Việc mua TV về sử dụng không chỉ đơn giản là đặt lên kệ tủ, gắn dây nối và các loại đầu phát. Nếu bạn thực sự quan tâm đến ...
Việc mua TV về sử dụng không chỉ đơn giản là đặt lên kệ tủ, gắn dây nối và các loại đầu phát. Nếu bạn thực sự quan tâm đến trải nghiệm hình ảnh thì cần chú ý tới rất nhiều yếu tố khác, từ góc nhìn, khoảng cách giữa TV và mắt cho tới các tùy chỉnh trong menu cài đặt. Dưới đây sẽ là bài hướng dẫn chi tiết cách để bạn đọc tối ưu hóa chất lượng TV tốt nhất có thể.
Đặt TV ở đâu?
Thường thì người ta sẽ chọn cách dễ dàng nhất để đặt TV: Gần ổ cắm điện. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên đặt TV ở vị trí mà nhiều người có thể nhìn trực diện nhất, bởi nếu góc nhìn càng lệch so với chính diện thì độ tương phản và độ sâu màu đen sẽ càng thấp khiến chất lượng hình ảnh giảm rất nhanh và nhiều.
Ngoài ra, các nguồn sáng bên ngoài, ví dụ như cửa sổ, đèn tường mà phản chiếu trên màn hình khi xem cũng dễ gây khó chịu, và lời khuyên ở đây là bạn nên bố trí đèn nằm cùng hướng với TV, còn cửa sổ thì nên thêm rèm hoặc không được ở phía đối diện với TV/sau lưng người xem.
Thậm chí, bạn cũng có thể đặt thêm đèn ngay phía sau TV để tránh gây nhức mắt vào buổi tối.
Góc nhìn và khoảng cách nhìn thì sao?
TV nên được đặt trực diện với mắt bạn khi đã ngồi xuống, không quá cao hay thấp hơn, nghĩa là bạn nên sắm thêm một kệ tủ nào đó đủ cao và cũng để thoái mái chứa thêm các loại đầu đĩa, set-top-box hay âm-li... Nếu bắt buộc phải đặt TV cao hơn hướng nhìn thì bạn nên điều chỉnh TV "cúi" xuống một chút để thoải mái thường chức, nếu không thì sẽ giống như là đang xem phim ngoài rạp mà ngồi hàng ghế đầu vậy.
Về khoảng cách từ màn hình tới mắt người xem, lý tưởng nhất là khoảng gấp 1,5 đến 2 lần đường chéo màn hình TV, ví dụ như TV 50 inch thì bạn nên ngồi cách TV khoảng từ 2.2 đến 2.5 mét là vừa.
Dùng cổng kết nối nào tốt nhất?
Các đơn giản để có chất lượng hình ảnh/âm thanh tốt nhất là sử dụng cổng HDMI. Với kết nối này, bạn có thể tận hưởng tối đa những gì nguồn phát mang lại kể cả ở định dạng HD hay 4K, trong khi cũng không phải lằng nhằng nhiều dây bởi HDMI có thể truyền tải cả hình ảnh lẫn âm thanh cùng lúc.
Nếu bạn dùng thêm các loa Soundbar thì nên kiểm tra xem TV có cổng kết nối tương ứng hay không, điển hình là cổng quang (optical socket), hoặc nếu là HDMI hay AV thì cũng phải có tính năng ARC (Audio Return Channel) để âm thanh truyền được từ TV sang các thiết bị ngoại vi khác, kể cả âm-li.
Nếu TV của bạn có độ phân giải 4K thì còn phải để tới chuẩn HDCP 2.2. Công nghệ chống sao chép này được tích hợp vào các sản phẩm hỗ trợ 4K, và bạn phải dùng tới nó để kết nối được với các máy phát/máy thu 4K.
Điều chỉnh cài đặt hình ảnh ra sao?
Thường thì khi mới mua về, TV của bạn sẽ được đặt chế độ hình ảnh nào đó sáng, đẹp lung linh, nhưng khi mang về, kết nối với TV thì nó lại không được đẹp đến vậy. Điều này là bởi các nguồn phát của hãng đã có chất lượng cao và phù hợp với TV để nịnh mắt người xem ngoài siêu thị, nhưng với các nội dung thông thường dành cho TV thì bạn cần phải cân chỉnh lại.
Các cài đặt hình ảnh thường bao gồm độ sáng, độ bão hòa, độ nét, độ tương phản... và bạn có thể truy cập tới chúng khi tìm kiếm trong menu cài đặt của TV. Tất nhiên, đẹp hay không hoàn toàn phụ thuộc vào mắt nhìn của mỗi người, nhưng bạn cũng không nên dựa dẫm vào các chế độ có sẵn của nhà sản xuất và nghĩ rằng chúng là tốt nhất.
Tuy nhiên, với một người sử dụng thông thường, không quá quan trọng vấn đề chất lượng hình ảnh thì cũng có thể sử dụng ngay một vài chế độ cài đặt sẵn trong menu, ví dụ như Standard hoặc Warm (Có thể còn có tên là Cinema hoặc Pro). Các chế độ này thường không cố làm tăng các giá trị hình ảnh lên quá cao như chế độ Dynamic/Vibrant dễ gây mất chi tiết, giữ được màu sắc chính xác hơn , dù có thể hơi ám vàng một chút.
Ngoài ra, nếu bạn là một game thủ thì tốt nhất là nên bật chế độ màn hình dành cho Game, bởi TV sẽ tự động tắt gần hết tất cả các thành phần xử lý hình ảnh đi, cho tốc độ phản hồi nhanh nhất có thể, tránh làm ảnh hưởng tới quá trình chơi, nhất là với các tựa game FPS.
Chế độ Eco - Tiết kiệm điện dành cho những người yêu thiên nhiên, nhưng nếu bạn có lỡ yêu chất lượng hình ảnh hơn thì cũng không nên sử dụng, bởi nó sẽ giảm bớt độ sáng và vài tính năng tinh chỉnh hình ảnh của TV đi.
Nếu chỉnh tay thì nên chỉnh như thế nào?
- Độ tương phản: Mục địch của độ tương phản là thể hiện được độ trắng sáng nhất có thể mà không làm mất chi tiết, và để điều chỉnh dễ dàng nhất thì bạn hãy thử bằng một bức ảnh chụp đám mây trắng. Bắt đầu từ mức tương phản cao nhất, hãy giảm dần thang đo cho tới khi bạn bắt đầu nhìn rõ được các chi tiết của đám mây thay vì 1 cục màu trắng. Tùy thuộc vào loại tấm nền màn hình của TV mà các giá trị sẽ khác nhau, có thể là 80 - 90%, với LCD thì thường ở mức 65%, nhưng với TV Plasma thì có thể thấp hơn nữa nếu không muốn bị "cháy" hình.
- Độ sáng: Cài đặt này thực chất sẽ điều chỉnh độ sâu màu đen của màn hình chứ không phải độ sáng của cả khung hình hay độ sáng đèn nền. Bạn nên điều chỉnh sao cho màu đen "đen" nhất có thể mà không làm mất chi tiết, cụ thể là với bức hình một chiếc áo khoác đen chẳng hạn. Hãy thử đặt độ sáng lên thật cao, sau đó chỉnh thấp dần cho tới khi màu đen đã đủ "đen" mà các chi tiết nhỏ trên áo như cúc hay đường may vẫn có thể nhìn thấy rõ.
- Đèn nền: Đây mới là cài đặt để điều chỉnh độ sáng chung của hình ảnh hiển thị, nhưng nó chỉ xuất hiện trên các loại màn hình LCD là chính, trong khi Plasma thì không có và OLED thì mới vừa xuất hiện. Cài đặt này phụ thuộc nhiều vào môi trường xung quanh, ví dụ như ban ngày thì nên chỉnh sáng lên, và ban đêm thì tối đi để bảo vệ mắt. Thường thì bạn nên đặt ở quanh mức 50% là vừa đủ.
- Màu sắc: Thường thì cài đặt này không cần đụng vào, nhưng nếu muốn màu sắc có phần đậm đà hơn thì bạn có thể tăng lên vài mức, nhưng nhớ là cũng phải làm sao để màu da giữ được độ chân thực của nó. Ngoài ra, bạn có thể điều chỉnh mức ám xanh lá/tím (gọi là Tint), nhưng điều này cũng không quan trọng lắm, bởi các nhà sản xuất thường đã cân chỉnh sao cho màu sắc chuẩn xác nhất rồi.
- Độ nét: Tưởng chừng như rất cần thiết, nhưng các cài đặt độ nét bằng phần mềm có thể làm "hỏng bét" trải nghiệm hình ảnh vì tạo ra các chi tiết giả và thậm chí là mất luôn cả những chi tiết nhỏ. Thường thì chúng ta chỉ nên đặt mức độ nét thấp hơn 30% tùy loại TV, kể cả với những chiếc được quảng bá là có các công nghệ "upscale hình ảnh" vốn cũng chỉ dựa vào phần mềm mà thôi.
- Các chế độ xử lý hình ảnh khác: Vẫn dựa vào sở thích cá nhân, bạn cần tự điều chỉnh mỗi cài đặt với các mức từ thấp tới cao để xem chúng có giúp hình ảnh đẹp hơn thật không và tự chọn lấy những tùy chọn vừa mắt nhất.
- Cải thiện màu đen và trắng: Thường thì các tính năng kiểu như thế này sẽ chỉ làm hình ảnh mất đi sự chân thực, và nếu bạn đã tùy chỉnh tương phản và độ sáng như trên rồi thì không cần đụng đến phần này nữa.
- Tương phản động: Tính năng này sẽ tự động thay đổi độ sáng tùy theo nội dung đang trình chiếu, ví dụ như giảm sáng khi khung cảnh thiên về màu đen để "giả" màu đen sâu hơn và tăng sáng khi khung cảnh thiên về màu trắng để tạo độ trắng "đã mắt" hơn. Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm đều chỉ ra rằng nó hoạt động không ổn cho lắm, dễ gặp tình trạng "nháy màn hình" khi khung cảnh di chuyển liên tục mà có pha trộn cả màu đen và trắng.
- Giảm nhiễu: Vì phải xử lý trực tiếp và liên tục nên các tính năng giảm nhiễu thường chọn cách làm mờ luôn cả hình ảnh, dễ làm bệt chi tiết đối với hình ảnh HD. Chế độ này hoạt động gần như là ngược lại với chế độ làm nét, và chúng ta cũng không nên lạm dụng một chút nào nếu như đã có các nội dung chất lượng cao rồi.
- Cải thiện chuyển động: Công nghệ này được các hãng đặt tên khác nhau, nhưng cách hoạt động thì đều là tự động tính toán để xen kẽ các khung hình lặp lại hoặc khung hình trống vào giữa nội dung gốc để tăng tốc độ khung hình lên khoảng 60fps, tạo cảm giác mượt mà hơn cho các chuyển động. Tưởng như tính năng này là rất hiệu quả, nhưng trong nhiều trường hợp thì nó sẽ tạo các hiệu ứng bất thường như viền mờ quanh vật thể chuyển động hay "soap opera"/bóng ma như video dưới đây.Tuy nhiên, tính năng này lại hiệu quả trong khi xem thể thao với khung hình di chuyển liên tục và các vân động viên chạy trên sân. Lời khuyên là chúng ta nên đặt ở mức thấp hoặc tùy theo nội dung mà bật/tắt cho phù hợp nhất có thể.
Thường thức thôi nào!
Trên đây là toàn bộ những gì cơ bản nhất mà bạn cần quan tâm nếu muốn có trải nghiệm hình ảnh trên TV tốt nhất. Nếu có thắc mắc hay bổ sung, đừng ngần ngại để lại comment phía dưới nhé.
Theo: WhatHifi.