GIÁ THAM KHẢO
360,000,000 VNĐ
Để chỉ ra một cặp loa mang trên mình những kỹ thuật chế tác tiên tiến, nhưng âm thanh nó tạo ra lại giàu tính nhạc, ít rơi vào tình ...
Để chỉ ra một cặp loa mang trên mình những kỹ thuật chế tác tiên tiến, nhưng âm thanh nó tạo ra lại giàu tính nhạc, ít rơi vào tình trạng bóc tách và khoe mẽ thì Wilson Benesch Vector chính là một trong những "nhân vật" như vậy. Công nghệ chế tác thùng loa Vector là loa cột loại nhỏ, 2,5 đường tiếng được chế tạo theo công nghệ đóng thùng và vật liệu tiên tiến nhất của Wilson Benesch. Điểm nhấn đáng chú ý về thùng loa của Vector chính là vỏ kim loại liền khối được dập từ hỗn hợp nhôm - poly có cấu trúc vỏ sò. Bên trong thùng loa hoàn toàn không có những mộng - giằng thường thấy, giúp tăng thể tích thùng lên đáng kể. Vector được lắp ráp và hoàn thiện bằng tay bởi công nhân kỹ thuật cao của hãng. Đó cũng là một trong những lý do khiến giá loa Wilson Benesch không hề rẻ, bởi tiền công lao động của Anh thuộc loại đắt đỏ hàng đầu thế giới. Cấu trúc vỏ thùng lai của Vector giúp loa có được tỷ số tín hiệu trên độ ồn thuộc loại thấp nhất trong số các thiết kế loa hiện tại, góp phần mang lại độ động và tạo ra nguồn năng lượng lớn của mỗi loa con.
Vỏ thùng đúc liền khối từ vật liệu poly-alloy
Vector là sản phẩm của series Geometry (Hình học), thuật ngữ ám chỉ thiết kế có phần khác lạ về thuật tạo hình loa, song lại là những ứng dụng giàu tính thực tiễn và tiên tiến trong công nghệ chế tạo thùng. Nhờ thiết kế dành riêng cho các model thuộc series Geometry - dòng Reference mà những cặp loa như Vector hay nhỏ hơn là Vertex sở hữu vóc dáng tối ưu về cấu trúc hình học, cho phép khai thác tốt nhất mọi ưu thế của công nghệ chế tác loa con và kỹ nghệ phân tần. Tại một số cuộc triển lãm âm thanh năm 2015 ở TP HCM và Hà Nội, nhà phân phối Norman Audio đã demo Vertex và Vector. Tuy chất lượng phòng triển lãm không thực sự phù hợp để trình diễn âm thanh, nhưng phản ứng của người nghe khá tích cực. Nhiều người đánh giá dàn loa Vertex và Vector cho âm thanh thuộc loại dễ chịu nhất trong số những phòng nghe khác, mặc dù cấu hình của hệ thống cũng như trị giá mỗi cặp loa thuộc loại khá khiêm tốn so với nhiều bộ dàn khác. Điều này cho thấy với series Geometry, Wilson Benesch đã phần nào giải được bài toán về cấu trúc thùng và nguyên lý phát thanh của loa, sao cho loa trở nên thân thiện với phòng nghe, với người nghe hơn. Công nghệ chế tạo loa con Hệ thống loa con trên Vector gồm 1 tweeter Semisphere và một cặp mid-woofer Tactic II. Những chiếc loa này là thành quả của sự kết hợp giữa dự án phát triển hệ thống loa Wide Bandwidth (loa dải rộng) và dòng Odyssery trước đó. Kết quả đạt được là sự ra đời của loa woofer Tactic II cùng loa tweeter Semisphere. Tương tự cặp đầu bảng Cardinal trong cùng series, các loa con trang bị trên Vector đều thuộc loại hảo hạng của hãng. Vector sở hữu 1 cặp woofer Tactic II cùng một tweeter Semisphere, được cấu trúc thành một hệ thống loa 2,5 đường tiếng.
Loa tweeter Semisphere
Loa tweeter Semisphere có băng thông rộng, thiết kế lai dạng vòm - mềm, hoạt động trong một hệ thống phân tần đơn giản, nhằm đảm bảo độ méo tiếng thấp nhất. Chi tiết cốt lõi của Semispher là cụm 6 nam châm đất hiếm Nd.Fe.B (nam châm vĩnh cửu) được lắp quanh trục, với 2 nắp đậy hình tròn được cắt C.N.C chính xác. Bộ khung kim loại giữ ổn định cho màng loa hình bán cầu lai với chất liệu lụa - carbon hoạt động ổn định. Toàn bộ hệ thống này cho phép tái tạo dải cao rộng rãi, đẹp và tự nhiên. Màng loa với chất liệu lai hứa hẹn cho âm thanh tĩnh, sạch, không có tiếng gợn gạo, xì xào và không méo tiếng gây nên những âm thanh khó nghe như một số công nghệ khác. Semisphere được chế tạo để chơi nhạc một cách hòa hợp tuyệt đối với loa woofer Tactic II. Đảm trách dải trung và trầm là cặp mi-woofer Tactic II, mà tiền thân của chúng là loa Tactic từng được chế tạo với cho mục đích đa năng trong một dự án nghiên cứu và phát triển trị giá 130.000 bảng Anh. Tactic là củ loa đầu tiên sở hữu nam châm đất hiếm NdFeB kết hợp cùng màng loa Isotactic Polypropylene trong ngành công nghiệp audio. Dưới sự giúp đỡ từ trường đại học Sheffield, loa Tactic II ra đời dựa trên nền tảng của Tactic. Nhờ áp dụng một số công cụ tối tân để phân tích nguyên lý hoạt động mà hệ nam châm trên Tactic II cho phép tối ưu hóa dòng từ trường chạy liên tục qua mô-tơ và tối ưu hóa dòng khí chạy trong rọ loa nhỏ phía dưới. Hệ quả là Tactic II có độ nhạy và công suất lớn hơn chừng 2dB.
Loa mid-woofer Tactic II màng carbon
Cấu tạo phân tần Thiết kế của bộ phân tần và cấu trúc hình học của loa con chính là chìa khóa giúp cho các model thuộc Geometry Series có nhiều ưu điểm hơn những sản phẩm trong quá khứ của Wilson Benesch.
Cọc đấu loa bi-wired
Thực ra, loa trung (Mid-range) của Vector nhận tín hiệu trực tiếp từ ampli, chỉ sử dụng một cuộn cảm trên loa bass Tactic II và một tụ điện polyprolylene để lọc cho loa tweeter Semisphere để nhận tín hiệu từ tần số 5 kHz trở lên. Theo nhà sản xuất thì kết quả thu được là một dải tần tuyến tính cùng sân khấu nhạc “sống”. Việc tối ưu hóa bộ phân tần, mà thực chất, là đơn giản hóa nó đã cho phép Wilson Benesch kiểm soát tối đa hiệu quả hoạt động của từng loa con. Cảm nhận ban đầu Khi nhận loa từ nhà phân phối Norman Audio và tự tay khui thùng, chúng tôi khá ấn tượng về trọng lượng loa, tuy Vector chỉ là loa cột loại nhỡ, nhưng nó nặng tương đương với những cặp loa cột lớn hơn vài chục % về kích thước, có vỏ thùng bằng gỗ - vật liệu truyền thống. Vỏ ngoài của loa được đúc liền khối với vật liệu poly - alloy, kết hợp với tấm dệt bằng sợi carbon khiến cặp loa đẹp một cách… lạnh lùng, rất Ăng-lê. Những vật liệu này gợi tới kết cấu của một chiếc xe đua công thức 1 nhiều hơn là một thùng loa để nghe nhạc. Trong thùng carton xuất hiện một chiếc ca-táp nhỏ bằng nhựa, bên trong chứa bộ chân côn nhọn bằng kim loại và dụng cụ bắt chân loa. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy hai món đồ mà theo Stereo, là cần thiết nên đi theo loa. Đó là bộ lót chân bằng kim loại để những chân côn không ghim chặt xuống mặt sàn bằng gỗ hoặc làm xước mặt của tấm kê chống rung đặt dưới loa. Thứ hai, cần có một đôi găng tay để quá trình dỡ thùng và kê đặt không làm lem lên nóc loa được sơn mài bóng, rất dễ bắt mồ hôi.
Bộ vít chân loa và dụng cụ đi kèm
Loa được vuốt nhỏ lại phía sau, tương tự như một số thiết kế phổ biến khác của Lumen White hay Sonus Faber nhằm giảm thiểu tiết diện thùng, giúp hạn chế sóng đứng và năng lượng phản hồi tới cấu trúc âm học xung quanh. Wilson Benesch bố trí một lỗ thoát hơi nhỏ phía sau, cách nóc loa chừng 7cm. Hai chi tiết nhỏ khác, nhưng không kém phần quan trọng là bộ đế bằng hợp kim đúc liền theo loa và tấm chắn bụi có khung kim loại nặng… chưa từng thấy. Dường như Wilson Benesch đã rất quán triệt với ứng dụng vật liệu từ hợp kim và carbon với mục đích giúp cho thùng loa - gồm nhiều chi tiết khác nhau - duy trì sự ổn định thông qua việc hấp thụ và giải phóng cộng hưởng tối đa trong thời gian tối thiểu. 4 cọc loa được bố trí theo chiều thẳng đứng để đấu kiểu bi-wired hoặc bi-amping. Tuy nhiên, nếu muốn đấu loa dạng single-wired, nhà sản xuất cũng cung cấp một bộ jumper (càng cua) đi kèm. Toàn bộ các chi tiết từ cọc bắt loa kim loại cho tới jumper đều tinh xảo, chắc chắn và thao tác êm ái.
Jumper để nối cầu chơi single-wired
Với tất cả những cảm nhận trực quan khi khui thùng, có thể thấy Vector là sản phẩm công nghệ cao trong tương quan của ngành công nghiệp âm thanh. Sản phẩm dạng này chỉ có thể được tạo ra từ những hoạt động nghiên cứu khoa học nghiêm túc về vật liệu, cơ khí, âm học và nhân trắc học. Nói cách khác, Wilson Benesch là nhà sản xuất “có nghề” và sở hữu những công nghệ chế tác đáng trân trọng.
Ê-căng sắt với logo nổi
Hiện cặp loa đang trong quá trình chạy rodage để phục vụ cho hoạt động nghe trải nghiệm. Độc giả đón đọc bài viết đầy đủ về trải nghiệm Vector trên Stereo ấn bản in số đặc biệt (tháng 1 + tháng 2) sắp phát hành vào giữa tháng 1/2016.