VNAV SUMO Contest 2019: Cuộc tranh tài của các ampli đèn DIY Việt Nam
- 0
-
0chia sẻ
-
Vào ngày 14/12/2019 vừa qua, ban quản trị diễn đàn Mạng Nghe nhìn Việt Nam, viết tắt là VNAV, đã tổ chức cuộc thi thường niên VNAV SUMO Contest 2019 tại trung tâm hội nghị Forevermark - Số 614 Lạc Long Quân, Quận Tây Hồ, Hà Nội với sự tham gia tranh tài của nhiều mẫu ampli đèn công suất lớn do cộng đồng thành viên tự lắp ráp.
Được biết, SUMO Contest là hoạt động thường niên có quy mô lớn nhất trong các sự kiện giao lưu, quảng bá thú chơi tự ráp các thiết bị âm thanh trong cộng đồng thành viên của diễn đàn trực tuyến VNAV. Các sản phẩm tham dự cuộc thi này phải là những mẫu ampli được lắp thủ công (hay ampli DIY) tại Việt Nam, sử dụng bóng đèn điện tử công suất lớn.
Trong cuộc thi năm nay, có đến 18 mẫu ampli đèn DIY tham dự và hầu hết đều sử dụng bóng công suất "transmitting" thông dụng như 845, 805, GM70, 833, 810. Bên cạnh đó cũng xuất hiện một số sản phẩm sử dụng bóng “độc” như GMI 30, 5D22, 8165… Trong số các ampli dự thi, có một số là sản phẩm của các “bang”, “hội” trên VNAV, thể hiện sự chung sức của một nhóm, cộng đồng nhỏ. Sơ bộ qua đánh giá mạch điện của các "thí sinh", có thể thấy một bước tiến về mặt kỹ thuật của các sản phẩm tham dự SUMO Contest năm nay.
Theo quy định từ ban tổ chức, ampli thiết kế theo mạch single-end phải sử dụng bóng công suất có mức tiêu tán của mỗi bóng tối thiểu là 70W, đạt công suất hiệu dụng của amplii là từ 15W trở lên. Đối với ampli dự thi lắp theo mạch đẩy kéo (push- pull), yêu cầu công suất tiêu tán mỗi bóng tối thiểu phải là 50W và đạt công suất hiệu dụng của ampli là từ 50W trở lên.
Chính vì quy định ngặt nghèo như vậy nên cuộc thi SUMO Contest của diễn đàn VNAV chỉ dành cho những người có kinh nghiệm lâu năm về lắp ráp ampli đèn điện tử, bởi chế tạo loại ampli này không chỉ đòi hỏi kiến thức, tay nghề mà còn cả lòng dũng cảm và sự đầu tư nghiêm túc. Đa phần bóng đèn điện tử có công suất lớn trước đây được chế tạo chủ yếu sử dụng trong ngành công nghiệp truyền thanh hoặc dùng cho mục đích quốc phòng, đòi hỏi điện áp hoạt động rất cao và có dòng anode lớn, dẫn tới việc thiết kế nguồn, mạch điện và biến thế xuất âm phức tạp hơn nhiều lần so với các loại bóng thông dụng.
Bù lại thì những ampli “SUMO” dạng này đều có âm thanh rất xuất sắc, uy lực, mạnh mẽ và truyền cảm, dễ dàng chinh phục các loại loa khó tính. Vì thế, cứ mỗi dịp diễn đàn VNAV tổ chức SUMO Contest, các anh tài trong cả nước đều rất háo hức với cơ hội để phô diễn trình độ kỹ thuật ở sự kiện đỉnh cao này.
Sau phần đo kiểm, các sản phẩm ampli đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật sẽ tham dự cuộc thi test đánh giá chất lượng âm thanh qua hình thức “test mù”, tức là người nghe không biết được ampli nào đang trình diễn. Chấm điểm cho phần thi này là một ban giám khảo chuyên nghiệp 3 người, kết hợp với một hội đồng thẩm định khác gồm 6 người được lựa chọn trực tiếp tại cuộc thi. Kết quả tổng hợp phần chấm điểm này sẽ lựa chọn ra các ampli có chất lượng âm thanh xuất sắc nhất và các ampli có thông số kỹ thuật tốt nhất, kỹ thuật thi công tốt nhất, hình thức sản phẩm đẹp nhất.
Các bài test sử dụng trong kỳ contest được trích từ
1 - Dies Irae - Leontyne Price, José Van Dam, Etc., Georg Solti; Chicago Symphony Orchestra & Chorus - Verdi: Requiem – 1977
2 - J'ai deux amours - Chantal Chamberland - Soirée - 2014
Kết quả
Giải nhất thuộc về Ampli 833SE - Nhóm Phú Nhuận FC
Giải nhì thuộc về Ampli 813PP - Thành viên Metalhead đến từ Hà nội
Giải ba thuộc về Ampli GMI-30 SE - Tú Audio1973 đến từ thành phố Nam định
Bộ dàn tham chiếu được sử dụng để đánh giá chất lượng ampli tại SUMO Contest 2019 là các thiết bị đạt đẳng cấp hi-end do nhà phân phối Công Audio hỗ trợ, trong đó có bộ loa kèn 3 đường tiếng Acapella High Cellini có giá bán khoảng 1,5 tỷ đồng.
Sau cuộc thi, diễn đàn VNAV tổ chức buổi Gala giao lưu nhân dịp 14 năm thành lập diễn đàn (2005-2019).
Một số hình ảnh tại VNAV SUMO Contest 2019
Nguồn: VNAV
Châu Bùi
Bình luận