Giữa một rừng những mẩu quảng cáo có cánh không tì vết về những mẫu TV mới nhất, hiện đại nhất và cao cấp nhất đến từ những thương hiệu lớn, không phải người tiêu dùng nào cũng có khả năng nhìn thấu vào sâu bên trong những "điểm yếu" cố hữu xuất phát từ hạn chế của những công nghệ tấm nền hiện tại mà các sản phẩm này đang sử dụng.

TN  

Từng là loại panel được sử dụng rất phổ biến trên các mẫu TV ở thời kì manh nha đầu tiên, cho tới thời điểm 2016 thì các mẫu TV sử dụng tấm nền TN đã hoàn toàn biến mất trong danh sách sản phẩm của tuyệt đại đa số các thương hiệu lớn trên thế giới. 

 

Điếm yếu cố hữu của công nghệ tấm nền có thâm niên "đáng bậc cha chú" này, hầu hết vẫn đến từ vấn đề góc nhìn rất hẹp và hạn chế, kéo theo sự suy giảm rõ rệt về chất lượng hình ảnh theo tỷ lệ thuận. Đây là một điều rất khó có thể chấp nhận được với một thiết bị được thiết kế với mục đích trình chiếu hình ảnh cho nhiều người xem cùng một lúc như TV.

Hạn chế về góc nhìn của công nghệ TN panel (bên trái)

 

Chính vì điều này mà công nghệ tấm nền TN không tồn tại được lâu trên thị trường TV. Chúng đã nhanh chóng bị thay thế bằng các công nghệ mới khác ưu việt hơn như VA hoặc IPS, và gần như chỉ còn xuất hiện dưới dạng các panel thành phẩm chất lượng cao, phục vụ cho các ứng dụng chuyên nghiệp mang tính đặc thù cao & cần tận dụng đến ưu điểm về tốc độ đáp ứng của công nghệ này - ví dụ như các loại monitor dành cho nhu cầu gaming.

 

IPS, PLS & AHVA

Dù được nhắc đến với 3 cái tên khác nhau từ 3 nhà sản xuất lớn (IPS của LG, PLS của Samsung và AHVA của AU Optronics) và hơn 10 phân nhánh nhỏ, nhưng về cơ bản thì đây là 3 cái tên cùng được dùng để nhắc đến một trong số những công nghệ tấm nền được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trên thị trường TV dân dụng.

LG hiện đang là một trong những nhà sản xuất TV sử dụng tấm nền IPS lớn nhất thế giới

So với công nghệ VA, các tấm nền họ IPS cho khả năng tái tạo hình ảnh với góc nhìn siêu rộng, màu sắc tươi tắn, tốc độ phản hồi nhanh và có giá thành tối ưu rất tốt. Nhưng bù lại, công nghệ này lại khiến tấm nền không thể ngăn chặn hoàn toàn ánh sáng từ đèn nền phía sau, dẫn đến hiện tượng hở sáng rất rõ ràng, ảnh hưởng mạnh đến chất lượng tái tạo màu đen và độ tương phản của hình ảnh. 

 

VA 

Ở thời điểm ban đầu, VA được phát triển như một giải pháp thay thế cho công nghệ TN vốn đã bộc lộ quá nhiều khuyết điểm kh,ông thể thỏa hiệp, tuy nhiên dần đà người ta đã phát hiện và tận dụng triệt để những lợi thế của công nghệ tấm nền này trong ứng dụng tái tạo hình ảnh trên các loại TV dân dụng từ bình dân cho đến cao cấp với giá thành đôi khi lên đến cả tỉ đồng. 

Dù được coi là lựa chọn hàng đầu cho các fan của môn nghệ thuật thứ 7 nhờ khả năng tái tạo màu đen và cho độ tương phản tốt nhất trong số các công nghệ LCD cho tới thời điểm hiện tại, nhưng như vậy không có nghĩa là VA không có những khuyết điểm của mình.

Sony - một trong những hãng khá trung thành với công nghệ tấm nền VA

Một trong những đặc trưng và cũng là nhược điểm dễ nhận biết nhất của các tấm nền VA so với IPS chính là góc nhìn. Dù được cải thiện đáng kể so với công nghệ TN truyền thống, nhưng các TV sử dụng tấm nền VA vẫn cho khả năng đảm bảo chất lượng hình ảnh theo góc nhìn "lép vế" hoàn toàn khi đặt cạnh các đối thủ sử dụng công nghệ IPS. 

Bên cạnh đó, công nghệ VA cũng cho ra các tấm nền thành phẩm với mức chất lượng/giá thành chưa thật sự hợp lý so với IPS, đặc biệt là ở phân khúc tầm trung. Đây chính là lý do mà mảng thị trường màn hình chuyên dụng dành cho các ứng dụng đồ họa từ lâu nay vẫn luôn là đất độc diễn dành cho IPS thay vì VA.

 

OLED

Cho tới thời điểm hiện tại, OLED dường như là giải pháp cho khả năng tái tạo hình ảnh với chất lượng xuất sắc nhất mà không một công nghệ nào khác có thể theo kịp. Tuy nhiên không có công nghệ nào là hoàn hảo, và kể cả OLED cũng vậy.

G6P Signature - dòng OLED TV cao cấp nhất hiện tại của LG

Bản chất của OLED là sử dụng các vật liệu hữu cơ - và đây cũng chính là điểm gây ra vấn đề cố hữu của công nghệ này: tuổi thọ hoạt động. Cho dù các nhà sản xuất đã không ngừng nỗ lực đi tìm các giải pháp khắc phục điều này, nhưng không có nhiều người thành công, thậm chí là phải cay đắng chấp nhận từ bỏ hoặc chuyển sang một phương pháp thay thế khác.

Một trong những giải pháp khắc phục hiệu quả nhất cho vấn đề này hiện đang được LG áp dụng rất thành công trên các sản phẩm OLED TV của mình, đó là chế tạo các tấm nền OLED sử dụng ma trận điểm ảnh dạng WRGB. 

Tuy nhiên, theo lý thuyết thì việc này cũng dẫn đến hệ quả là các panel WRGB cũng sẽ cho độ phân giải thực thấp hơn trong thực tế do phải chia sẻ chung 1 subpixel màu trắng giữa 2 cụm pixel. Việc này chỉ được khắc phục một cách tương đối ổn thỏa với các thế hệ TV mới có độ phân giải cao 4K sau này.

Và bên cạnh đó thì dù đã được hạn chế, nhưng các TV OLED hiện nay vẫn gặp phải hiện tượng burn-in sau một thời gian dài sử dụng, dẫn đến hiệu quả sử dụng và tuổi thọ thực tế của các TV OLED vẫn chưa thực sự khiến những người dùng đòi hỏi độ bền cao bị thuyết phục hoàn toàn.