Nhớ lại khoảng những năm 2009, những chiếc smartphone Android kể cả có cao cấp đến đâu cũng chỉ mang lại một trải nghiệm vừa đủ với tốc độ phản ...
Nhớ lại khoảng những năm 2009, những chiếc smartphone Android kể cả có cao cấp đến đâu cũng chỉ mang lại một trải nghiệm vừa đủ với tốc độ phản ứng chậm, giật lag và delay hơn nhiều so với hiện tại. Những cải tiến này là nhờ công phát triển của các ông lớn như Qualcomm, MediaTek hay Samsung. Họ đã tạo ra những con chip xử lý, thẻ RAM, bộ nhớ trong và nhiều thành phần khác với, xung nhịp cao hơn, tốc độ phản hồi nhanh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, nâng trải nghiệm lên một tầm cao hoàn toàn mới. Tuy nhiên, bạn có bao giờ tự hỏi: Nhanh, mượt đến mức nào là đủ, và có phải cứ thật nhanh thì trải nghiệm của smartphone cũng sẽ tăng theo?
Câu trả lời là có, và không.
Cái gì cũng có giá của nó, nếu xung nhịp chip quá cao, RAM quá nhiều mà không được tối ưu tốt với phần cứng thì cũng không thể nào mang lại một trải nghiệm mượt mà, thậm chí là ảnh hưởng tới cả các thành phần khác, ví dụ như pin và nhiệt độ.
Bộ xử lý: Nhiều lõi hơn có tốt hơn?
Vài năm trước, câu trả lời "đúng" có lẽ là chuẩn xác, bởi hầu hết các nhà sản xuất chip đều tung ra các loại SoC có nhiều nhân hơn, từ đơn nhân, rồi hai nhân rồi sau đó là 4 và 8. Trong đó, phần lớn cũng thường đem lại trải nghiệm tốt hơn, thậm chí là cả tiết kiệm pin hơn nhờ kiến trúc big.LITTLE thông minh.
Nhưng đó là ở thời điểm vài năm trước. Hiện tại, các con chip 8 nhân, nhất là của Qualcomm dường như không còn có ưu thế như vậy nữa. Điển hình chính là Snapdragon 810 và Snapdragon 615. Cả hai đều là những con chip 8 nhân đầu tiên mà Qualcomm công bố, và cả hai đều gặp tình trạng quá tải nhiệt và gây tốn pin. Người ta có thể đổ lỗi cho khả năng tối ưu hóa phần cứng của Qualcomm, nhưng vấn đề rõ rằng vẫn nằm ở việc nó có quá nhiều nhân mà lại được phép chạy cùng lúc.
Một giải pháp khác là tạo ra các nhân xử lý tốt hơn, ví dụ như dòng chip Apple Ax của Apple. Chúng mới chỉ dừng lại ở mức 2 lõi, nhưng mỗi lõi lại có thể xử lý được nhiều thông tin hơn, nhanh nhạy hơn và đặc biệt là kết hợp với nền tảng iOS vốn đã được tối ưu hóa một cách tuyệt vời.
Chính Qualcomm dường như đã phải chịu thua với những con chip 8 nhân, bằng chứng là dòng SoC Snapdragon 820 đang nằm trong các siêu phẩm mới nhất như Galaxy S7, HTC 10 hay LG G5 thì chỉ có 4 nhân xử lý, và cả 4 nhân này đều được tùy biến tốt hơn để tăng hiệu năng và giảm tình trạng quá tải nhiệt.
Màn hình "quá nét"!
Hãy tự hỏi bản thân: ở khoảng cách bình thường, bạn có nhận thấy sự khác biệt giữa một tấm nền LCD độ phân giải fullHD và QuadHD? Câu trả lời có lẽ sẽ là không, trừ khi bạn đang nhìn vào các thiết bị smartphone có màn hình rất lớn, khoảng từ 6 inch trở lên chẳng hạn.
Với các thiết bị màn hình nhỏ hơn thì sự "thừa thãi" này còn rõ ràng hơn nữa, và hiện tại màn hình QuadHD cũng không có nhiều tính ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày ngoài... hút pin nhiều hơn. Đúng, nó là một bước tiến lớn trong ngành công nghiệp di động nói chung, nhưng có thiết thực hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.
Thay vì độ phân giải lớn, các nhà sản xuất nên tập trung vào cải thiện những khía cạnh khác như khả năng thể hiện màu sắc có chính xác không, độ sáng có cao không và tốn bao nhiêu điện năng để hoạt đông.
RAM càng nhiều máy càng nhanh, chạy càng khỏe?
Với nền tảng Android, dù bạn có bao nhiêu RAM ở trong máy thì nó vẫn có thể đầy. Đây là một đặc thù nằm sâu trong nhân của nền tảng này mà chẳng ai có thể thay đổi được. Chính vì vậy mà các nhà sản xuất cũng rất chăm chỉ tăng con số này lên ngày càng cao hơn, phần lớn là để "lòe" người dùng. Chỉ trong vài năm, 2GB RAM đã được coi là "bình thường" trong phân khúc giá rẻ, còn ai mà dám đưa 1.5GB RAM vào các mẫu máy tầm giá 4 - 5 triệu đồng thì chắc chắn sẽ bị dè bỉu là "ki bo".
Nhưng chúng ta có thực sự cần nhiều RAM hơn không?
Câu trả lời là không.
Thực sự, con số 3GB đã là thừa, kể cả với các mẫu smartphone cao cấp. Vấn đề giờ chỉ nằm ở tốc độ RAM, hiệu suất hoạt động và tối ưu phần mềm mà thôi.
Khi mua một mẫu smartphone nào đó, hãy cố gắng tìm hiểu xem nó dùng loại RAM nào LPDDR4 hay LPDDR3, sản xuất trên tiến trình mấy nm và tốc độ là bao nhiêu. Những con số này gây ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phản hồi của điện thoại, trong khi dung lượng RAM vẫn chỉ là thứ cấp mà thôi.
Về bộ nhớ trong, bạn cũng nên tìm hiểu xem nó là loại nào, sản xuất trên tiến trình bao nhiêu nm, tốc độ đọc ghi có nhanh không, và tất nhiên là nên tránh tất cả các mẫu máy có bộ nhớ trong dưới 16GB nếu điều kiện cho phép.
Vậy chúng ta còn cần gì?
Ngoài một số khía cạnh như chất lượng màn hình, RAM, bộ nhớ trong và khả năng tối ưu phần cứng - phần mềm, chúng ta còn phải quan tâm tới pin nữa.
Không phải cứ có dung lượng pin lớn thì thời lượng cũng "trâu" tương đương, bởi điều này còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sự tối ưu của nhà sản xuất và cách sử dụng của người dùng nữa. Một số nhà sản xuất như Samsung hay Sony đã có tiếng về vấn đề này trên các thiết bị mới đây của họ, trong khi một số khác như Xiaomi hay LG thì vẫn còn bị phàn nàn khá nhiều. Ngoài ra, tắt bớt các kết nối không cần thiết, xóa bớt ứng dụng thừa thãi và bật tiết kiệm pin khi cần cũng là những cách hiệu quả để tăng thời lượng sử dụng cho smartphone lên đáng kể.