Đối với nhiều người, đồ công nghệ giống như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng việc họ có hiểu rõ về chúng không thì lại là ...
Đối với nhiều người, đồ công nghệ giống như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng việc họ có hiểu rõ về chúng không thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Dưới đây là 8 lầm tưởng dễ thấy nhất của người dùng về các thiết bị điện tử thông dụng.
Máy tính Mac không thể nhiễm virus
Do sự "đóng" của nền tảng OS X, nhiều người nghĩ rằng chúng miễn nhiễm hoàn toàn với các loại virus, mã độc hay malware. Tuy nhiên, vào năm 2012, một phần mềm Trojan đã tấn công và gây ảnh hưởng tới hàng nghìn chiếc máy tính Mac.
Chế độ Ẩn danh khi duyệt web có thể giúp bạn "ẩn danh" hoàn toàn
Chế độ này trên các trình duyệt phổ biến như Google Chrome hay Safari chỉ đơn giản là không lưu lại lịch sử web và tạm thời tắt truy cập vào các trang web trước đó chứ không hề biến bạn thành "người vô hình" đối với các công cụ theo dõi từ bên ngoài.
Để pin điện thoại cạn hẳn mới sạc
Điều này không những sai, mà nó còn ngược hoàn toàn so với những gì các nhà khoa học khuyên nhủ. Cụ thể, hiệu quả hoạt động của loại pin Li-ion đạt mức cao nhất ở khoảng dung lượng từ 40% đến 80%, nghĩa là bạn nên sạc từ khi nó còn khoảng 1 nửa cho tới khi gần đây thì rút sạc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cứ sạc đầy hẳn 100% hay để cạn dưới 40% thì pin cũng bị ảnh hưởng.
Camera càng "nhiều chấm" chụp càng đẹp
Nhầm lẫn này hiện đã không còn xảy ra nhiều như trong khoảng 5 - 10 năm trước. Hiện tại, các mẫu smartphone cao cấp nhất thường có camera từ 8 - 16 "chấm", và chất lượng của chúng không hề phụ thuộc vào con số này. Chính xác hơn thì độ phân giải lớn chỉ giúp ảnh của bạn có kích thước lớn hơn khi xem lại trên màn hình hoặc khi in và độ chi tiết cao hơn (tới một giới hạn nhất định). Nếu có cùng kích thước cảm biến, độ phân giải cao sẽđồng nghĩa với điểm ảnh nhỏ, và điều này sẽ làm giảm khả năng thu sáng của chúng, dẫn đến các vấn đề khác như nhiều nhiễu hạt hơn, ít nhạy sáng hơn và màu sắc kém chính xác hơn. Hiện tại, các nhà sản xuất đang cố gắng đưa thêm các công nghệ phụ trợ vào camera cho smartphone như lấy nét lai, lấy nét laser, chống rung quang học...
Màn hình độ phân giải càng cao càng tốt
Ở khoảng cách thông thường, mắt con người chỉ có thể nhận ra từng điểm ảnh với mật độ dưới 300ppi (số điểm ảnh trên 1 inch vuông). Giống như Apple từng nói, công nghệ màn hình "Retina" của chiếc iPhone 4 và 4S cũng đã là đủ để chúng ta trải nghiệm hình ảnh một cách tuyệt vời rồi. Xu hướng tăng độ phân giải hiện nay không thực sự tỏ ra hiệu quả trong quá trình sử dụng thông thường, nhưng vì người ta lại đang kì vọng rất nhiều vào các loại kính thực tế ảo, vốn yêu cầu màn hình độ phân giải siêu cao để cho trải nghiệm "thật" hơn, nên việc các mẫu smartphone có màn hình 4K ra mắt cũng sẽ sớm trở thành điều "quá là bình thường luôn".
Có thể sạc iPhone bằng củ sạc iPad
Trang web của Apple có ghi rõ người dùng có thể sử dụng các củ sạc của iPad để sạc cho iPhone, nhưng theo nhiều chuyên gia công nghệ, việc sử dụng thường xuyên trong thời gian dài có thể gây áp lực không đáng có lên pin iPhone, dễ làm giảm hiệu suất hoạt động của pin, dù điều này chỉ thể hiện rõ sau khoảng 1 năm hoặc lâu hơn.
Sóng điện thoại có thể gây ung thư
Đúng là sóng vô tuyến phát ra từ các thiết bị di động có thể gây ảnh hưởng tới não bộ nếu tiếp xúc quá gần trong thời gian dài, nhưng Viện Ung thư Mỹ đã khẳng định rằng không hề có bất kì chứng cứ cụ thể nào về việc chúng có thể gây ra ung thư ở người.
"Căng vạch sóng" thì chất lượng cũng "căng"
Giống như Wifi, việc bạn thấy máy hiển thị đầy vạch sóng không đồng nghĩa với chất lượng sóng tốt hay không. Nó chỉ hiển thị độ ổn định của kết nối giữa điện thoại và trạm thu sóng gần nhất, trong khi chất lượng và tốc độ mạng lại phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác, ví dụ như số lượng người dùng đang truy cập cùng lúc với bạn.