Mặc dù khái niệm về loa Monitor vẫn chỉ mang tính tương đối, song thường đều để mô tả loại loa cho âm thanh rất trung thực, đôi khi lại bị chê là khô khan.
Nói một cách đơn giản, loa monitor được thiết kế để sử dụng trên sân khấu và trong phòng thu. Khi tham gia các buổi hòa nhạc, biểu diễn thì các bạn có thể thấy ở trên sân khấu biểu diễn sẽ có một vài chiếc loa nằm hướng về phía ca sĩ và ban nhạc chứ không hướng về phía người nghe. Đó chính là loa Monitor, hay nói một cách khác thì là dòng loa được sinh ra dành cho người nghe chuyên nghiệp.
Về mặt âm thanh, sự chính xác có thể coi là yếu tố tiên quyết để nói về phong cách trình diễn của loa monitor. Các vấn đề khác như nhạc tính, uyến chuyển... không được quan tâm như các dòng loa dân dụng. Nên có thể coi loa monitor không phù hợp để thưởng thức âm nhạc theo kiểu thông thường, song vẫn có một số người thích gu âm thanh như vậy.
Mặc dù không có quy chuẩn nào về thiết kế cho loa monitor, song dòng sản phẩm này thường mang phong cách loa bookshelf, có thể đặt nằm dọc hoặc ngang tùy theo phiên bản. Kích thước các loa monitor không quá lớn, và thường có góc phóng được thiết kế đảm bảo để không bị hú, hạn chế tối đa những tiếng hú (feedback) khi biểu diễn.
Các loa monitor nearfield được thiết kế để có điểm ngọt gần, giúp người nghe không phải đặt loa xa, tối ưu diện tích âm thanh. Còn loa monitor midfield sẽ yêu cầu ngồi xa hơn. Và dĩ nhiên cũng sẽ có những loa dạng farfield.
Khi đặt tên, các loa Monitor thường được đặt tên có kí tự "M" phía sau như Klipsch R-15M. Và hiện nay phần lớn các loa monitor sẽ ở dạng active, tức là đi kèm sẵn mạch ampli bên trong, có thể ở dạng bi-amp hoặc tri-amp nhưng đều đã tối ưu sẵn cho các củ loa được sử dụng nên người dùng không cần suy nghĩ quá nhiều về việc phối ghép.
Giá bán của các loa monitor không thực sự cao. Nhiều dòng loa monitor phổ thông thậm chí có giá dưới 100USD (khoảng 2 triệu đồng). Song cần lưu ý rằng rất nhiều loa monitor được bán theo từng chiếc lẻ, chứ không phải theo cặp như loa dân dụng.