Subwoofer rời luôn là một thành phần không thể thiếu với bất cứ bộ loa Soundbar dành cho nhu cầu giải trí tại gia nào. Tuy nhiên, việc lắp đặt ...
Subwoofer rời luôn là một thành phần không thể thiếu với bất cứ bộ loa Soundbar dành cho nhu cầu giải trí tại gia nào. Tuy nhiên, việc lắp đặt và thiết lập các thông số chính xác cho thành phần này luôn là một bài toán khó với những người mới chơi.
Thông qua bài viết mở hộp bộ đôi Arcam Solo Bar và Solo Sub trước đó, hẳn các bạn độc giả đã có được một cái nhìn tương đối khái quát về mẫu sản phẩm soundbar mới đến từ thương hiệu Arcam danh tiếng Anh Quốc này.Không chỉ cho chất lượng âm thanh đáng chú ý, Solo Bar còn là mẫu loa thanh với thiết kế hiện đại và dễ phối hợp về mặt thẩm mĩ với các sản phẩm nghe nhìn khác trong phòng khách của mình.
Thông thường, hầu hết những người dùng Solo Bar sẽ lựa chọn mua thêm một chiếc subwoofer rời Solo Sub theo gợi ý của hãng như một sự bổ sung sức mạnh cho toàn bộ hệ thống, khắc phục nhược điểm về dải bass trên những bộ soundbar vốn không có nhiều khả năng để cho ra một thứ âm trầm đủ khỏe mạnh và làm "rung chuyển" sàn nhà của bạn trong những thước phim hành động gay cấn.
Trở lại vớibộ đôi Solo Bar và Solo Sub, dù đến từ cùng một "mẹ" nhưng với thiết lập mặc định ban đầu, có vẻ như hai sản phẩm này vẫn chưa thể có tiếng nói chung, dẫn đến khả năng thể hiện chung của toàn hệ thống trở nên kém ấn tượng và chưa thật sự đạt đến mức mong muốn như nhà sản xuất thiết kế ban đầu.
Do vậy trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ gửi đến độc giả chi tiết quá trình lắp đặt và thiết lập các thông số dành cho subwoofer rời của hệ thống Soundbar. Dù được thực hiện với Arcam Solo Sub, tuy nhiên các bạn có thể áp dụng cách này dành cho các loại subwoofer rời khác trên thị trường hiện nay.
Tìm nơi đặt thích hợp
Cách sắp xếp vị trí giữa Solo Bar và Solo Sub theo khuyến cáo từ Arcam
Arcam Solo Sub được thiết kế dưới dạng Down-firing subwoofer, do vậy yêu cầu đầu tiên là cần có một bề mặt đủ cứng và vững chắc để âm trầm có thể lan tỏa tốt hơn.
Mặt sàn gạch hoặc sàn gỗ đều là những ý tưởng tốt. Hãy tránh xa việc đưa Subwoofer xuống gầm bàn, hoặc tệ hơn là đặt lên ... mặt bàn hoặc mặt kệ tủ.
Tại Testlab của Stereo, chúng tôi quyết định đặt Solo Sub đứng trên nền sàn gạch và nằm trong góc tường phía trước mặt người nghe, mỗi bên đều cách tường khoảng 15 cm. Đây là một cách đặt có thể được dùng để tạo hiệu ứng "bass boost tự nhiên" khá hiệu quả dành cho những subwoofer nhỏ và có công suất thấp như Solo Sub.
Lắp đặt và kết nối với hệ thống trung tâm
Trong quá trình hoạt động, subwoofer sẽ sinh ra rung động khá mạnh, do vậy bạn hãy chắc chắn đã gắn chặt dây nguồn và dây dẫn tín hiệu (nếu có) để tránh việc bị tuột hoặc lỏng ra sau một thời gian sử dụng, ảnh hưởng xấu đến độ ổn định và cả chất lượng âm thanh của toàn hệ thống chung.
Đừng quên kiểm tra lại thiết lập điện áp nguồn trước khi sử dụng
Một lưu ý khác mà nhiều người rất hay quên, đó là hãy lưu tâm tới điện áp làm việc của thiết bị. Dù đã trở nên phổ biến, nhưng không phải tất cả các thiết bị trên thị trường hiện nay đều hỗ trợ mạch nguồn Auto Volt, do vậy hãy chắc chắn bạn đã thiết lập đúng chế độ điện áp phù hợp với điện lưới nơi mình đang sinh sống trước khi cắm điện nếu như không muốn cả đống tiền bay đi trong vài giây lỡ tay.
Cụm đèn báo và phím bấm kết nối không dây giữa Solo Sub & Solo Bar
Do được tích hợp sẵn khả năng kết nối không dây với Solo Bar, bạn sẽ không cần sử dụng thêm dây tín hiệu để kết nối giữa hai khối thiết bị, thay vào đó chỉ cần thực hiện quá trình kết nối và ghép đôi thiết bị ở lần đầu, sau đó người dùng có thể sử dụng bình thường ở các lần kế tiếp sau khi đã kết nối thành công.
Thiết lập các thông số hoạt động cho Subwoofer Thông thường các hệ thống âm thanh tại gia đều được các nhà sản xuất tích hợp sẵn tính năng căn chỉnh tự động (auto calibration) dành cho các loa dưới các tên gọi khác nhau, như Audyssey của Denon, ARC của Anthem, ...
Trên Solo Bar, Arcam cũng trang bị cho mình một hệ thống EQ tự động căn chỉnh loa khá hiệu quả sử dụng micro và pink noise để thiết lập EQ tự động cho các loa thành phần trên hệ thống. Tuy nhiên chúng tôi phát hiện ra một thiếu sót có phần khá ... ngớ ngẩn trên hệ thống này - không hề có khả năng cân chỉnh dành cho subwoofer !
Hệ thống các núm xoay điều chỉnh thiết lập phía sau Solo Sub
Do vậy người dùng sẽ hơi mất công hơn bình thường một chút khi sẽ phải thực hiện quá trình căn chỉnh này hoàn toàn thủ công bằng các hệ thống núm điều chỉnh đặt phía sau Solo Sub.
Mẫu Subwoofer đến từ Arcam cho phép người dùng can thiệp khá chi tiết vào các thông số hoạt động của loa. Ở đây chúng ta có thể thay đổi được 4 thông số, gồm Tần số cắt (X-OVER FREQ), tham số Q (X-OVER Q), âm lượng của Sub (VOLUME) và cuối cùng là Pha (PHASE).
Trong điều kiện sử dụng thông thường tại gia đình, chúng ta sẽ không thể kiếm đâu ra những thiết bị đo đạc chính xác và kiến thức để sử dụng chúng cả. Thay vào đó, tất cả những gì bạn cần là đôi tai của bạn, một chút kiên trì và cuối cùng là một cái mốc để bắt đầu là đủ.
Cụ thể ở đây, các bạn hãy bắt đầu với việc thiết lập các thông số trên ở mức trung bình mặc định theo khuyến cáo ban đầu của hãng Arcam: X-OVER FREQ = 85 Hz, X-OVER Q = 1.1 và VOLUME = 6. Sau đó bắt đầu quá trình tinh chỉnh từng thông số một để cho kết quả hợp ý với đôi tai của bạn nhất.
X-OVER FREQ (Crossover Frequency): nói một cách nôm na thì đây là tần số được ấn định bởi mạch phân tần tích hợp sẵn bên trong để khoanh vùng tần số cho Subwoofer hoạt động.
Việc thiết lập thông số này ở mức nào còn phụ thuộc vào kích cỡ và khả năng tái tạo các tần số thấp của loa vệ tinh, và tất nhiên là còn dựa theo khả năng của subwoofer nữa. Nếu loa của bạn có đường kính càng nhỏ, nó sẽ càng khó để có thể tái tạo dải trầm tốt, khi đó ta sẽ cần nâng tần số cắt lên để subwoofer có thể phụ trách thêm phần dải tần thấp mà các loa vệ tinh không thể tái tạo được tốt.
Tần số cắt (Crossover Cut-off frequency)
Tuy nhiên ta sẽ không thể nâng quá cao, vì như vậy sẽ vô tình làm mất đi tính vô hướng và khả năng lan tỏa của loa siêu trầm. Tốt nhất là bạn hãy nâng tần số cắt lên cao một chút, sau đó hạ dần xuống cho đến khi âm thanh của toàn bộ hệ thống hòa quyện vào nhau được hoàn hảo nhất có thể.
X-OVER Q (Crossover Q-factor): quyết định độ dốc của đường cắt LPF bên trong mạch crossover của Subwoofer. Thông thường 1.1 là giá trị phù hợp trong phần lớn trường hợp sử dụng. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy âm bass quá ù, bloating hoặc hơi cứng và thiếu độ impact cần thiết, hãy thử tăng hoặc giảm 1 - 2 nấc để tìm được giá trị mà mình cảm thấy ưng ý nhất.
Đường đặc tuyến của crossover thay đổi với các mức Q khác nhau
VOLUME: tương tự các thông số trước, việc bắt đầu với mức 60 - 75% âm lượng tối đa sẽ là một sự khởi đầu hợp lý. Nếu cảm thấy phần dải trầm thiếu đi chút độ impact, hãy thử tăng âm lượng lên một chút và ngược lại. Cố gắng căn chỉnh cho đến khi bạn thấy phần bass này hòa vào tổng thể âm thanh chung của hệ thống và không thể phân biệt/định hướng được nguồn âm, khi đó bạn đã thành công.
Chúc các bạn thực hiện thành công và có những phút giây tận hưởng âm nhạc thoải mái cùng với bộ dàn yêu thích của mình.