Dù cho đã sở hữu hệ thống âm thanh vòm 5.1 hay 7.2 đẳng cấp thì 10 bộ phim sau đây sẽ phải khiến bất cứ khán thính giả nào ...
Dù cho đã sở hữu hệ thống âm thanh vòm 5.1 hay 7.2 đẳng cấp thì 10 bộ phim sau đây sẽ phải khiến bất cứ khán thính giả nào cũng phải ngạc nhiên và nhìn lại dàn loa của mình!
Đạo diễn quái kiệt David Lynch từng nói: “Phim ảnh là tổ hợp của 50% hình và 50% tiếng. Nhưng đôi khi âm thanh lại vượt trội hơn hẳn”. Thật vậy, cứ thử tưởng tượng mấy con cá mập trong Jaws đột nhiên trở nên “hiền lành” cỡ nào nếu mất hiệu ứng âm thanh, hay tác phẩm của Woody Allen có còn dấu ấn nếu thiếu nền nhạc Jazz. Còn nữa bom tấn Jurassic Park chỉ có hình mà không có tiếng đảm bảo chả mấy mà thành bom xịt…
Thật sai lầm khi không khai thác triệt để hệ thống âm thanh vòm tại gia đẳng cấp như ở rạp chiếu chuyên nghiệp nhờ 10 bộ phim sau.
Thập Diện Mai Phục (2004)
Bộ phim võ thuật Thập Diện Mai Phục của Trương Nghệ Mưu được ví như “cuộc trình diễn ngoạn mục về mặt thị giác”. Sử dụng màu sắc là thế mạnh của ông, nhưng điều mà vị đạo diễn quái kiệt không ngờ tới là phần âm thanh mà ông tạo ra cũng vô cùng xuất sắc. Nhất là phân đoạn nàng vũ nữ mù Tiểu Muội (Chương Tử Di) múa lụa cùng với trống trước mặt Lưu bộ đầu (Lưu Đức Hoa). Nếu còn chưa thỏa mãn, hãy chờ tới đoạn sau, cảnh đấu kiếm trong rừng trúc để thấu hiểu được cụm từ “đã mắt, đã tai”.
Scott Pilgrim Chống Lại Cả Thế Giới (2010)
Tác phẩm chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên Scott Pilgrim sẽ chỉ dừng ở mức độ phim dành cho tuổi teen nếu như các đạo diễn Edgar Wright không phải là người sành âm thanh. Trong cuộc chiến với tình cũ thứ 4 của cô bạn gái Ramona Flowers, nếu sử dụng hiệu ứng vòm người ta sẽ phải ngạc nghiên bởi âm thanh low bass vỡ vụn của tường xi-măng, kính, di chuyển của búa tạ và chiếc roi sắt của Roxy Richter, tạo ra một tổ hợp âm đặc sắc để test dàn loa của bạn.
Pink Floyd: The Wall (1982)
Bộ phim âm nhạc 95 phút về lấy nhân vật trung tâm là rock star Floyd Pink Pinkerton (Bob Geldof) và nền nhạc của ban nhạc huyền thoại Pink Floyd làm chủ đạo. Bộ phim là một chuỗi cảm xúc tiêu cực, tăm tối, tuyệt vọng nhưng phần âm thanh là thứ không thể chê trách, với sự hỗ trợ của âm thanh vòm 5.1 Dolby Digital. Dù cho tác phẩm không đoạt giải BAFTA cho Âm thanh hay nhất bởi chỉ sở hữu 1, 2 cảnh phim có phần tiếng thực sự ấn tượng, nhưng phần 2 của bọ phim là Another Brick in the Wall đã làm được điều đó. Điều này cũng đảm bảo chắc chắn đây là tác phẩm đáng được test trên dàn loa hoành tráng nhà bạn.
Swordfish (2001)
John Travolta được biết đến nhiều qua các vai diễn gai góc trong những tác phẩm trinh thám. Và khán giả hẳn ngay lập tức nghĩ Swordfish sẽ chỉ toàn cảnh máu me, súng đạn như bao bộ phim cùng thể loại khác?
Nhưng không, điểm nhấn cho phần âm thanh vòm trong Swordfish lại nằm ở phần cháy nổ slow-motion kéo dài 30 giây. Những tiếng ồn xen kẽ như kính vỡ, gào khóc, đồ vật bay loạn xạ tạo nên một bữa tiệc âm thanh thú vị cho căn phòng của bạn.
Miles Ahead (2015)
Miles Ahead là bộ phim tiểu sử về huyền thoại nhạc jazz Miles Davis, lấy bối cảnh New York hoa lệ nhưng cổ điển đắm chìm trong tiếng nhạc jazz réo rắt, nhịp nhàng. Sẽ chỉ là một tác phẩm âm nhạc dễ chịu, “ru ngủ” người xem nếu Miles Ahead không chèn thêm những tiếng rượt đuổi của xe ô tô, tên bay đạn lạc, rối ren, nhộn nhao y như nước Mỹ thời bấy giờ. Chỉ cần nhắm mắt lại, duỗi chân ra và ngả đầu vào ghế salon bạn có thể cảm nhận bức tranh toàn cảnh ấy hiện lên trong đầu nhờ âm thanh high-tempo phát ra từ hệ thống âm thanh vòm dồn dập trong tai.
Pacific Rim (2013)
Còn nếu muốn kiếm tìm âm thanh cỡ bom tấn, dồi dào và sung mãnh thì đừng vội đụng đến các bộ phim siêu anh hùng. Vì chúng chưa đủ!. Pacific Rim mới là lựa chọn sáng suốt. Quái vật Kaju trong truyền thuyết cổ chiến đấu cùng với những cỗ máy robot nhân tạo khổng lồ, cảnh tượng hoành tráng đó sẽ càng được nhân lên gấp bội nhờ hệ thống âm thanh vòm.
Wall-E (2008)
Tầm quan trọng của phần tiếng trong phim là điều không thể phủ nhận, song với một tác phẩm như Wall-E của Pixar chúng đặc biệt được đẩy lên vị thế cao hơn nhiều. Nên nhớ, đôi bạn EVE và cậu robot dọn rác thải trên Trái Đất đều không biết nói, vậy nên âm thanh là thứ ngôn ngữ duy nhất xuất hiện trong phim. Muốn biết Ben Butt kéo khán giả ra rạp như nào bằng việc chuyển tải âm thanh thành ngôn ngữ tới trái tim hãy thử xem Wall-E.
Star Trek (2009)
Nói về bom tấn ngoài hành tinh thì không thể bỏ qua Star Trek. Nhưng bản phim khiến người ta thích thú nhất vẫn là Star Trek 2009 của đạo diễn JJ Abram. Bật hệ thống âm thanh rạp tại nhà lên và cảm nhận tiếng con tàu di chuyển lên cao như đang bay ngang đầu bạn, âm thanh của sự thay đổi vật chất và khoảng không khi Bones và Kirk di chuyển tới căn phòng nhỏ hơn hay tiếng ồn trong con tàu vũ trụ Enterprise huyền thoại… sẽ hiện rõ mồn một qua hiệu ứng vòm.
Mad Max: Fury Road (2015)
Đừng phí hoài một tác phẩm như Mad Max: Fury Road khi nghĩ chỉ cần xem qua vi tính là đủ. Một hệ thống âm thanh vòm hiện đại và tối tân mới xứng đáng cho bộ phim này. Những tiếng rít xịt khói lửa, đầy bụi băm của động cơ và bánh xe hay như cảm nhận cái hực lửa, nghẹt thở bão xa mạc, đặc biệt là bản giao hưởng của Junkie XL đầy tiếng trống giận dữ, thét gào sẽ được phân tách rạch ròi qua dàn âm thanh đẳng cấp.
Skyfall (2012)
Loạt phim 007 được biết tới với phần mở đầu vô cùng ấn tượng, chiếc tuxedo đen trắng của chàng điệp viên bảnh bao trong Goldfinger, hay cú nhảy không thể phai trong The Spy Who Loved Me hay bối cảnh hoành tráng trong Spectre. Đấy là phần hình, còn phần tiếng thì Skyfall mới là vô địch.
Skyfall nhấn mạnh chất lượng âm thanh tiêu chuẩn thượng hạng với điểm nhấn là pha rượt đuổi trong làn ô tô, xe gắn máy và trên nóc tàu hỏa. Kết hợp là một background đầy tiếng trống dồn, kích vỡ, súng đạn, người dân, phố chợ v.v. âm thanh trôi qua tai từng giây, từng phút, nhanh, gấp, hổn hển và hụt hơi như tay điệp viên già cỗi James Bond.