Thói quen mua sắm trực tuyến bằng vài cú nhấp chuột trên máy tính hay chạm lướt từ smartphone ngày càng phổ biến tại Việt Nam, và đặc biệt trong những ngày hội khuyến mãi "Online Friday"
Thị trường mua sắm online sẵn sàng chờ bùng nổ
Theo báo Tuổi trẻ, khảo sát của Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương, năm 2015, giá trị mua hàng trực tuyến của một người Việt Nam ước tính đạt khoảng 160 USD (hơn 3,2 triệu đồng) và doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới người dùng) đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Còn theo kết quả nghiên cứu chung về vai trò của Internet và sức mua của những hộ gia đình có kết nối Internet ở Việt Nam của Google và Công ty tập đoàn tư vấn Boston (BCG), người tiêu dùng Việt Nam đang dần hình thành thói quen "lên mạng" để tìm ý tưởng cho việc mua sắm, nghiên cứu sản phẩm và thương hiệu, kiểm tra sản phẩm sẵn có…
Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chi tiêu ngày càng thoải mái hơn. Bằng chứng là các hộ gia đình kết nối Internet cũng đang đóng góp đến 83% cho giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm hàng ngày như sữa bột, tã giấy, sữa tắm và sữa chua uống.
Còn kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử cho thấy loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến phổ biến nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (64%). Tiếp theo là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách - văn phòng phẩm - hoa - quà tặng.
Các báo cáo kinh tế gần đây từ Temasek và Google cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và có dấu hiệu đột phá trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ 0,4 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ hai ở Đông Nam Á với tỷ lệ gia tăng số người ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu vượt xa nhiều nước trong khu vực. Nhóm này sẽ lan rộng tại các tỉnh thành trọng điểm, thúc đẩy chi tiêu cho các sản phẩm tiện ích và phục vụ phong cách sống. Đồng thời sẽ dẫn dắt sự dịch chuyển sang các kênh bán hàng hiện đại như thương mại điện tử. Qua đó tạo nên cuộc cách mạng trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Nitin Gajria, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào của Google Châu Á – Thái Bình Dương cho biết: người tiêu dùng Việt Nam có sức mua cao nhất đều đã kết nối trực tuyến qua các thiết bị di động.
Ngày hội mua sắm "Online Friday" vẫn còn nhiều khó khăn
Hưởng ứng Black Friday trên toàn thế giới, Việt Nam cũng đã đều đặn tổ chức ngày hội mua sắm trực tuyến sự kiện Online Friday vào thứ sáu đầu tiên của tháng 12. Và năm nay diễn ra vào ngày 2-12-2016.
Chương trình Online Friday của năm 2016 thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia với khoảng 200.000 sản phẩm đăng ký với tổng doanh số giao dịch khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 5.000 đầu sản phẩm khuyến mãi được đảm bảo bởi ban tổ chức, tương ứng với trên 50.000 đơn hàng đảm bảo có thể đến tay khách hàng.
Các sản phẩm đảm bảo sẽ đến từ nhóm doanh nghiệp có cam kết, gồm: Samsung, Asus, Acer, Dell, HP, Oppo, Microsoft, Huawei, Maison, Hoàng Phúc International… và doanh nghiệp thương mại điện tử lớn như Lazada, Adayroi, Tiki, Sendo, Hotdeal, Zalora…
Tuy nhiên, theo báo Pháp Luật TPHCM thì đại diện ban tổ chức đã tuyên bố đến chiều 1-12 đã loại 60.000 sản phẩm trong tổng 280.000 sản phẩm đăng ký. Lý do là những sản phẩm này báo giá cao hơn so với ngày thường, không thể đưa vào chương trình khuyến mãi.
Sau đó, báo Dân trí vẫn tiếp tục khẳng định rằng trong ngày chính của Online Friday 2016 vẫn tiếp tục có giá khuyến mãi ảo, điển hình như iPhone 7 của nhà cung cấp Bạch Long Mobile vẫn giữ 16,49 triệu đồng chứ không phải 13,49 triệu đồng như lời quảng cáo chỉ còn 13,49 triệu đồng, hay TV 55inch của LG do Pico đăng bán có giá 20,9 triệu đồng thay vì giảm 35% chỉ còn 13,79 triệu đồng.
Trao đổi với báo Dân trí, BTC cho biết, ngày mua sắm trực tuyến năm nay đã sử dụng nhiều biện pháp để loại bỏ "khuyến mãi ảo", song thực tế diễn ra vẫn còn đang xuất hiện tình trạng này và khiến cho niềm tin người dùng thất vọng.