Sự phát triển về cấu hình phần cứng của những chiếc smartphone đã giúp cho trải nghiệm người dùng trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết, nhưng kéo theo ...

Sự phát triển về cấu hình phần cứng của những chiếc smartphone đã giúp cho trải nghiệm người dùng trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết, nhưng kéo theo đó cũng là những vấn đề nan giải mà các ông lớn vẫn chưa hề giải quyết triệt để được, nhất là nhiệt độ.

Hẳn là các bạn đã nghe thấy khá nhiều tin tức về các mẫu điện thoại bị quá tải nhiệt, điển hình là Xperia Z3+, One M9 hay LG G Flex2, và chúng đều là một trong những điểm trừ khiến nhiều người không còn muốn lựa chọn chúng nữa. Bên cạnh đó, kể cả với các mẫu máy khác không gặp tình trạng này quá nặng thì chắc chắn vẫn có thể bị nóng máy, gây cản trở trong quá trình sử dụng, nhất là hao pin nhanh. Dưới đây sẽ là một vào mẹo nhỏ để người dùng tránh được vấn đề, vừa giúp tăng tuổi thọ cho máy, vừa đỡ cảm thấy khó chịu trong mùa hè này.

SẠC PIN ĐÚNG CÁCH

Trong quá trình sạc, tốt nhất hãy gỡ bỏ ốp lưng hoặc case da ra khỏi thân máy và đặt điện thoại tránh xa những nguồn gây nóng. Pin sẽ bị giảm hiệu suất và tuổi thọ nếu chịu tác động của nhiệt quá nhiều, thậm chí trong một số trường hợp còn có thể gây nổ.

Bên cạnh đó, không nên để điện thoại sạc quá lâu vào ban ngày. Vì vậy tốt nhất chỉ nên sạc khoảng 70 đến 80% dung lượng pin vào ban ngày và để dành việc sạc đầy vào ban đêm.

KHÔNG SỬ DỤNG THIẾT BỊ KHI ĐANG SẠC PIN

Khi thiết bị đang trong tình trạng sạc pin thì không nên chạy các ứng dụng cần tiêu thụ năng lượng nhiều như: chơi game đồ họa nặng, hay xem phim HD… Bởi thiết bị trong quá trình sạc là cả một quá trình cần xử lý và máy có phần nóng, nếu bạn xem video hay lướt web thì sẽ cần tiêu thụ thêm một lượng lớn điện năng. Điều đó sẽ khiến bộ vi xử lý trở nên quá tài và đó chính là nguyên nhân là cho máy trở nên quá nóng.

LUÔN ĐỂ MÁY Ở NƠI THOÁNG MÁT KHI KHÔNG SỬ DỤNG

Trong một chiếc smartphone đã bật nguồn, hàng loạt linh kiện luôn ở tình trạng vận hành ngầm, nhằm đáp ứng được ngay những nhu cầu của người dùng. Điều đó khiến cho chúng luôn tỏa ra một nhiệt lượng khá cao, vì vậy người dùng cần đặt thiết bị của mình ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

Ngoài ra, khi đi ngoài trời nắng nóng quá lâu, nên để điện thoại trong ba-lô hoặc túi xách thay vì để trong túi quần, cốp xe. Bởi thiết bị sẽ chịu ảnh hưởng nhiệt độ rất lớn từ môi trường bên ngoài cũng như thân nhiệt của người dùng, gây ra các hỏng hóc như khung máy bị bẻ cong, pin và màn hình bị hỏng.

TẮT MẠNG 3G/4G KHI KHÔNG CẦN THIẾT

Một trong những lý do gây nóng cho điện thoại là sử dụng chế độ kết nối 3G/4G liên tục trong thời gian dài. Do đó, chỉ nên sử dụng kết nối này trong thời gian hợp lý, tìm các giải pháp kết nối mạng khác (như Wifi) để kiềm chế nhiệt độ máy và tiết kiệm pin.

Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng kết nối 3G/4G trong một thời gian dài, hãy chú ý phát hiện thời điểm máy bị quá nóng để tạm thời ngắt kết nối và đưa nó về trạng thái nghỉ. Làm như vậy các linh kiện bên trong được thoát nhiệt, đảm bảo độ bền cho điện thoại.

TẮT CÁC ỨNG DỤNG CHẠY NGẦM VÀ CÁC TÍNH NĂNG KHÔNG CẦN THIẾT

Quá nhiều ứng dụng chạy ngầm trong hệ thống cũng khiến smartphone trở nên ì ạch và nhanh nóng. Hãy rà soát lại những phần mềm không thường xuyên sử dụng, tắt bớt hoặc xóa chúng đi để có được trải nghiệm sử dụng tốt hơn.

Bên cạnh đó, Bluetooth và tính năng theo dõi vị trí GPS cũng là nguyên nhân khiến máy dễ nóng. Vì thế tốt nhất hãy tắt những tính năng này đi nếu bạn đang không thật sự cần dùng đến chúng.

KHÔNG NÊN DÙNG QUÁ NHIỀU ỨNG DỤNG MỘT LÚC

Các trò chơi và ứng dụng phát ra nhạc có thể rất thú vị nhưng chúng cũng ngốn khá nhiều pin của người dùng. Vì vậy, hạn chế tối thiểu việc sử dụng các ứng dụng này sẽ giúp bảo vệ pin cũng như khả năng phát nhiệt cho điện thoại của bạn, khiến chúng nóng lên rất nhanh.

SỬ DỤNG TRONG THỜI GIAN HỢP LÝ

Giống như mọi thiết bị điện tử khác, điện thoại cũng cần được nghỉ ngơi hợp lý sau nhiều giờ liên tục phục vụ các nhu cầu của người dùng. Vì vậy, hãy giới hạn tần suất sử dụng điện thoại hợp lý, để vừa giữ sức khỏe cho bản thân vừa đảm bảo cho smartphone khả năng vận hành bền bỉ, ổn định.

THAY THẾ PIN ĐÃ CŨ

Pin của smartphone thường chỉ có tuổi thọ nhất định, thông thường vòng đời của máy sẽ có thời gian từ 300 đến 500 chu kỳ sạc. Vậy nên người dùng cần thay thế pin cho chiếc điện thoại cũ của mình sau 1-2 năm sử dụng phù thuộc vào độ chai của nó, như thế vừa đảm bảo dung lượng pin dùng vừa đảm bảo mày không bị nóng và an toàn cho smartphone cũng như chính bản thân mình.

DÙNG ỐP LƯNG MÀU SÁNG

Ốp lưng màu đen rất đẹp và cá tính, tuy nhiên nếu dùng ốp lưng màu đen thì khi ra ngoài đường trời nắng sẽ khiến smartphone bị hấp thụ nhiệt nhanh hơn dẫn đến tình trạng quá tải nhiệt. Do đó, những ốp lưng sáng màu hoặc phản quang như ốp lưng mặt gương có thể phản quang lại ánh sáng mặt trời giúp nhiệt độ máy ít nóng hơn.

Theo: TechZ.