Giống như đĩa Vinyl, băng Cassette cũng là một trong những định dạng lưu trữ vật lý các nội dung âm thanh nhỏ gọn đã từng sở hữu cho riêng mình cả một giai đoạn lịch sử hào hùng trong suốt chiều dài nửa cuối thế kỉ 20, và có vẻ như sang đến năm 2017 của thế kỉ 21 nhưng chúng vẫn chưa hề có ý định dừng lại.

Hệ quả tất yếu của xu hướng di động cuối thế kỉ 20

Như tất cả mọi người đã biết (nếu chưa biết thì bây giờ sẽ biết), băng cassette (cassette tape) là một hình thức lưu trữ nội dung âm thanh analog bằng cách sử dụng sợi băng từ tính (magnetic tape), được hãng Philips công bố lần đầu tiên vào năm 1962 và giới thiệu lần đầu tiên vào ngày 30/8/1963 tại Berlin Radio Show (Đức) dưới cái tên Compact Cassette.

 Chiếc băng Compact Cassette cùng máy ghi âm Compact Cassette đầu tiên trên thế giới Philips EL 3300, tại triển lãm Berlin Radio Show năm 1963

Vào thời điểm đó, Compact Cassettte được coi là thành quả đáng kể nhất của Philips trong cuộc chạy đua với hai "gã khổng lồ" vào thời điểm đó là Telefunken và Grundig, nhằm thiết lập một chuẩn băng từ lưu trữ chung hoàn toàn mới cho toàn thế giới, thay thế các định dạng băng reel-to-reel (chính là "băng cối" theo cách gọi của các dân chơi audio tại Việt Nam) - vốn bị cho là quá cồng kềnh, chi phí cao và không thích hợp với các ứng dụng dân dụng thông thường.

Kích thước của một cối băng Reel-to-reel  (bên trái) và băng Cassette (bên phải)

Tuy nhiên , do tiềm lực và khả năng sản xuất có hạn vào thời điểm bấy giờ của mình, Philips buộc phải suy tính tới chuyện hợp tác với một đối tác thứ 2 để có thêm "sức mạnh" đưa đứa con nhiều tiềm năng nhưng còn non nớt này của mình tiến xa hơn.

Và họ đã quyết định chọn Sony - một cái tên đến từ Nhật Bản cũng đang vô cùng hot vào thời điểm đó với xuất phát điểm và lịch sử phát triển khá giống với Philips. Chính Sony là người đã đề xuất (có phần gần như ... ép buộc) Philips biến Compact Cassette trở thành một tiêu chuẩn hoàn toàn miễn phí, bất cứ nhà sản xuất nào khác cũng có thể sử dụng hoàn toàn tự do mà không tốn một xu nào, miễn là tuân theo đầy đủ các quy chuẩn chung và ràng buộc về pháp lý do liên minh Philips - Sony quy đinh. 

Đây chính là đòn chí mạng vào hai đối thủ sừng sỏ ở bên kia chiến tuyến và cũng giúp cho Compact Cassette (kể từ đây xin gọi ngắn gọn là băng cassette) nhanh chóng đạt được những thành công rực rỡ trong thời gian đó. Tính đến thời điểm năm 1968, đã có tổng cộng 85 thương hiệu lớn nhỏ tham gia vào thị trường sản xuất máy phát băng cassette với tổng cộng 2,4 tỉ máy đã được bán ra tới tay người tiêu dùng, tạo nên một ngành công nghiệp có trị giá lên đến 150 triệu USD vào thời điểm cuối những năm 60 của thế kỉ 20.

Đây từng là một kho báu "trong mơ" của nhiều người yêu âm nhạc thời bấy giờ

Cho đến tận thời điểm hiện tại, băng cassette vẫn là một loại hình lưu trữ được nhiều cá nhân và hãng phát hành duy trì sử dụng, và thậm chí là đang có xu hướng tăng mạnh trong năm 2016 vừa qua. Đây cũng là loại hình lưu trữ phổ biến nhất, đại diện cho 3 giai đoạn lớn của ngành công nghiệp kĩ thuật thu âm: cassette tape - Vinyl và CD.

 

Một số tiêu chuẩn chung của băng cassette

1. Thời lượng phát 

Các nhà sản xuất thường phân loại các loại băng cassette sản xuất và bán ra trên thị thường dựa theo thời lượng lưu trữ tối đa. Các mức thời lượng phổ biến dành cho băng cassette thông thường bao gồm:

C46: tổng thời lượng ghi âm 46 phút,  23 phút/mặt.

C60: tổng thời lượng ghi âm 60 phút, 30 phút/mặt.

C90: tổng thời lượng ghi âm 90 phút, 45 phút/mặt

C120: tổng thời lượng ghi âm 120 phút, 60 phút/mặt.

C180: tổng thời lượng ghi âm 180 phút, 90 phút/mặt.

Sony Metal-ES Type IV cassette tape - một trong những loại băng cassette cao cấp nhất thời điểm đó

Thời lượng băng càng dài đồng nghĩa với việc độ dày của sợi băng cũng phải giảm theo để đảm bảo khả năng vừa vặn với kích thước hạn của vỏ bảo vệ bên ngoài. Do vậy trên thực tế dù vẫn được sản xuất, tuy nhiên các loại băng C120 và C180 khá hiếm hoi và cũng được rất ít người sử dụng do sợi băng quá mỏng (chỉ 9µm - thậm chí đủ mỏng để ánh sáng xuyên qua, so với từ từ 11 - 16 µm của các loại băng khác), dẫn đến ảnh hưởng đáng kể và nghiêm trọng về độ bền và cả chất lượng âm thanh.

Một mẫu băng cassette C180 do TDK sản xuất

Bên cạnh đó, một số hãng cũng sản xuất các loại băng mini cassette với thời lượng cực ngắn như C10, C15, hoặc C30, để sử dụng cho việc lưu trữ các nội dung gọi nhỡ hoặc trả lời tự động trên các máy điện thoại bàn, vốn rất phổ biến tại các gia đình ở Mĩ và Châu Âu thời điểm đó. 

2. Độ rộng băng

Các loại băng cassette thông thường tiêu chuẩn hiện nay đều sử dụng sợi băng từ với độ rộng 3.8mm, cho phép lưu trữ tối đa 4 track âm thanh  (tương đương 2 track mỗi mặt) với độ rộng mỗi track là 0.6mm ở chế độ thu Stereo. Mỗi kênh cách nhau một khoảng bằng 0.3mm để ngăn ngừa hiện tượng crosstalk.

Phân bố các track trên bề rộng sợi băng cassette

Tương ứng với băng từ, đầu từ thu (record head) được chia thành 2 khe (Gap) với độ rộng khuyến cáo là 2 µm - về lý thuyết sẽ cho khả năng tái tạo tần số  tối đa đạt đến 12 kHz. Tuy nhiên trong thực tế, con số này có thể thay đổi theo khả năng kĩ thuật và ý đồ của từng nhà sản xuất.

 

3. Các thành phần cơ bản của một chiếc băng Cassette

4. Tốc độ quay

Theo tiêu chuẩn, các loại băng cassette hiện nay sử dụng sợi băng với độ dộng 3.8mm, chuyển động theo chiều phát từ trái sang phải với tốc độ 4.76 cm/s, chỉ bằng 1/2 hoặc thậm chí 1/4 so với tốc độ tiêu chuẩn của reel-to-reel 4 track.

Vào thời điểm ban đầu, tốc độ quay thấp của băng cassette là nguyên nhân chính tạo nên nhược nhiểm về chất lượng âm thanh so với người tiền nhiệm của nó.

5. Một số nhược điểm của băng cassette

Mặc dù được coi là một "bước tiến vĩ đại" so với công nghệ reel-to-reel tape vào thời điểm đó, nhưng băng cassette cũng vấp phải những giới hạn về kích thước, tốc độ và sự tuân thủ thiếu nghiêm ngặt về các chỉ tiêu kĩ thuật giữa các nhà sản xuất khác nhau, từ đó ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng âm thanh sau khi tái tạo.

Hình ảnh "không bao giờ muốn thấy" của bất cứ tay chơi cassette nào

Một mẫu băng khử từ (head demagnetizer) do TDK sản xuất