Sau thương vụ rùm beng và tốn khá nhiều giấy mực của báo giới với ARM, mới đây Softbank lại đang có nhiều động thái mới cho thấy rõ sự quan tâm và toan tính mới của gã khổng lồ "luôn cố tỏ ra hiền lành" này tới một trong những dịch vụ streaming nhạc chất lượng cao nổi tiếng nhất hiện nay: TIDAL.
Kể từ khi chính thức nâng cấp toàn bộ hệ thống của mình với khả năng cung cấp các nội dụng nhạc số chất lượng cao đạt chuẩn Hi-Res Audio thông qua mã hóa MQA, TIDAL đang ngày càng khả năng định thế lớn mạnh của mình trên thị trường dịch vụ streaming nhạc trực tuyến đang ngày trở nên phổ biến và dần sẽ trở thành chuẩn mực trong tương lai gần tới đây.
Sự phát triển ngày càng thịnh vượng của TIDAL cũng khiến các đại gia lớn bắt đầu chú ý và tìm đến thương hiệu này để bàn chuyện hợp tác làm ăn lâu dài. Một trong những kẻ nhanh chân đầu tiên có được cái gật đầu của dịch vụ trả tiền với hơn 1 triệu người dùng này là một cái tên rất quen thuộc với đa số người dùng ... smartphone tại Mĩ: Sprint.
Yên tâm, bạn không hề nghe nhầm đâu. Trong cái thời đại mà smartphone hiện đã và đang có khả năng thay thế vị trí của hằng sa số những thiết bị cầm tay cá nhân mà cách đây 10 năm không một ai có thể tưởng tượng đến dù có nằm mơ đủ 24h một ngày, việc một hãng cung cấp dịch vụ viễn thông "lấn sân" sang các lĩnh vực nội dung khác thông qua việc hợp tác với một đối tác chuyên sâu là một động thái hoàn toàn hợp lý và có thể lý giải được.
Cho đến thời điểm hiện tại thì tất cả những thông tin mà chúng ta có được là Sprint sẽ chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của TIDAL khi quyết định đầu tư 200 triệu USD, tương đương với 33% số cổ phần hiện tại. Đi kèm theo đống tiền vốn này sẽ là quyền lợi nhãn tiền của nhà mạng Mĩ khi họ sẽ được TIDAL cung cấp hàng loạt nội dung streaming nhạc & music video chất lượng cao độc quyền dành riêng cho tất cả các khách hàng đã hòa mạng ở thời điểm hiện tại và trong cả tương lai nữa.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là động thái có phần khá "dễ dãi" của TIDAL khi họ dành hẳn cho Marcelo Claure - CEO của Sprint một chỗ trong ban giám đốc điều hành của công ty, trực tiếp tham gia vào việc quyết định và đưa ra ý kiến về phương hướng và các hoạt động cốt lõi trong tương lai của dịch vụ này.
Cần phải nhắc lại rõ rằng, ông lớn đứng đằng sau Sprint không ai khác chính là Softbank - cái tên nổi lên từ sau thuơng vụ thâu tóm ARM đình đám trong năm 2016 vừa qua, hay như hàng loạt động thái mua đi bán lại hàng loạt cái tên lớn khác trong quá khứ như SuperCell, hay thậm chí là cả hãng phim DreamWorks. Với một tiểu sử dầy đặc "thành tích" như vậy, không ai có thể chắc chắn được rằng liệu Softbank đang thật sự muốn gì từ thương vụ hợp tác với TIDAL lần này.
Có vẻ như làn sóng sát nhập và mua đi bán lại các thương hiệu lớn và nổi tiếng trên thế giới trong năm 2016 vừa qua vẫn chưa hề có dấu hiệu lắng xuống. Liệu rằng Softbank chỉ đơn thuần là muốn tìm một đối tác nội dung đủ mạnh cho mình, hay thực tế là họ đang có ý định muốn biến dịch vụ streaming nhạc online lớn nhất nhì thế giới hiện nay trở thành cái tên tiếp theo mở đầu danh sách các công ty sẽ bị họ thâu tóm trong năm mới ?
Tất nhiên là ngay cả trong trường hợp Softbank đang thật sự có ý định này, chắc chắn con đường đến được với kết quả cuối cùng của họ cũng sẽ không hề dễ dàng khi TIDAL cũng là cái tên nằm trong tầm ngắm của hàng loạt đối thủ sừng sỏ và có tiềm lực tài chính mạnh mẽ khác. Rõ ràng là ở thời điểm hiện tại mọi chuyện vẫn còn quá mơ hồ và chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc dự đoán những nước đi tiếp theo của cả hai cái tên này trong thời gian tới.