game thủ vẫn khuyên nhau không nên tìm mua những chiếc tai nghe inear gắn mác “thiết kế để chơi game.” Hiện nay, tai nghe chơi game vẫn chủ yếu ...
Giới game thủ vẫn khuyên nhau không nên tìm mua những chiếc tai nghe inear gắn mác “thiết kế để chơi game.”
Hiện nay, tai nghe chơi game vẫn chủ yếu là dạng trùm đầu có kích thước lớn, song một số thương hiệu như Razer, CM Storm, TT eSports, Steel Series… vẫn tung ra những chiếc inear với mục đích chơi game. Nhiều người vẫn nghĩ rằng đây chẳng qua là một chiêu trò của nhà sản xuất, hoặc nhằm đa dạng hóa sản phẩm, chứ không có ý nghĩa thực sự.
Tai nghe inear vốn có nhược điểm về không gian âm thanh, không thể so bì với tai nghe trùm đầu, mà đây là điểm cần có với game thủ khi tham gia cũng trò nhập vai. Vậy nên, hầu hết game thủ đều không quan tâm đến tai nghe inear.
Tuy nhiên, nếu để ý thì một số game thủ chuyên nghiệp lại đưa tai nghe inear vào danh sách những món đồ cần thiết khi nhập cuộc chơi. Không phải vì tính di động, cũng không phải vì chất lượng âm thanh, lý do tồn tại duy nhất của tai nghe inear ở đây chính là hỗ trợ cách âm.
Khi thi đấu trực tiếp (mà giới game thủ hay gọi là onlan) với hàng trăm khán giá cổ vũ, những tai nghe khử ồn chủ động bỗng nhiên trở thành vô dụng, bởi hầu hết các công nghệ khử ồn hiện này đều có rất ích tác dụng với giọng nói con người, chỉ thường tập trung vào tiếng ồn từ xe cộ, động cơ, gió… Vậy nên, việc tập trung thi đấu trở nên rất khó khăn. Lúc này, game thủ chỉ có thể dựa vào các tai nghe được thiết kế cách âm thụ động tốt.
Với người chơi Counter-Strike thì game thủ chuyên nghiệp GeT_RiGhT (Christopher Alesund) có lẽ là cái tên bất cứ ai đều nghe qua. Anh chàng này đang sử dụng đến 3 tai nghe cùng lúc: 1 chiếc inear để nghe chính, 1 chiếc đeo cổ như micro, và một chiếc trùm đầu khác chỉ để hỗ trợ cách âm.
Phần lớn các tai nghe chơi game chỉ ở phân khúc trung cấp, trong khoảng giá từ vài trăm nghìn tới khoảng 5 hay 6 triệu đồng. Do đó, dù được chú trọng vào khả năng cách âm thì hiệu quả cũng chưa thực sự như mong đợi. Và không ít game thủ chuyên nghiệp chọn giải pháp sử dụng tai nghe inear là đạo cụ chính, và bổ sung thêm một tai nghe trùm đầu bên ngoài hỗ trợ thêm cách âm, để đạt hiệu quả gần như tuyệt đối.
Để khắc phục vấn đề về không gian, các game thủ thường cài đặt thêm ứng dụng soundcard ảo, có khả năng mô phỏng âm thanh 7.1 với bất cứ tai nghe nào, ví dụ như Razer Surround. Hiệu quả của phương thức này tuy không thực sự ấn tượng khi xem phim. Nhưng đa phần các game hiện này đều có âm thanh chất lượng trung bình, nên không gây khó chịu cho người dùng.
Tất nhiên, cũng có một lựa chọn tốt hơn về âm thanh, đó chính là sử dụng các tai nghe inear custom dòng chuyên nghiệp. Song như vậy sẽ khiến game thủ tốn kém khoản tiền gấp vài lần cho tai nghe. Và cũng chưa có tai nghe inear custom nào tối ưu cho chơi game trong thời điểm này.