Từ hè năm ngoái, chiếc loa không dây của Devialet có tên Phantom đã bắt đầu được bày bán ở các cửa hàng Apple Store nhằm quảng bá những công ...
Từ hè năm ngoái, chiếc loa không dây của Devialet có tên Phantom đã bắt đầu được bày bán ở các cửa hàng Apple Store nhằm quảng bá những công nghệ mà hãng phát triển. Chiếc loa này có chất lượng âm thanh cao, âm lượng đạt ngưỡng 90dB và thiết kế lạ mắt, chẳng khác nào một món đồ trong các tựa phim viễn tưởng.
Các thành phần của Devialet Phantom.
Thực tế, đó chưa phải tất cả những gì công ty công nghệ trụ sở tại Pháp muốn đưa ra thị trường. CEO của Devialet, ông Quentin Sannié mới đây đã chia sẻ tham vọng của họ trong thời gian sắp tới, đó là đưa được những công nghệ của hãng vào tất cả các sản phẩm điện tử có sử dụng âm thanh, từ điện thoại, TV, loa cho tới ô tô nữa.
Chiếc loa Phantom được hãng tích hợp 2 công nghệ chính, một là Speaker Active Matching (SAM) và Analog Digital Hybrid (ADH).
SAM là công nghệ phần mềm có thể tích hợp vào bất kì hệ thống loa nào, từ nhỏ cho tới lớn và sẽ cải thiện âm thanh rõ rệt cho hàng trăm loại sản phẩm khác nhau bằng cách đo đạc cách mà các driver loa hoạt động rồi tạo ra một chương trình tính toán và điều khiển riêng. Cách nhà sản xuất muốn tích hợp công nghệ này vào thiết bị của mình chỉ cần đưa máy mẫu tới cơ sở của Devialet để thực hiện quá trình đo đạc trong khoảng 10 phút, sử dụng các công cụ dựa vào laser do chính họ phát triển.
CEO của Devialet hứa hẹn, SAM sẽ cho phép các loa tạo ra những tần số vượt khỏi ngưỡng ban đầu của nó mà không phải thêm bớt phần cứng, thậm chí là lọc tiếng ồn mà không cần có Subwoofer. Chiếc loa Phantom hoàn toàn có thể làm được điều này, dù driver của nó có kích thước khá nhỏ, trong khi các âm cao thì không hề bị vỡ hay méo khi mở mức âm lượng cao nhất.
Devialet khẳng định các nhà cung cấp dịch vụ streaming cũng có thể áp dụng các thuật toán này trước khi gửi dữ liệu tới người dùng, và người dùng cũng có thể thông báo loại loa hay tai nghe đang sử dụng để hãng cân chỉnh âm thanh lại sao cho phù hợp nhất.
Chip DAC ADH của Devialet.
Về phần ADH, đây là một chip DAC lai đặc biệt, phù hợp với các thiết bị cỡ lớn như TV hay dàn âm thanh trong ô tô. Nó có toàn bộ những điểm cộng của cả Âm li hạng A lẫn Âm li hạng D, cụ thể là công suất ca và ít tỏa nhiệt, ít méo tiếng. Chiếc loa Phantom được trang bị tới 2 chip ADH để đạt được mức âm lượng tuyệt đỉnh mà không lo bị ảnh hưởng tới chất âm. Các sản phẩm TV cần khoảng 1 năm để hoàn thiện khâu tích hợp và tinh chỉnh ADH, trong khi các mẫu ô tô thì cần lâu hơn 1 chút.
Công nghệ tuyệt vời và giấc mơ trở thành "Dolby thứ 2"
Hiện tại, tất cả các nhà đầu tư của Devialet đều ở Pháp, và dù điều này mới chỉ đủ để giúp hãng chuyển dần thành một công ty tập trung vào phần mềm, nhưng CEO Sanníe đã tỏ rõ tham vọng muốn tìm kiếm thêm các nguồn vốn từ Mỹ và đưa công nghệ của họ lên nhiều sản phẩm điện tử trên toàn thế giới hơn.
Mới chỉ 4 năm tuổi, kém xa so với Dolby nhưng tham vọng của cả 2 đều rất giống nhau. Họ đều muốn được phép tích hợp công nghệ của mình vào các sản phẩm điện tử với độ phủ sóng càng rộng càng tốt nhằm mang lại trải nghiệm âm thanh tốt nhất có thể tới người dùng ở bất kì đâu trên thế giới.