"Được này, mất kia" là điều thường gặp đối với các đối thủ của mẫu tai nghe AirPods đầy thành công từ Apple.
Trong các mẫu tai nghe true wireless hiện nay, nhận được nhiều đánh giá tích cực nhất từ cộng đồng người dùng hẳn sẽ là AirPods, chủ yếu nhờ vào việc nó cân bằng được nhiều yếu tố khác nhau như: ổn định, dễ dùng, thời lượng pin chấp nhận được. Có thể bạn sẽ cho rằng còn nhiều mẫu tai nghe khác nghe hay hơn, ví dụ như của Bose, B&O Play... Dĩ nhiên, đi kèm đó cũng sẽ là giá bán cao hơn và hầu hết chúng đều thiếu sự ổn định trong quá trình truyền tín hiệu âm thanh.
Đối với AirPod, những vấn đề như thế chỉ là chuyện đơn giản. Tôi phải công nhận một điều rằng, đây là một trong những sản phẩm thế hệ đầu tiên (first-gen) tốt nhất mà Apple từng sản xuất. Dù vậy, đôi tai tôi lại không hợp đeo AirPods cho lắm và bản thân thì hay trải nghiệm qua lại giữa 2 dòng điện thoại iPhone/ điện thoại Android, khiến tôi đặt ra mục tiêu là tìm được mẫu tai nghe true wireless thay thế nó.
14 tháng trôi qua kể từ khi bóc hộp tai nghe AirPods, tôi vẫn chưa tìm được thứ mà mình cần. Hầu hết những mẫu tai nghe true wireless đối thủ của AirPods đều thiếu một thứ tương tự "phép màu" mang tên Chip W1 của Apple - một con chip giúp cải thiện kết nối, khoảng cách giữa tai nghe & thiết bị và thời lượng pin trên tai nghe.
Phải nói rằng, bản thân kết nối Bluetooth vẫn không đủ khiến cho các tính năng hay ho trên tai nghe true wireless hoạt động mượt mà được. Sự lỗi thời của chuẩn kết nối này cũng góp phần tô đậm nhược điểm trên các mẫu tai nghe như độ trễ âm thanh đáng kể, hoặc thỉnh thoảng, bạn chỉ có thể nghe được 1 bên tai khi nhận cuộc gọi đến. Khá bất tiện đúng không? Hy vọng điều này sẽ được khắc phục khi chuẩn kết nối bluetooth 5 trở nên phổ biến hơn trong tương lai, đi kèm là sự góp mặt của Qualcomm.
Ảnh: Smartwatch hiện nay còn có thể theo dõi được chất lượng giấc ngủ của người dùng.
Ngoài ra, có những tính năng mà khi nhắc đến, chúng ta lại không biết nhà sản xuất có ý đồ gì? Bạn sẽ cần thêm gì ở một đôi tai nghe có kèm khả năng theo dõi sức khỏe, khi mà đồng hồ thông minh thực hiện điều đó tốt hơn? Hoặc đó có thể là khả năng điều chỉnh EQ nhưng bản thân tai nghe lại có âm thanh quá "chán" ?
Tuy nhiên, các mẫu tai nghe mà tôi nhắc đến cũng không hẳn quá tệ, trái lại là đằng khác. Có một số lựa chọn khá tốt, đặc biệt là trong trường hợp bạn dùng chúng ở nơi ít bị nhiễu bởi các luồng tín hiệu khác. Samsung, Sony, Bragi, Bose..., đó đều là những thương hiệu đáng để bạn cân nhắc với ưu/nhược điểm riêng trên từng sản phẩm. Hầu hết, chúng đều được thiết kế linh hoạt để phù hợp nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau, cũng như các tính năng phụ đi kèm.
Bên cạnh đó, giữa những mẫu tai nghe này đều có chung một điểm khá thú vị: chiếc hộp đựng (kèm sạc pin). Trong đó, Bose sẽ tạo cho bạn cảm giác như đây là một thiết bị từ tương lai, trong khi B&O thì lại khá sang trọng với hộp được bọc da. Đa số chúng đều có kích thước khá nhỏ, đôi khi chỉ bằng cỡ hộp thuốc lá. Dù vậy, tôi vẫn còn thấy khó hiểu vì sao hộp đựng tai nghe Bragi lại có kích thước lớn, dù cho bên trong nó không hề chứa pin?!
Nguồn: The Verge.