Loa active được coi là một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây, khi mà sự tiện dụng ngày càng trở nên quan trọng với người dùng.
Ngày càng nhiều thương hiệu loa lớn phát triển thêm loa active, thậm chí có hãng tỏ ra muốn chuyển loa active thành xu hướng chủ đạo của họ. Những cái tên điển hình là Dynaudio, Audio Vector, Linn, ATC,... Và dĩ nhiên, phần lớn loa máy tính hay loa monitor cũng ở dạng active.
Loa active có thể hiểu đơn giản là đã được tích hợp sẵn ampli bên trong, nên không yêu cầu phải sử dụng thêm ampli rời. Thậm chí, nhiều dòng loa active còn được trang bị nhiều ampli ở mỗi bên loa, mà mỗi ampli nhỏ sẽ phụ trách 1 hoặc 1 cụm củ loa, ví dụ như loa 4 đường tiếng thì có 4 ampli nhỏ. Nhờ đó, các loa active có thể được kiểm soát và tối ưu hiệu suất của từng củ loa theo ý đồ của nhà sản xuất, khai thác tiềm năng của loa mà không cần thử nghiệm hay phối ghép quá cầu kỳ.
Không chỉ vậy, các mạch điện và dây tín hiệu được đặt ngay trong loa, có nghĩa là các đường đi của tín hiệu sẽ ngắn hơn rất nhiều so với kiểu loa truyền thống. Và kết quả là tín hiệu gặp ít nguy cơ gây nhiễu hơn, sạch sẽ hơn.
Với người dùng, rõ ràng các giải pháp loa active sẽ đem lại sự thuận tiện cao hơn rất nhiều, đặc biệt là với những người nghe không có nhiều kinh nghiêm jvaf thời gian để phối ghép thiết bị, song vẫn đảm bảo hiệu quả trình diễn âm thanh tốt.
Không ít người còn tin rằng loa active có khả năng trình diễn tốt hơn so với kiểu loa thụ động truyền thống ở trong cùng một tầm giá, nhờ khả năng tối ưu cao, cùng với việc tiết kiệm nhiều linh kiện không cần thiết (dây tín hiệu dài, vỏ riêng cho ampli...).