16GB cho bộ nhớ trong từng được coi là tiêu chuẩn cho một chiếc smartphone cao cấp ở thời điểm 4 năm trước, còn giờ thì đã là năm 2015 ...
16GB cho bộ nhớ trong từng được coi là tiêu chuẩn cho một chiếc smartphone cao cấp ở thời điểm 4 năm trước, còn giờ thì đã là năm 2015 và mọi thứ vẫn đang trong quá trình "phình to" ra. Tuy nhiên, vẫn có không ít các nhà sản xuất giữ lại mức dung lượng bộ nhớ này trên các thiết bị flagship của họ, điển hình là Google và Apple.
Với những thiết bị có hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ thì không có gì đáng bàn, nhưng với những chiếc iPhone thì sao? Chúng chẳng bao giờ dùng được chung với thẻ nhớ, còn giá để nâng cấp lên phiên bản bộ nhớ lớn hơn (64GB hoặc 128GB) thì lại quá chát, dễ làm người ta phải đắn đo.
Chiếc iPhone 6S và 6S Plus mới nhất của nhà Táo cũng không tránh được vấn đề này, cũng chỉ có ba phiên bản bộ nhớ là 16, 64 và 128GB. Sở dĩ Apple không nâng cấp phiên bản thấp nhất lên 32GB là vì "biên lợi nhuận", nghĩa là hãng đang có ý "ép" người dùng phải chi ra thêm nhiều tiền để mua hẳn phiên bản 64 hay 128GB, đồng nghĩa với việc lãi được nhiều hơn từ mỗi chiếc iPhone bán ra.
Vậy với những ai mà không muốn hay không đủ tài chính để nâng cấp lên bản cao hơn thì sao? Lời khuyên cho họ, ngoài chuyển sang dùng các thiết bị Android khác có hỗ trợ thẻ nhớ ra thì còn có thể tham khảo áp dụng những mẹo nhỏ dưới đây.
"Đám mây hóa" dữ liệu
Nhiều người cho rằng chúng ta đang dần chuyển dịch hoàn toàn sang sử dụng các giải pháp đám mây (Cloud Storage) cho mọi thứ. Đúng, ngoài điểm yếu là yêu cầu có mạng Internet ra thì những dịch vụ này tỏ ra cực kì hiệu quả trong việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu một cách dễ dàng. Với những chiếc iPhone hay cả Android, các bạn có thể tìm được hàng loạt những dịch vụ lưu trữ như Google Photos, Flickr cho ảnh; Apple Music, Spotify, Zing MP3 cho nhạc hay Dropbox và Google Drive cho các loại file khác.
Với iPhone 6S, mọi chuyện còn trở nên khó nhằn hơn khi bạn bật chế độ Live Photo khi chụp ảnh. Chế độ này ngoài lưu lại những bức hình ra thì còn có thêm 1 đoạn video mà bạn chỉ thấy khi bạn dùng tình năng"Force Touch". Điều này sẽ nhanh chóng làm đầy bộ nhớ trong vốn chỉ còn khoảng 12GB khả dụng mà có khi bạn còn không hề biết.
Sử dụng web thay cho ứng dụng
Bạn không cần phải tải hẳn 1 ứng dụng Từ điển về để tra từ, cùng không cần phải tải những ứng dụng đọc báo thì mới theo dõi được tin tức. Hãy chuyển qua sử dụng trình duyệt web bất cứ lúc nào có thể, thậm chí là cả với lướt Facebook nữa. Hầu hết những trình duyệt di động hiện nay đều cho phép bạn dán shortcut tới trang web ra màn hình chủ nên việc tìm đến chúng cùng chẳng khó khăn hơn tìm các ứng dụng là bao. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá dung lượng lưu trữ để dành cho những thứ khác quan trọng hơn mà không thể "Đám mây hóa".
Chỉ giữ lại những game hay chơi nhất
Nhiều người dùng, nhất là các ông bố bà mẹ có con trẻ thì hay cho phép chúng tải về một lô những trò chơi đủ thể loại, và không nói thì cũng biết chúng dễ dàng làm đầy bộ nhớ nhanh tới mức nào. Lời khuyên ở đây là cố gắng xóa bớt đi những trò mà chúng/chúng ta đã chán không chơi nữa hoặc rất ít khi chơi. Tuy nhiên, bạn cũng nên đồng bộ dữ liệu của game lên các dịch vụ như Game Center cho iOS hay Google Play Games cho Android để sau này không cần phải chơi lại từ đầu nếu muốn.
Xóa bớt những e-book không đọc tới
Nếu bạn là người thích đọc sách qua điện thoại hay dùng các ứng dụng lưu trữ tin tức (như Pocket chẳng hạn) thì cũng nên thường xuyên kiểm tra xem chúng có chiếm quá nhiều bộ nhớ không. Dù chỉ toàn là chữ, nhưng nếu không để ý thì những cuốn e-book vẫn có thể chiếm tới vài trăm MB bộ nhớ trong của máy, còn các ứng dụng đọc tin có cả hình lẫn chữ thì còn "thảm họa" hơn nữa.
Xóa các dữ liệu không cần thiết
Đừng tưởng bạn cứ xóa ứng dụng thì tất cả các dữ liệu của nó đều sẽ biến mất theo. Có rất nhiều ứng dụng tự động tạo và lưu lại những file dữ liệu tạm thời rồi sau đó lại không hề xóa đi, khiến cho bộ nhớ trong cứ thế mà đầy dần lên, không còn như lúc mới mua máy.
Để kiểm tra, các bạn hãy tìm đến phần Quản lý Ứng dụng trong menu Cài đặt (cả iPhone và Android đều có sẵn mục này) và xem xem ứng dụng nào đang gây tốn bộ nhớ một cách bất thường rồi bấm vào nút xóa dữ liệu. Tuy nhiên, nếu bạn thấy cách này vẫn là chưa đủ thì có thể kết nối iPhone tới iTunes, kiểm tra phần dữ liệu Khác (Other - như trong hình dưới) xem có quá nhiều không rồi tiến hành sao lưu dữ liệu và cài đặt lại chiếc iPhone về nguyên gốc.
Những phần nhỏ nhặt khác
Các ứng dụng trực tuyến như Spotify, Podcast, Video, Photo Stream trong iPhone có thể cũng sẽ tự động tải về các dữ liệu mà chúng ta không biết, và may mắn là chúng vẫn có thể được tắt hoặc xóa đi theo ý muốn. Đồng thời, bạn cũng nên cài đặt để ứng dụng chụp ảnh chỉ lưu 1 thay vì 2 tấm ảnh khi chụp HDR và thường xuyên xóa bớt các tin nhắn cũ hoặc cài đặt cho chúng tự động xóa sau khi đã đọc 1 tháng hoặc 1 năm bằng cách vào Cài đặt > Tin nhắn > Lưu trữ Tin nhắn để điều chỉnh.