Rogue Audio Cronus Magnum III là mẫu ampli đèn bền bỉ, dễ sử dụng và dễ phối ghép với nhiều kiểu loa khác nhau với cùng một kết quả tích cực để người dùng có thể yên tâm thưởng thức âm nhạc. Nó có đủ sự mạnh mẽ của những chiếc tăng âm bán dẫn công suất vài trăm watt, cũng lại có sự êm ái thư thái của chất âm đèn điện tử.
Mô tả
Rogue Audio (Mỹ) chỉ làm những món hàng mà chính họ, những người sành âm thanh, khi nghe đều cảm thấy thích thú say mê, muốn mua cho chính mình và giới thiệu cho bạn bè. Rogue Audio có xưởng điện tử - cơ khí riêng ở Pennsylvania, Hoa Kỳ nên chi phí sản xuất được cắt giảm. Nhờ thế, thiết bị Rogue Audio tuy làm 100% ở Mỹ nhưng được bán ra với giá không đắt.
Các amplifier đèn Push Pull của Rogue Audio được làm rất cẩn thận. Phần chỉnh bias cho các đèn công suất đều có cầu chì bảo vệ. Rogue Audio không dùng thiết kế auto-bias mà buộc người dùng phải chỉnh bias bằng tay vì chỉnh bias “căng” thì máy sẽ biểu diễn tốt hơn.
Cronus Magnum là dòng ampli đèn thành công nhất của Rogue Audio. Chúng tôi đã và đang dùng ampli đèn Cronus Magnum từ gần 10 năm nay, trải nghiệm nhiều lần Cronus Magnum II. Chúng tôi đánh giá rất cao các thế hệ ampli tích hợp Push Pull Cronus Magnum này. Đầu năm nay, nhà thiết kế, chủ hãng Rogue Audio Mark O'Brien đã triển lãm tại CES 2019 thế hệ thứ 3 của dòng ampli Cronus Magnum - Cronus Magnum III.
Mạch phono preamplifier của Cronus Magnum III được làm mới hoàn toàn, hoạt động tốt cho cả kim MM và kim MC. Có 2 mức chỉnh gain 45dB và 60dB được thêm vào để người dùng có thể chơi được cả các kim có điện thế đầu ra khác nhau. Hãng cũng cho phép người dùng tinh chỉnh 5 mức tải trở kháng khác nhau để phối ghép với các loại kim phono dễ hơn.
Cronus Magnum III còn một tính năng mới nữa là chuyển đổi giữa 2 chế độ hoạt động của đèn công suất KT120 là Ultralinear / Triode bằng một nút gạt ở phía sau máy. Chế độ Ultralinear cho công suất 100 wpc có chất âm mạnh mẽ, độ động cao còn chế độ Triode cho công suất 60 wpc nhưng có chất âm nhẹ nhàng, tinh tế. Các đời Cronus Magnum và Cronus Magnum 2 chỉ có một chế độ Ultralinear.
Phần headphone của Cronus Magnum III cũng được thiết kế lại so với các đời máy trước: Nó được dùng mạch khuếch đại MOSFET theo mẫu headphone amp RH-5 của hãng Rogue Audio, công suất lớn hơn, êm ái và sạch sẽ hơn. Cronus Magnum III còn hơn Cronus Magnum ở những chi tiết quan trọng như hoạt động của công tắc nguồn theo nguyên lý “mạch khởi động chậm bảo vệ tuổi thọ bóng đèn”: Khi ta bật công tắc nguồn, đèn hiệu xuất hiện màu đỏ, ampli đang chờ hoạt động. Sau 30 giây, đèn hiệu xuất hiện màu xanh lá và ampli đã sẵn sàng để chơi. Tính năng này giúp bóng đèn nói riêng, ampli nói chung hoạt động an toàn, không bị sốc điện khi bật công tắc nguồn.
So với remote đời Magnum, remote của Magnum III cũng bằng vỏ nhôm nhưng ngắn hơn gần 1cm, thiết kế hình hộp chữ nhật đơn giản hơn. Điểm hơn của remote Magnum III là ngoài 2 nút tăng giảm volume còn có thêm nút “Mute” (tắt tiếng) mà trên remote của Magnum không có. So với remote vỏ nhựa của Magnum II, remote vỏ nhôm của Magnum III hơn hẳn.
Nghe thử
Từ gần chục năm nay, chúng tôi đã sở hữu dòng ampli đèn tích hợp Cronus Magnum và đã trải nghiệm cũng như tư vấn cho bạn bè mua dòng ampli đèn tích hợp Cronus Magnum II. Điều đó chứng tỏ chúng tôi có sự tín nhiệm với các dòng ampli đèn tích hợp Cronus Magnum. Vậy nhưng khi nhận được ampli Cronus Magnum III để thử nghiệm, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì nó đã được nâng cấp vượt bậc so với các đời ampli Cronus Magnum trước. Mặc dù, Cronus Magnum III vẫn hoàn toàn là ampli analogue, việc nghe nhạc số với nó không khó khăn gì khi người dùng sắm thêm DAC.
Chúng tôi cho Cronus Magnum III chơi với 2 nguồn phát là đầu CD Denon DCD 3300 và mâm đĩa nhựa Pioneer XL-1650, kim MM Concept; dây tín hiệu Synergistic Research, dây loa Analysis Plus Oval 12; loa JBL Control Monitor 4312. Thoạt tiên, chúng tôi nghe kỹ ở chế độ Ultralinear để có khái niệm trong sự so sánh với các ampli Cronus Magnum đời trước. Chúng tôi sử dụng CD Beethoven Triple Concerto do Richter (Piano), Oistrakh (Violin), Rostropovitch (Cello) cùng Berliner Philharmoniker biểu diễn (Karajan chỉ huy) và LP Beethoven Triple Concerto do Anda (Piano), Schneiderhan (Violin), Fournier (Cello) cùng Orchestre Radio-Symphonique de Berlin biểu diễn (Fricsay chỉ huy).
Việc tập trung nghe và so sánh cùng một tác phẩm trên các nguồn phát khác nhau khiến chúng tôi dễ dàng nhận ra những điểm khác biệt của Cronus Magnum III. Đầu tiên với CD, chúng tôi nhận thấy ampli thể hiện tốt âm sắc của các nhạc cụ chính và cả dàn nhạc; độ động của bản nhạc lớn, sân khấu cao, rộng, sâu, nổi 3D… Về âm lượng, Cronus Magnum III đủ mạnh mẽ, đầm tiếng, ấm áp và truyền cảm trong khi vẫn đảm bảo chi tiết, lớp lang, chiều cao sân khấu cần thiết. Khi nghe, chúng tôi dần dần chuyển sang trạng thái “bỏ quên” ampli và hệ thống: Chúng hầu như không còn xuất hiện mà chỉ còn âm nhạc và người nghe. Những tiếng đàn khó tái hiện thật trung thực như cello, violin, piano đều hiện lên tốt với đầy đủ những hài âm đặc trưng.
Về mặt âm thanh, ampli đèn Cronus Magnum III hỗ trợ tốt dải trầm nhưng cũng đảm bảo tái hiện đầy đủ dải trung và cao. Chúng ta có thể nghe những tiếng contrabass như đang nghe trực tiếp ở bên ngoài. Để soi dải treble, chúng ta có thể đặt các đĩa test lợi cho âm cao và nghe các tiếng chổi sắt, quả lắc, cát-xta-nhét… rất thú vị. Ví dụ, trong ca khúc Hotel California của ban nhạc The Eagles có nhiều chi tiết giúp chúng ta đối chiếu các dải trầm, trung và cao rất rõ ràng. Hoặc như chúng tôi đã nghe đi nghe lại CD Bach – Partitas for Violin Solo do Viktoria Mullova chơi. Violin là nhạc cụ có lợi thế ở âm vực cao và hầu như không có bass. Những tiếng dàn mạnh mẽ mà tinh tế của Mullova khiến chúng tôi thấy Magnum III hỗ trợ âm cao rất tuyệt.
Cronus Magnum III càng gây ngỡ ngàng khi được chơi với mâm đĩa nhựa. Mặc dù, chúng tôi chỉ nghe thử với kim MM Concept (của Clearaudio) nhưng độ dày, chiều sâu, chiều rộng và chiều cao của âm thanh đã hơn hẳn so với khi nghe CD. Những tiếng đàn dây khò khè, réo rắt, những tiếng piano thanh, đanh, ngân, vang… Điều đó đã khiến chúng tôi bị thuyết phục về chất lượng của mạch phono. Mạch phono của Magnum III có thể sánh với cục phono rời Smart Phono của Clearaudio (trị giá 600 USD).
Khi muốn nghe êm tai, quyến rũ hơn, chúng tôi chuyển sang chế độ Triode bằng cách gạt công tắc chuyển đổi ở phía sau máy. Đó là với các loại hình âm nhạc đơn giản, ít giọng ca, ít nhạc cụ như Jazz, Country, Pop… Ngay cả với các bản nhạc giao hưởng, hợp xướng lớn, nếu muốn nghe theo kiểu “nhạc đêm khuya”, chúng ta cũng có thể áp dụng chế độ chơi Triode này. Tự nhiên, bằng một công nghệ đơn giản như vậy, nhà sản xuất đã mang đến cho người nghe loại ampli 2 trong 1, “mua một được hai”. Đó là cách gia tăng giá trị quan trọng kể từ đời thứ 3 của dòng ampli Cronus Magnum, giúp mở rộng phạm vi họat động và khả năng phối ghép với nhiều hơn các dòng loa, kể cả loa khó kéo.
Thông số kỹ thuật
- Công suất: 100 watt x 2 kênh / 8Ohm và 4Ohm
- Băng thông: 20Hz – 30kHz
- Tổng trở loa: 4Ohm và 8Ohm
- Mạch khởi động chậm bảo vệ tuổi thọ bóng đèn
- Cấp điện lớn và tuyến tính
- Bộ tinh chỉnh Bias đèn thuận tiện đi kèm máy
- Đèn sử dụng: 12AX7 (2), 12AU7 (3), KT120 (4)
- Giắc đầu vào RCA và cọc bắt dây loa mạ vàng
- 4 đầu vào RCA (Phono, CD, Aux 1, Aux 2); đầu vào phono 45/60 dB gain phono input +/- 0,1dB 20Hz - 20KHz
- 2 watt Headphone amplifier
- Remote nhôm điều chỉnh âm lượng và mute
- Đầu ra Pre-out và Buffer cho amp khác và loa Sub
- Board mạch bằng đồng chống nhiễu nặng 2 ounce
- Nắp đậy (bán riêng 120 USD)
- Kích thước thực tế: 45,72 x 43,18 x 13,97cm (RxCxS)
- Khối lượng: 25kg
- Điện áp sử dụng: 220 - 240V; 50 / 60Hz
- Bảo hành máy 2 năm và bảo hành đèn 6 tháng
- Thiết kế và lắp ráp tại USA
Giá tham khảo: 82.000.000 đồng
Nhà phân phối: Âm Thanh Vàng