Xứ sở sương mù là một trong các cái nôi của những thương hiệu âm thanh nổi tiếng nhất thế giới với triết lý và bản sắc thiết kế riêng được giới audiophile nể trọng. Dưới đây là những cặp loa có xuất xứ từ Vương Quốc Anh được giới chuyên môn đánh giá cao nhất về cả khả năng trình diễn âm thanh và màu sắc thiết kế, không phân biệt phân khúc hay kích thước loa.
Phần 1 – Những cặp loa ra đời trước năm 2000
Wharfedale Diamond I (1982)
Hoàn toàn không ngoa khi nhận định rằng dòng loa Wharfedale Diamond chính là hạt giống, là nền móng xây dựng nên thương hiệu loa vĩ đại nhất mọi thời đại Wharfedale. Nếu như thời nay, loa có vô vàn hình dạng và kích thước thì cặp loa cổ này chỉ cao có 24cm, được thiết kế dành riêng cho không gian nhỏ. Wharfedale Diamond I sở hữu dải trung và dải trầm cực kỳ ấn tượng, vượt xa các dòng loa tầm trung khác. Tuy nhiên, Diamond I lại khá kén chọn ampli, và thường trình diễn tốt hơn nếu được phối ghép với những bộ ampli đăt đỏ.
Heybrook HB1 (1983)
Heybrook là thương hiệu hi-fi của Anh ra đời vào năm 1978, được đặt tên theo Vịnh Heybrook (nằm ngay sát nhà máy đầu tiên của hãng), thuộc hạt Devon ở miền Tây Nam nước Anh. Heybrook có khởi đầu hết sức thuận lợi, khi được đích thân Peter Comeau - một trong những đôi tay vàng trong làng thiết kế loa thiết kế. Có lẽ cũng chính nhờ yếu tố này mà dòng loa giá rẻ HB1 đã rinh tới 3 giải thưởng danh giá từ tạp chí What Hifi? ở thời điểm mới ra mắt.
Thuộc dạng loa thùng kín với thiết kế vỏ rất đỗi sang trọng, tinh tế và sở hữu chất “giọng” khỏe khoắn, năng động, HB1 chính là minh chứng điển hình cho dòng loa giá rẻ có khả năng trình diễn ăn đứt nhiều cặp loa ở phân khúc cao cấp hơn.
Acoustic Energy AE1 (1988)
Dòng AE1 của Acoustic Energy cũng là dòng loa nhỏ gọn nhưng khả năng chơi nhạc táo bạo, tầm cỡ hơn nhiều so với kích thước nhờ củ loa bằng kim loại vốn dĩ rất hiếm thời bấy giờ. AE1 chính vì thế mà trở thành cặp loa được ưa chuộng qua nhiều thập kỷ và trở thành nguồn cảm hứng, đặt nền móng cho sự ra đời của một trong những dòng loa active xuất sắc nhất hiện nay là dòng AE1 Active.
Epos ES11 (1991)
Cùng triết lý âm thanh với dòng loa huyền thoại ES14, song ES11 của Epos ra mắt với mức giá hấp dẫn hơn nhiều mà vẫn đủ để tạo tiếng vang suốt những năm 1990. Thấm nhuần bản sắc đặc trưng của thương hiệu Epos nên ES11 có dải tần cực thấp, góp phần tạo nên những âm trầm chắc nịch, khỏe khoắn với thanh âm chi tiết, sắc nét.
ES11 không quá phô trương về ngoại hình song có thể truyền tải đầy đủ và chính xác những màu sắc thanh âm mà một bản nhạc cần có.
Monitor Audio Studio 20 (1992)
Ra mắt năm 1992, dòng loa Studio 20 của Monitor Audio được đánh giá là một trong những cặp loa có chất âm chi tiết nhất lúc bấy giờ. Mặc dù khá cầu kỳ và kén chọn trong phối ghép, song quả thực, cặp loa này có lối trình diễn âm thanh rất ấn tượng và sở hữu thiết kế hết sức tinh xảo.
Đó cũng là lý do mà hậu duệ của cặp loa này, dòng Studio 20 SE, ra mắt chỉ vài năm sau đó và trở thành cặp loa tham chiếu cho nhiều tạp chí âm thanh uy tín trên thế giới, trong đó có What Hifi?
Mission 753 (1992)
Đây là dòng loa đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của hãng Mission, tiên phong cho thiết kế chân đế nhỏ gọn, được ví von so sánh với đế giày trượt băng. Mission 753 giống như bàn tiệc âm thanh đầy khoa trương với nhiều món ngon thượng hạng như 4 củ loa đường kính 13cm (hai loa mid, hai loa bass) và một loa tweeter hình nón cổ điển đường kính 25cm. Thời thượng và đẳng cấp là những mỹ từ dành cho cặp loa Mission 753 thời bấy giờ, do thiết kế tinh xảo cùng chất âm trong trẻo và chi tiết có thể chơi tốt bất cứ bản nhạc nào.
Tannoy Mercury M2 (1997)
Ngay từ thời điểm mới ra mắt vào cuối thập niên 1990, Tannoy Mercury M2 đã lập tức tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường loa stand-mount. Ngoài khả năng truyền tải âm thanh ấn tượng, hài hòa ở tất cả các dải tần, Mercury M2 còn chứng tỏ là cặp loa “quốc dân” khi có thể phối ghép với nhiều hệ thống âm thanh khác nhau mà vẫn đảm bảo chất âm sắc nét.
Wilson Benesch A.C.T One (1999)
5 năm sau khi trình làng sản phẩm đầu tiên của hãng là đầu đĩa than Wilson Benesch, thương hiệu này tiếp tục cho ra mắt cặp loa A.C.T One tại Triển lãm High End Frankfurt 1994 và trở thành cặp loa cột đầu tiên trên thế giới sử dụng tấm ốp uốn cong làm từ sợi carbon trong thiết kế. Sợi carbon về sau cũng trở thành chất liệu chính được ứng dụng trong hầu hết các dòng sản phẩm của Wilson Benesch.
Theo What Hi-Fi? (Còn tiếp)