Triển lãm thiết bị nghe nhìn HongKong 2016 vừa khai mạc sáng 5/8 và kéo dài đến hết ngày 7/8, chứng kiến hàng ngàn thương hiệu audio lớn nhỏ với ...

Triển lãm thiết bị nghe nhìn HongKong 2016 vừa khai mạc sáng 5/8 và kéo dài đến hết ngày 7/8, chứng kiến hàng ngàn thương hiệu audio lớn nhỏ với những không gian trình diễn đa dạng, hút nhiều khách tham quan tới từ nhiều nước châu Á. Theo quan sát của phóng viên STEREO tại triển lãm, mặc dù vừa trải qua cơn bão lớn với hàng chục chuyến bay bị hủy tới sát ngày khai mạc, nhưng HongKong AV Show 2016 vẫn hút một lượng khách lớn tới tham quan, mua sắm. Sự kiện được tổ chức tại khu triển lãm lớn nhất Hong Kong với 2 không gian chính. Khu triển lãm chung mặt bằng lớn với không gian được chia lô và thành từng phòng nghe, chia thành chừng 200 gian khác nhau. Được biết không gian này năm nay mở rộng gấp đôi năm trước. Đa số những thiết bị như loa di động, tai nghe, máy nghe nhạc, phụ kiện… sẽ được trưng bày và trình diễn tại các gian hàng theo kiểu không gian mở. Mặc dù mỗi gian hàng đều chơi nhạc theo yêu cầu của khách tham quan, song không huyên náo mà chỉ vừa đủ để người đứng ở gian nào mới nghe được âm thanh của thiết bị từ gian đó. Một không gian trình diễn khác do ban tổ chức dựng lên gồm chừng 40 phòng, được ghép lại từ các panel bột giấy. Mỗi không gian demo như vậy có diện tích trung bình 40m2. Với lợi thế của chất liệu giấy ép, khả năng tiêu-tán âm của các bức vách và trần loại này khá ổn. Đây cũng là kiểu không gian demo cho âm thanh tốt nhất tại triển lãm. Ngoài ra, còn 2 tầng lầu với khoảng 30 phòng nghe và hai sảnh lớn. Phòng demo trên tầng thuộc loại khép kín, diện tích từ 30m2 - 150m2. Không gian tại đây khá sang trọng và luôn chật cứng khách tham quan. Tuy nhiên, do không gian và cấu trúc phòng khá bất lợi nên mặc dù chứa những thương hiệu hi-end lớn, song chất lượng trình diễn vẫn không thực sự ấn tượng. Tại những sảnh lớn trên tầng, các đơn vị triển lãm cùng thuê chung một ballroom lớn và giao lưu, trình diễn luân phiên theo lịch. Khách tham quan chỉ việc dịch chuyển lần lượt qua các hàng ghế là có thể theo dõi được trọn vẹn hoạt động của từng đơn vị. Không giống như các show trước đây, chúng tôi nhận thấy năm nay các phòng demo sử dụng thiết bị nguồn analog khá nhiều, chiếm ưu thế hơn hẳn so với nguồn phát lossless. Bên cạnh đó, nhiều gian hàng bán đĩa nhựa (LP) mới và cũ cũng được tổ chức bán ngay trong triển lãm, luôn kín khách. Dưới đây là những hình ảnh và thông tin chính về cuộc triển lãm thiết bị nghe nhìn đang diễn ra tại Hong Kong.

Dòng người đổ về triển lãm từ sớm. Khu vực bán vé tập trung thành 8 quầy với giá vé 80 đô-la Hồng Kông/người, khoản 250.000 đồng.

Audio Technica xuất hiện với 2 dòng sản phẩm chủ lực là mâm đĩa nhựa – đầu kim và tai nghe.

Cambridge Audio trưng bày những model mới nhất. Trong hình là ampli mạch XD Azur 851 W.

Loa không dây Cambridge Audio AIR 200, một trong những sản phẩm chủ đạo trong dòng thiết bị nghe nhạc di động do hãng phát triển.

KEF LS50s, đôi loa monitor cho âm thanh chi tiết và tự nhiên, hợp với không gian nghe nhạc nhỏ hoặc nội thất hiện đại.

Sound Of String Audio, một trong những nhà phân phối lâu năm gắn với các thương hiệu ampli đèn như Synergistic Research, Canary.

JIB, hãng dây dẫn bình dân của Đức, sử dụng lớp giáp chống nhiễu da rắn và các đầu jack carbon.

Một phòng nghe “dã chiến” được dựng bằng các panel bột giấy có cửa bằng mành ni-lon dày điển hình.

Phòng nghe sử dụng loa Harbeth tham chiếu, chơi cùng ampli Sudgen. Âm thanh của cặp HL 30 (nhạc giao hưởng) hơi bó và gắt ở dải trên, có khả năng do set-up chưa ăn ý và gặp vấn đề về burn-in.

Đôi loa lớn Magico Q7 MK II chơi cùng bộ ampli và pre mono block của YS Sound có âm thanh dịu, mượt, bass mềm và gọn (với nhạc giao hưởng), nhưng bè dây còn thiếu độ tơi và chưa đúng âm sắc nhạc cụ. Toàn bộ hệ thống có giá trên 10 tỷ.

Hệ thống analog gồm mâm đĩa nhựa KRONOS, power mono block và pre MBS đánh cùng với loa B2. Nền âm tĩnh, chi tiết với dải cao đặc biệt xuất sắc.

Dynaudio XEO 2 được trưng bày như một cặp loa lifestyle, giải pháp đa năng lý tưởng cho những không gian sống hiện đại.

Những chiếc ampli đèn của Audio Valve để hở toàn bộ mạch và bóng đèn cho vẻ đẹp… lạ!

Master Dynamic thu hút nhiều khách tham quan trải nghiệm. Các dòng tai nghe của hãng đều có âm thanh tốt so với giá tiền, dải tần cân bằng, mượt và dễ nghe.

Khu vực bán phụ kiện cho đồ nghe nhạc di động với túi đựng DAP (máy nghe nhạc di động), túi đựng pin dự phòng…

Vỏ (chassic) của hộp cắm điện được gia công với chất lượng khá tốt do một công ty chuyên gia công chassic của Hồng Kông thực hiện. Giá không rẻ, như chiếc này có giá trên 200 USD.

Phòng nghe của Meyer Sound, một thương hiệu loa Pro. Hệ thống sử dụng nguồn phát nhạc từ CD và pre ampli của Accuphase. Âm thanh trung thực, không màu mè nhưng vẫn rất giàu nhạc tính. Bass đầy, tròn và gọn gàng. Giọng hát dày, có nội lực. Một cách chơi mới của audiophile: nghe nhạc bằng loa pro gắn sẵn ampli.

Ampli “siêu đắt” FM Acoustic của Thụy Sỹ ghép đôi cùng cặp loa màng gỗ. Âm thanh khá thất vọng, chỉ được dải trung âm ấm áp dễ nghe, từ trung cao trở lên có hiện tượng cứng và gắt.

Headamp của Bryston chơi những dòng tai nghe khó kéo như Audeze, Stax khá ổn. Độ động cao, sâu lắng, có cảm xúc.

Zu Definition MK IV ghép cùng bộ mono block 500 PA của Line Magnetic single end công suất lớn trên 300 watt/kênh. Âm thanh tốt đến ngạc nhiên. Dải trầm sâu, ấm áp, treble chi tiết nhưng không gắt. Đây là một trong những phối ghép tốt nhất mà chúng tôi từng nghe với loa Zu. Nghe có cảm giác gần với nhạc sống.

Estelon, một dòng loa hi-end đến từ đất nước Estonia, ghép với Chord. Âm thanh tốt ở dải cao. Trung âm và tiếng trầm chưa thật chi tiết, song có cảm giác hơi mỏng tiếng.

“Bộ sưu tập” ampli đèn rất đẹp của EAR Yoshino (Anh).

LoaTIDAL với 2 module Sunray G2 và 2 module woofer, ampli TIDAL Assoluta Monobloc Amps. Hệ thống chơi full-set với các thiết bị grounding (tiếp mát) của Entreq (Thụy Điển). Âm thanh sạch, sáng, chi tiết và âm hình tốt. Phòng nghe hơi nhỏ so với không gian ưa thích của một hệ thống lớn như thế này.

Hộp tiếp mass Telos 2 và Poseidon cùng chuột chống rung Vibbeater Maxi của Entreq. Muốn các thiết bị điện trong bộ dàn có được nguồn điện sạch và chính xác nhất, không thể thiếu khâu xử lý mass với những thiết bị kiểu như Entreq.

Các loại dây nối mass của Entreq có giá không hề dễ chịu, từ vài trăm USD cho tới gần 2.000 USD/sợi.

Nano Flex, series dây dẫn hi-end mới nhất của Furutech giá có thể lên tới trên 100 triệu đồng/sợi.

Thương hiệu của Pháp Focal chỉ trưng bày các model đầu bảng chứ không demo. Mỗi cặp loa mang một vẻ đẹp riêng, và đều cực kỳ hấp dẫn.

Bộ dàn toàn Audio Note từ nguồn phát tới loa. Âm thanh rất “bay”, ngọt và khá lọt tai.

Swiss Cable, một thương hiệu dây của Thụy Sĩ chuẩn bị vào Việt Nam.

Dàn loa và power ampli của Bryston. Âm thanh rõ ràng, mạch lạc, song vẫn thiếu sự uyển chuyển và biến hóa cần thiết.

Cặp loa lớn đầu bảng Aida của Sonus Faber được ghép với dàn ampli hạng nặng của McIntosh. Cuối tuần tới, cặp Aida đầu tiên tại Việt Nam cũng sẽ được Anh Duy Audio trình diễn ở Sài Gòn.

McIntosh MHA 100, ampli chuyên trị những dòng headphone “đỏng đảnh”.

Những cặp loa đến từ thương hiệu được giới audio kính trọng - Jean Merry Reynaud (Pháp). Rất tiếc, chỉ được bày chứ không demo.

Phối ghép giữa Avalon Indra Diamond và Jeff Rowland DEAMON sử dụng hộp tiếp mass của Entreq. Âm thanh trung tính, tự nhiên, không gây ấn tượng ngay lập tức, có thể nghe được lâu.

Dàn ampli Naim chơi cùng cặp loa Titan 808 có âm thanh khá nhanh, linh hoạt, độ bóc tách cao. Chơi đạt nhiều loại nhạc.

Một trong những dàn máy đắt tiền nhất show với Magico S7, nguồn phát DCS và khuếch đại của Constellations. Nhưng tất không dừng ở đó.

Hãy chú ý đến hệ thống dây nối OĐIN 2 dày đặc như mạng nhện phía sau dàn máy. Toàn bộ nhóm dây dẫn này có giá chừng 500.000 USD, cao hơn giá xuất xưởng của một số chiếc Rolls Royce!

Acoustics Harmony, một thương hiệu dây của Nhật Bản. Hình thức khá bắt mắt song không có phần demo.

Chiếc mâm đĩa Air Force One xứng đáng là một trong những kiệt tác âm thanh đương đại, từ thiết kế cho tới âm thanh. Cỗ máy này nặng tới 79 kg, sở hữu những công nghệ chân không tối tân nhất cho cho analog gồm trụ đỡ chân không và hệ thống treo chân không.

Ampli monobock Dartzeel NHB 458, “danh bất hư truyền”, tinh tế, sống động, kịch tính.

Hệ thống “toàn” Crystal, từ loa cho tới ampli và các loại dây dẫn. Âm thanh chi tiết, sắc sảo, thiên về dải cao.

Cặp Wilson Alexx chơi cùng dàn máy của Bouler gồm pre 2110, mono amplifier 2150, DAC 2120 sử dụng dây dẫn Transparent. Âm thanh đĩnh đạc, vững vàng nhưng không thiếu uyển chuyển. Mang dáng dấp của một hệ thống hi-end tham chiếu.

Cặp loa nhỏ Scanspeak MB1 (họ hàng với Raidho) cho âm thanh rất tốt, có nhiều điểm tương đồng với Raidho, đặc biệt ở khía cạnh âm hình, âm sắc, độ chi tiết và độ mở của tần số. Chỉ thua Raidho về độ tinh tế.