Bộ văn hóa Na Uy vừa ra thông báo sẽ ngừng sử dụng chuẩn FM cho mục đích phát thanh quốc gia từ ngày 11/1/2017, và thay bằng chuẩn Digital ...

Bộ văn hóa Na Uy vừa ra thông báo sẽ ngừng sử dụng chuẩn FM cho mục đích phát thanh quốc gia từ ngày 11/1/2017, và thay bằng chuẩn Digital Audio Broadcasting (DAB).

DAB thực chất cũng là công nghệ radio mà Na Uy tiên phong áp dụng từ năm 1995. Và cho đến nay, Bộ văn hóa Na Uy cho rằng họ đã đủ khả năng chuyển đổi từ kỹ thuật analog sang tín hiệu kỹ thuật số mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Có lẽ động lực lớn nhất là chi phí phát nội dung radio qua FM đắt hơn 8 lần so với DAB.

Thorhild Widvey, bộ trưởng bộ văn hóa Na Uy, cho hay: "Người nghe sẽ được tiếp cận đến nhiều nội dung radio phong phú và đa dạng hơn, đồng thời thưởng thức âm thanh tốt hơn với các tính năng mới mẻ hơn. Việc số hóa cũng giúp cải thiện đáng kể tính sẵn sàng của các hệ thống khẩn cấp, thúc đẩy sự cạnh tranh và mang lại nhiều cơ hội mới cho sáng tạo và phát triển".

Thực tế, Na Uy cho phép các nhà đài chọn lựa giữa chuẩn DAB và DAB+ tiên tiến hơn, và dường như các nhà đài đều đang cân nhắc DAB+.

Ưu thế của chuẩn DAB là truyền thông tin bằng các phương tiện số gần giống như cách mà các mạng di động vận hành, trong đó bao gồm cả việc nén dữ liệu và dồn kênh. Đồng thời, tín hiệu mà DAB truyền đi có tần số rất rộng, nên sẽ giúp truyền tải được rất nhiều kênh so (so với chỉ vài chục kênh của sóng FM). Ngoài ra, DAB còn giúp người dùng duyệt kênh theo tên, chứ không cần phải theo tần số như FM, và truyền hình analog trước đây.

Ở Việt Nam, sóng FM vẫn thường xuyên được sử dụng, đặc biệt là với những lái xe ô tô để tương tác với các kênh phát thanh như VOV chuyên về giao thông, hoặc các kênh giải trí, âm nhạc trong khi đi đường.