Burn-in tai nghe và loa vẫn là một việc gây nhiều tranh cãi, mà phần lớn người chơi sau một thời gian đều cho rằng đó là một việc làm ...
Burn-in tai nghe và loa vẫn là một việc gây nhiều tranh cãi, mà phần lớn người chơi sau một thời gian đều cho rằng đó là một việc làm thừa thãi.Giống như việc chạy rốt-đa xe máy, ô tô thì việc burn-in đơn giản là sử dụng nhiều loại âm thanh phát liên tục trong một khoảng thời gian nhất định khoảng 50-400 giờ tùy sản phẩm. Công đoạn này đương nhiên sẽ được thực hiện từ trước khi chính thức sử dụng tai nghe. Và theo giả thuyết, chiếc tai nghe sau khi burn-in sẽ có thể cho ra chất âm hoàn hảo và hay hơn, lôi ra toàn bộ tiềm năng. Không chỉ loa hay tai nghe, nhiều audiophile còn cho rằng việc burn-in có thể áp dụng với toàn bộ ampli hay dây dẫn. Tuy nhiên, việc burn-in vẫn phổ biến nhất khi nói về các bộ loa, tai nghe sử dụng củ loa (driver) dạng dynamic truyền thống với màng loa hình nón. Còn với các loa tĩnh điện hoặc driver Balanced Armature trên tai nghe thì khái niệm burn-in gần như không được nhắc tới. Burn-in tai nghe có thể thực hiện theo 2 hướng: để sản phẩm hoạt động với các bản nhạc thường nghe, hoặc sử dụng các phần mềm burn-in được lập trình sẵn (sử dụng các đoạn lặp tone, white noise hay âm sóng sine). Nhưng dù theo cách nào thì cũng không nên burn-in với âm lượng lớn trong thời gian dài, thường chỉ đặt ở mức đủ nghe với thời lượng khoảng 2-6 giờ liên tục.
Vậy việc burn-in có cần thiết hay không? Theo Stereo thì các bạn có thể burn-in nếu muốn, nhưng không thực sự cần thiết. Nhưng thực ra chúng tôi không quá cầu kỳ giai đoạn này, mà cứ sử dụng cách đơn giản là bật ngay nhạc để thưởng thức ở mức độ nhẹ nhàng. Rất hiếm trường hợp burn-in sai cách dẫn đến hỏng tai nghe, mà thực ra chủ yếu chỉ bị rè do nghe ở âm lượng quá lớn trong thời gian dài. Nhưng burn-in có thực sự thay đổi chất âm hay không? Câu trả lời của chúng tôi là có, nhưng thực chất là rất nhỏ mà đôi khi chúng ta không thể cảm nhận được. Giống như việc sử dụng một chiếc TV vậy, để “xuống màu màn hình” được thì cần 5-10 năm mới có thể thấy được, chứ không thể thay đổi trong 1-2 ngày ngắn ngủi. Việc “chạy rà” đúng cách dĩ nhiên sẽ giúp đảm bảo tuổi thọ của sản phẩm ở mức lý tưởng hơn. Song việc này liên quan nhiều tới cách sử dụng và bảo quản sản phẩm nhiều hơn là giải đoạn ban đầu. Nhiều người cho rằng việc burn-in giúp thay đổi chất âm là không hề xác thực. Điều này liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất. Trong một lô sản phẩm, chúng ta sẽ luôn có những sản phẩm lỗi, cũng như các sản phẩm có chất lượng trội hơn so với tiêu chuẩn chung. Và dĩ nhiên, việc burn-in không thể làm cho một sản phẩm lỗi khắc phục được hư hỏng. Thực tế, các kỹ sư của hãng Shure bao gồm cả Matt Engstrom cũng đã kiểm tra tổng quát trên một số tai nghe E1 (ra mắt năm 1997) với tuổi đời khác nhau. Kết quả là âm thanh tạo ra từ sản phẩm ở công đoạn kiểm tra cuối cùng không đổi dù được lưu kho 1 ngày, 1 năm hay 5 năm… Song dĩ nhiên, chúng có thể thay đổi dưới tác động của việc sử dụng, như bụi bẩn, hơi nước...