Tiếp tục loạt bài về mẫu DI Box giá rẻ này, hôm nay chúng ta sẽ cùng thử xem liệu với số tiền ít ỏi này, liệu sản phẩm có ...

Tiếp tục loạt bài về mẫu DI Box giá rẻ này, hôm nay chúng ta sẽ cùng thử xem liệu với số tiền ít ỏi này, liệu sản phẩm có được đảm bảo về chất lượng sau khi sử dụng trong một thời gian dài hay không ? Như các bạn đã biết từ bài trên tay nhanh trước đó, Caline CP-23 là một chiếc DI Box có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau quá trình tiếp xúc bề ngoài và mở hộp ban đầu, CP-23 đã phần nào thể hiện sự gọn gàng, chắc chắn và thậm chí đem lại cảm giác tương đối tin cậy cho người dùng.

Tuy nhiên liệu những điều này có còn giữ được cho tới khi chúng ta khám phá cấu tạo và chất lượng gia công phần cứng bên trong không ? Hãy cùng chúng tôi xem xét ngay bây giờ.

Để bắt đầu, cần tháo 4 con ốc cố định phần nắp đậy phía dưới đáy hộp. Sau khi tháo, ngay lập tức ta đã có thể nhấc lên và thấy toàn bộ PCB chính và các linh kiện lộ ra trước mắt.

Dễ thấy rằng toàn bộ các linh kiện trên board được hàn lên mạch hoàn toàn thủ công, do vậy sẽ vẫn để lại một chút "vết tích" của phần flux hàn còn sót lại. Đầu cắm pin 9V được hàn và cố định bằng keo silicon khá sơ sài, do vậy người dùng sẽ cần nhẹ tay một chút nếu như không muốn các dây này bị sút hoặc bong ra khỏi mối hàn.

Tương tự như nhiều thiết bị khác, board mạch chính của chiếc DI Box này được gắn cố định vào enclosure thông qua các đai ốc cố định các cổng cắm.

Do vậy, chúng ta sẽ cần tháo rời hết toàn bộ 3 cổng cắm 6.3mm này để có thể nhấc được board mạch chính lên.

Bộ ba ốc cố định cổng 6.3mm sau khi được tháo rời.

Tiếp tục tháo hai ốc cố định cổng XLR đầu ra.

Sau khi đã hoàn tất, ta có thể nhấc rời bo mạch chính ra khỏi vỏ.

Cụm cổng XLR & công tắc Ground Lift được câu dây hàn trực tiếp vào bo mạch, do vậy người dùng sẽ cần phải có mỏ hàn mới có thể gỡ hoàn toàn bo mạch chính ra ngoài.

Toàn cảnh mặt gắn linh kiện của bo mạch chính. Có thể thấy Caline CP-23 được thiết kế dưới dạng không dùng biến áp (transformerless DI) như thường thấy.

Thay vào đó, nó sử dụng Tl074 - IC 4 opamp dạng JFET input để có thể làm việc tốt với cả những nguồn đầu vào có trở kháng cao. Thông thường những thiết bị transformerless DI sẽ cho chất lượng âm thanh có phần nhỉnh hơn một chút so với các loại passive DI khác sử dụng biến áp rẻ tiền cùng tầm.

Bù lại, khả năng cách ly khỏi các vấn đề về nhiễu RF sẽ kém hơn tương đối nhiều so với việc sử dụng biến áp. Bên cạnh đó âm thanh xuất ra cũng ít nhiều sẽ bị "colored" bởi bản thân các linh kiện trong mạch. Các linh kiện sử dụng trên board đều chỉ là loại bình thường để giảm giá thành.

Cụm công tắc Ground Lift của máy.