Sự kiện Google I/O thường niên sẽ được tổ chức vào 18/5 tới, và tại đây, các lập trình viên của hãng sẽ được dịp khoe về những dự án ...
Sự kiện Google I/O thường niên sẽ được tổ chức vào 18/5 tới, và tại đây, các lập trình viên của hãng sẽ được dịp khoe về những dự án phần cứng và phần mềm mà họ phát triển trong nhiều năm qua. Hãy cùng điểm qua một vài công nghệ và thiết bị đáng quan tâm mà sẽ ra mắt trong 2 ngày tới.
Android VR
Không chỉ là kính thực tế ảo kiểu như Google Cardboard, nhiều người đang kì vọng Google sẽ tung ra cả một nền tảng dành cho VR. Những thiết bị sử dụng nền tảng này sẽ hoạt động độc lập, có màn hình và vi xử lý riêng không cần tới điện thoại, nhưng đáng tiếc là sẽ yếu hơn kha khá so với các sản phẩn VR khác như Oculus hay HTC Vive.
Tuy nhiên, vì Google vẫn luôn hướng tới tính di động nên điều này hoàn toàn có thể hiểu được, trong khi nếu "xịn" hơn thì giá lại phải cao hơn, đồng nghĩa với việc kén chọn người dùng hơn, khó có thể bán ra rộng rãi - điều trái ngược với những gì mà Google hướng tới.
Android N
Cũng như cập nhật iOS, người dùng trên toàn thế giới luôn mong chờ các bản cập nhật Android mới, vừa để có thêm tính năng mà cũng vừa để không cảm thấy "lỗi thời". Hiện tại, Android N đã được thử nghiệm trên các mẫu Nexus mới và Xperia Z3, nhưng phải tới Google I/O thì nó mới được cung cấp rộng rãi hơn, đồng thời cũng ổn định hơn sau 1 thời gian vá lỗi.
Hiện tại, Android N còn chưa có tên và mã số chính thức. Nhiều người cho rằng nó sẽ có mã là Android 7.0, và tên đang được gọi trong nội bộ Google là New York Cheese Cake - một loại bánh phô mai phổ biến tại Mỹ. Hy vọng rằng hãng sẽ chọn lấy một cái tên nào đó ngắn ngọn, dễ đọc và phổ biến hơn nữa.
Chrome OS
Phiên bản mới của Chrome OS đang được kì vọng sẽ là sự giao thoa mạnh mẽ với nền tảng Android. Cụ thể, nhiều khả năng máy tính chạy Chrome OS sẽ có thể sử dụng được các ứng dụng Android, đồng thời tích hợp sẵn kho ứng dụng Google Play Store. Điều này chắc chắn sẽ giúp dòng máy tính Chromebook cạnh tranh tốt hơn với máy tính Windows ở phân khúc giá rẻ.
Project Ara và Tango
2 cái tên này đã xuất hiện từ lâu mà vẫn chưa thực sự được đưa ra thị trường, phần lớn là do vẫn chưa được hoàn thiện về mặt công nghệ, đồng thời cũng không có nhiều tính ứng dụng ở thời điểm hiện tại.
Project Ara - hay còn gọi là smartphone lắp ghép, từng được lên kế hoạch để bán ra vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016, nhưng vì Google nhận thấy chúng có vấn đề về kết nối giữa các mô đun nên lại tiếp tục rời lại vô thời hạn.
Về phần Project Tango, hiện đã có vài thiết bị sử dụng công nghệ camera đa cảm biến để nhận diện chiều sâu hình ảnh, rất hiệu quả trong việc ghi lại chính xác mô hình 3D của một môi trường nào đó, nhưng với người dùng thông thường thì nó lại không tỏ ra hữu ích cho lắm.
Google Glass?
Dự án này đã có 2 đời sản phẩm, nhưng cả 2 đều chưa nhận được sự ưu ái từ cộng đồng. Phần lớn vấn đề nằm ở sự "kì thị" của người tiêu dùng với một thiết bị có phần quá "viễn tưởng". Họ sẽ chẳng quan tâm lắm là nó tốt đến mức nào, nhưng việc đeo một chiếc kính hình thù quá gở lên mặt, nhìn ngó lung tung và nói lảm nhảm 1 mình đã khó có thể làm người ta hứng thú chứ chưa nói tới mức giá "không tưởng".
Project Chirp
Hầu hết những cái tên phía trên đều khá quen thuộc rồi, và Project Chirp sẽ là một trong số ít những cái tên mới mẻ mà Google muốn đưa ra. Tuy nhiên, về cách hoạt động thì nó lại không mới chút nào. Nếu bạn đã biết tới chiếc loa thông minh Amazon Echo thì sẽ không có gì lạ lẫm với Google Chirp. Cả hai đều là những trợ lý ảo, "sống" trong những chiếc loa và giúp bạn xem thông tin thời tiết, chơi nhạc, mua đồ online...