Cuối cùng, thông tin về việc Sharp chính thức bị bán lại cho Foxconn với giá 6,2 tỷ USD đã được loan đi trên khắp các mặt báo trên thế giới, ...
Cuối cùng, thông tin về việc Sharp chính thức bị bán lại cho Foxconn với giá 6,2 tỷ USD đã được loan đi trên khắp các mặt báo trên thế giới, kết thúc câu chuyện về một trong những niềm tự hào của đất nước Nhật Bản.
Niềm tự hào sụp đổ
Cách đây vài giờ đồng hồ, tờ báo Nikkei uy tín của Nhật Bản đã bất ngờ công bố quyết định của ban lãnh đạo tập đoàn điện tử Sharp, sau một thời gian dài dùng dằng nửa ở nửa đi giữa một bên là tập đoàn nhà nước Innovation Network Corp. of Japan (INCJ), và bên còn lại là Hon Hai Precision Industry - tập toàn điện tử đến từ Trung Quốc vốn được mọi người biết đến nhiều hơn với cái tên Foxconn.
Theo đó, với khoản tiền đề nghị lên đến 700 tỷ yên - tương đương 6,2 tỷ USD, Foxconn đã giành chiến thắng hoàn toàn trong cuộc cạnh tranh giành lấy cái gật đầu đồng ý của Sharp, và cũng là thất bại không mấy dễ chấp nhận đối với chính phủ Nhật Bản - người đứng đằng sau và trực tiếp hỗ trợ INCJ trong thương vụ mua bán này. Số tiền này cũng đã bao gồm cả phần dành ra để giúp Sharp chi trả và giải quyết các khoản nợ ngập đầu của mình với các chủ nợ lớn.
Về phía Foxconn, ban lãnh đạo của tập đoàn cũng đã chính thức xác nhận việc hoàn tất thương vụ mua bán lịch sử này và dự kiến sẽ cùng Sharp tổ chức họp báo để công bố chi tiết các thông tin liên quan.
Từng là đại diện cho trí tuệ và sự vươn lên trong khó khăn sau chiến tranh đáng tự hào của đất nước Nhật Bản, giờ đây Sharp đã phải đầu hàng trước một loạt những khó khăn chồng chất về kinh tế và buộc phải tìm một chỗ dựa từ bên ngoài để có thể sống sót và tồn tại.
Kẻ được, người mất
Chắc chắn Foxconn sẽ là người vui vẻ và phấn khởi nhất sau sự thành công của vụ trao đổi này. Toàn bộ số tiền mà tập đoàn này bỏ ra được dùng để mua lại toàn bộ thương hiệu và gần như tất cả các mảng liên quan, tức là sẽ bao gồm luôn cả mảng sản xuất LCD - đích đến lớn nhất và quan trọng nhất mà Foxconn muốn đạt được trong thương vụ này.
Điều này hoàn toàn vượt xa mong đợi của tập đoàn điện tử Trung Hoa trong những lần đàm phán trước đây, khi mà bên phía chính phủ Nhật Bản cũng cực kì nghiêm túc và đã từng cứng rắn đến mức tuyên bố rằng trong trường hợp cần thiết, Sharp có thể bán toàn bộ các mảng sản xuất của mình đi - ngoại trừ mản sản xuất tấm nền hiển thị.
Công nghệ tấm nền IGZO - một trong số những mục tiêu mà Foxconn luôn thèm muốn
Không phải ngẫu nhiên mà mảng sản phẩm này lại là mục tiêu tranh dành chính giữa hai bên. Hiện nay mảng sản xuất LCD của Sharp đang là nơi nắm giữ toàn bộ các bí mật công nghệ sản xuất tấm nền tinh thể lỏng và OLED dành cho TV và thiết bị di động tân tiến nhất của người Nhật. Chính phủ Nhật không thể khoanh tay để tình trạng chảy máu công nghệ vào tay các đối thủ nước ngoài khác tiếp tục diễn ra ngay trước mắt mình.
Tuy nhiên với tiềm lực tài chính quá mạnh của Foxconn, sức ép của các chủ nợ và đặc biệt là chính nhờ cái gật đầu của Sharp, toàn bộ các tài sản cố định bao gồm nhà xưởng, dây chuyền sản xuất LCD và OLED của Sharp tại Osaka đã chính thức tuột khỏi tay người Nhật.
Một dây chuyền lắp ráp iPhone 6 tại Foxconn
Về phía Foxconn, điều này sẽ là cơ hội không thể nào tốt hơn khi giờ cái tên này có thể đường hoàng nắm trong tay quyền kiểm soát nguồn cung tấm nền màn hình và tiến thêm một bước dài trong việc trở thành đơn vị lắp ráp thiết bị lớn nhất cho Apple, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đến từ Hàn Quốc như Samsung, LG và thậm chí là từ cả "người quen cũ" Japan Display trong cuộc đua cung cấp các tấm nền OLED cho iPhone trong năm 2017 và xa hơn nữa là trên thị trường TV LCD và OLED dân dụng trong thời gian sắp tới.
Đã đến lúc cần phải thay đổi
Dù rằng đây không phải sự kiện vui vẻ gì với đất nước Nhật Bản, tuy nhiên một số lối suy nghĩ tích cực cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự chuyển biến trong lối tư duy của những người lãnh đạo đất nước xứ sở hoa anh đào này.
Trong vòng vài năm trở lại đây, vấn đề nên hay không việc tiếp tục duy trì sự bảo hộ của chính phủ trong việc cứu lấy các tập đoàn lớn đang rơi vào tình trạng thê thảm như Sharp đang được tranh luận rất sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Nhật.
Các tập đoàn lớn hoạt động kém hiệu quả là nguyên nhân cản trở sự phát triển của các công ty khởi nghiệp mới
Trong khi phần nhiều ý kiến đồng ý chủ yếu bám víu vào vấn đề đảm bảo an toàn bí mật công nghệ và thể diện quốc gia, phe phản đối lại cho rằng chính sách cứu hộ này là một sự lãng phí không cần thiết khi phải lấy tiền thuế của nhân ra để cứu lấy "những cái xác không hồn" nặng nề, hoạt động không hiệu quả và thậm chí là ỷ lại vào nguồn tiền cứu trợ từ chính phủ.
Mặt khác sự tồn tại của những cái tên đã quá bệ rạc và phình to cũng là nhân tố chính cản trở sự phát triển của các công ty khởi nghiệp nhỏ bé mới ra đời, khi mà họ phải vật lộn khó khăn đủ đường để tồn tại và tự mình phát triển mà không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào, trong khi đó thì thậm chí thua lỗ đến cả vài trăm tỉ yên thì cũng chỉ là chuyện nhỏ, vì trước sau gì thì cũng đã có tiền của chính phủ đổ về.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Cuộc chiến giữa INCJ và Foxconn lần này cũng là phép thử cho thái độ và phản ứng của chính phủ dưới thời thủ tướng Shinzo Abe về quan điểm cải cách thị trường và chấp nhận các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh kinh tế vốn đang rơi vào tình trạng giảm phát sâu trong thời gian vừa rồi.