Ngày 6 tháng 5 năm 2018, giới yêu nhạc sẽ có dịp thưởng thức một chương trình biểu diễn đặc biệt với sự kết hợp lần đầu tiên trên sân khấu của hai nghệ sĩ đẳng cấp cao trong thể loại jazz-fusion-world music: Bậc thầy guitar người Pháp gốc Việt Nguyên Lê và nghệ sĩ saxophone hàng đầu Việt Nam Trần Mạnh Tuấn.
Đây là buổi hòa nhạc đã được chờ đợi từ lâu bởi cả Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn đều đã là những nghệ sĩ tiên phong sáng tạo trong âm nhạc và đã vượt ra khỏi những ranh giới thể loại từ lâu để tạo ra những tác phẩm khiến giới mộ điệu kinh ngạc về sự kết hợp tài tình những chất liệu âm nhạc phong phú từ nhiều miền đất trên thế giới. Mỗi nghệ sĩ đều có lịch sử biểu diễn đáng tự hào với những chuyến lưu diễn nhiều quốc gia, kết hợp với nhiều nghệ sĩ danh tiếng, cùng những album mang tính khai phá tạo ra những xu hướng mới trong âm nhạc. Và đây là lần đầu tiên họ cùng đứng chung một buổi hòa nhạc của riêng hai người.
Nhạc sĩ Nguyên Lê là một trong những guitarist tài năng và được khen ngợi bậc nhất thế giới trong nhiều năm qua. Anh sinh ra và lớn lên tại Pháp với cha mẹ là những trí thức người Việt. Tuy nhiên, khi khởi đầu sự nghiệp âm nhạc, yếu tố Việt Nam chưa phải là một ưu tiên lựa chọn của anh. Nhưng vào năm 1996, những gì thuộc về căn tính Việt trong anh đã được anh đưa vào một album có thể coi là bước ngoặt, một tác phẩm để đời, một magnum-opus của mình: Album Tales From Viêt-Nam, với sự pha trộn độc đáo những giai điệu, những bài hát dân gian Việt Nam với tài diễn tấu nhạc jazz đẳng cấp cao.
Những âm thanh đầy mới lạ và độc đáo của album này đã khiến khán giả quốc tế sửng sốt và càng thêm thán phục tài năng của Nguyên Lê. Album này cũng mở đầu cho cuộc hành trình về nguồn của Nguyên Lê với hàng loạt album tiếp nối được lấy cảm hứng từ nhạc cổ truyền Việt Nam và các nước phương Đông. Cũng từ những sản phẩm âm nhạc này mà khái niệm và thể loại World Jazz dần hình thành, chỉ dòng nhạc lấy nền tảng là jazz mà pha trộn vào đó các yếu tố âm nhạc mang tính bản địa của những vùng đất xa xôi trên thế giới. Album mới nhất của Nguyên Lê là Hà-Nội Duo, một kết hợp thú vị với nghệ sĩ đa tài Ngô Hồng Quang.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trưởng thành trong một gia đình Hà Nội gốc có truyền thống nghệ thuật. Ở tuổi thiếu niên, anh đã bắt đầu biểu diễn cùng các đoàn cải lương Bắc. Những âm điệu dân gian ngấm vào anh từ khi còn nhỏ đã trở thành một gia tài, một cái vốn lớn cho Trần Mạnh Tuấn trong sự nghiệp biểu diễn sau này.
Sau khi đã rất thành công khi tham gia những ban nhạc pop và jazz nổi bật hàng đầu, và sở hữu những album hòa tấu bán chạy bậc nhất tại thị trường Việt Nam, Trần Mạnh Tuấn đã sẵn sàng cho một bước đột phá trong sự nghiệp, và điều này đã mở đường để âm nhạc của anh vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Vào năm 2006, 10 năm sau khi Nguyên Lê gây chấn động với album Tales From Viêt-Nam, Trần Mạnh Tuấn cho ra mắt album Ru Rừng, một đĩa nhạc độc đáo và lạ lùng nhất ở Việt Nam khi đó. Những âm hưởng kỳ bí của núi rừng được đưa vào một album jazz fusion mang đầy tính khai phá. Phải nhiều năm sau, khán giả và cả giới âm nhạc mới đánh giá được đúng giá trị mà album này đã tạo ra, trong khi đó, âm nhạc của Ru Rừng đã đến với khán giả khắp nơi trên thế giới qua các kênh phát hành âm nhạc cùng những chuyến lưu diễn của Trần Mạnh Tuấn. Và bản thân Trần Mạnh Tuấn cũng không giới hạn mình với cây kèn saxophone. Anh có thể biểu diễn hàng chục loại nhạc cụ kèn sáo hay bộ gõ… đến từ những miền đất lạ lẫm.
10 năm sau Ru Rừng, Trần Mạnh Tuấn tiếp nối mạch cảm xúc và phong cách world music của mình với một album cầu kỳ hơn về sản xuất âm nhạc và phong phú hơn về màu sắc âm thanh - album Thằng Cuội. Cùng với những album bán chạy khác của anh, Ru Rừng và Thằng Cuội là 2 thành tựu đáng tự hào của không chỉ riêng Trần Mạnh Tuấn mà còn cả với âm nhạc Việt Nam bởi đã đưa những âm thanh tinh túy nhất của nhạc Việt hòa nhập với các dòng nhạc thế giới, và cũng như Nguyên Lê đã làm với các album của mình, Trần Mạnh Tuấn đưa nhạc dân gian Việt Nam vào một chỗ đứng trang trọng trong dòng chảy âm nhạc nhân loại.
Cả hai nghệ sĩ, với hai không gian sống và làm việc khác nhau, đã tình cờ gặp nhau trên con đường sáng tạo với nền tảng là di sản âm nhạc truyền thống quý báu của Việt Nam. Và sau những cuộc gặp gỡ bên lề, những lần tán thưởng tài năng của nhau, nay đã tới lúc họ cùng đứng trên một sân khấu với nhau trong một buổi biểu diễn của riêng hai người. Đó sẽ là một không gian âm nhạc tuyệt vời để Đông và Tây cùng hội ngộ, để những âm hưởng Đông phương vang lên đẹp đẽ và mới lạ, độc đáo.
Chương trình biểu diễn của Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn mang tên Âm Hưởng Đông Phương - The Oriental Moods sẽ đưa khán giả vào một cuộc hành trình âm nhạc kỳ thú khám phá những nguồn cội văn hóa dân gian Việt Nam qua những bài dân ca nổi tiếng, để rồi khán giả sẽ thấy âm nhạc Việt Nam đã hòa trộn với truyền thống âm nhạc phương Đông ra sao trước khi có những sự gặp gỡ, giao thoa đầy quyến rũ, mê hoặc với âm nhạc phương Tây, đúng như con đường âm nhạc mà Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn đã đi.
Những bài dân ca Việt Nam quen thuộc như Người Ơi Người Ở Đừng Về, Qua Cầu Gió Bay… hay những tác phẩm do Trần Mạnh Tuấn sáng tác mang âm hưởng dân ca như Sen, Sương Sớm, Hội Làng, Thằng Cuội, Gọi Bạn, Bướm Mơ... sẽ vang lên đầy mới lạ với kỹ thuật trình tấu bậc thầy của Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn cùng những cộng sự tài năng đã cùng biểu diễn với các anh trong nhiều năm như Thanh Tân (bass), nghệ sĩ Pháp Jean Sebastien (piano) và tay trống trẻ Lê Minh Hiếu, hậu duệ của nghệ sĩ trống hàng đầu Việt Nam Lê Quốc Hưng.
Một nghệ sĩ khách mời rất thú vị của đêm nhạc là An Trần, ái nữ của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Trong vòng chưa đầy 5 năm kể từ lần xuất hiện chính thức trước công chúng trong chương trình Dấu Ấn, An Trần đã vụt sáng trở thành một nghệ sĩ trẻ biểu diễn saxophone có phong cách thể hiện độc đáo với danh mục biểu diễn ngày càng rộng. An Trần thường xuyên tham gia những chương trình lớn cùng người bố nổi tiếng của mình cũng như đã có thể đứng độc lập trong nhiều show diễn khắp ba miền.
Một nghệ sĩ khác cũng đến từ nước Pháp là Jean Sebastien. Anh là một nghệ sĩ jazz - nhà sản xuất âm nhạc kỳ cựu đã biểu diễn và thực hiện các album nhạc tại nhiều quốc gia cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Trong những năm gần đây, Jean Sebastien đã cộng tác với Trần Mạnh Tuấn và dàn nhạc Saigon Bigband trong nhiều chương trình lớn và hiện đang hoạt động rất sôi nổi cùng các nghệ sĩ trong vùng Đông Nam Á.
Với chủ đề Âm hưởng Đông phương (The Oriental Mood), nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã mời một số nghệ sĩ nổi bật trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc của Việt Nam tham gia biểu diễn. Đây là những tên tuổi hàng đầu hiện nay và đã từng tham gia biểu diễn cùng Trần Mạnh Tuấn tại nhiều festival âm nhạc quốc tế cũng như các sự kiện quan trọng trong nước. Đó là nghệ sĩ xẩm và đàn kìm Anh Tấn; Nghệ sĩ hát dân ca Kim Luyên và nghệ sĩ chơi bộ gõ Đào Tuấn Trường.
Đêm nhạc Nguyên Lê - Trần Mạnh Tuấn “Âm hưởng Đông phương” sẽ diễn ra tại Nhà hát Music One - VOH (Đài Tiếng nói Nhân dân Tp.HCM) với những thiết bị âm thanh tốt nhất hiện nay do công ty Năm Sao Media cung cấp để có thể mang tới cho khán giả một trải nghiệm âm nhạc khó quên khi chứng kiến những nghệ sĩ bậc thầy cùng nhau trình diễn.
Đó là những âm thanh không chỉ là một phần của ký ức mỗi người Việt Nam mà còn là những cánh cửa mở ra với thế giới âm nhạc rộng lớn mênh mông, mà nhờ ở những người như Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn, âm nhạc Việt Nam đã có được một chỗ đứng được trân trọng.