Bất chấp sự ra đời của hàng loạt loại vật liệu màng loa mới, Sonus Faber vẫn trung thành với nguyên liệu tự nhiên để tái hiện thứ âm nhạc tự nhiên theo triết lý của họ. Và điều này đã được chứng thực trên mỗi đôi loa Sonus Faber trong hàng chục năm qua.
Loa midrange
Mục tiêu của Sonus Faber từ trước tới giờ vẫn là tái hiện âm nhạc theo lối tự nhiên. Sau nhiều năm nghiên cứu và trải qua hàng loạt thí nghiệm với nhiều giải pháp, vật liệu khác nhau, nhà sản xuất loa lớn nhất nước Ý đi đến một kết luận: bất chấp các phát kiến mới mẻ mà đôi khi mang tính hình thức về mặt chất liệu, chỉ những loại vật liệu tự nhiên mới giúp màng loa tái hiện âm thanh tự nhiên. Đó là lý do khiến Sonus Faber tiếp tục sử dụng bột giấy và một số nguyên liệu cơ bản để chế tạo màng loa. Toàn bộ linh kiện quan trọng này được hãng nghiên cứu và sản xuất tại tổng hành dinh đặt ở Vicenza (Ý).
Sau chuỗi nghiên cứu, thực nghiệm và trải nghiệm nghe thực tế kéo dài từ năm này qua năm khác, đội ngũ nghiên cứu đã dừng lại ở chất liệu giấy. Hoạt động này giúp các kỹ sư của Sonus Faber nắm bắt được hai điểm quan trọng: Thứ nhất, quá trình sản xuất màng loa giấy có tác động rất lớn đến âm thanh, đặc biệt công nghệ làm khô không khí giúp mang lại kết quả tốt nhất xét trên thuộc tính tự nhiên của âm nhạc; Thứ hai, việc pha thêm sợi cellulose giúp nhà sản xuất kiểm soát được âm chất, tăng cường độ chi tiết, chống rung và tạo độ cứng cho màng loa. Khám phá này khiến Sonus Faber kiên định với các hoạt động nghiên cứu, chế tạo màng loa dựa trên chất liệu tự nhiên trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, một trong những phát kiến độc đáo của Sonus Faber là khoác lên màng loa một lớp phủ “vô hình”. Mặt sau của màng loa được các nghệ nhân điêu luyện tự tay xử lý lớp phủ, vốn là dung dịch hỗn hợp thuộc về bí mật nhà nghề của hãng. Dung dịch này giúp loa đảm bảo một số thuộc tính tiêu chuẩn của Sonus Faber, đồng thời chống rung rất hiệu quả.
Không giống như một số dòng loa đắt tiền sau này đi vào làm màu và mang tính phô trương, Sonus Faber xử lý rất kỹ củ loa, đặc biệt ở những góc khuất mà người chơi không nhìn thấy. Điều này khiến những cặp loa của Sonus Faber luôn giữ được âm thanh trung thực, cân bằng với độ chi tiết cao, tái hiện được những chi tiết âm nhạc dù nhỏ nhất trong chuỗi âm thanh.
Loa woofer và subwoofer
Việc tái hiện những nốt trầm vừa trong, vừa mạnh đòi hỏi màng loa woofer phải vừa nhẹ lại vừa cứng. Tuy nhiên, chất liệu màng giấy trên loa midrange lại không đáp ứng tốt tiêu chuẩn này bởi giấy tự nhiên không đủ cứng để tái hiện dải trầm tốt.
Đây lại là một thách thức khác khiến nhóm nghiên cứu và phát triển của Sonus Faber phải dày công thử nghiệm và kết quả là sự ra đời của một loại màng loa mới hoàn toàn: màng đa lớp hay còn gọi là màng sandwitch gồm 2 lớp vỏ được xử lý với sợi cellulose và lớp lõi là một dạng xốp đặc biệt nằm giữa.
Ưu điểm của cấu trúc màng đa lớp là trong khi lớp vỏ cellulose duy trì độ tương thích với dải midrange về mặt âm sắc, tạo nên một chất âm đồng nhất thì lớp lõi dạng xốp giúp màng loa có độ rắn chắc và cực kỳ nhẹ. Toàn bộ cấu trúc này tạo nên một màng loa woofer hoàn hảo về mặt khí động học, đáp ứng tốt yêu cầu tái tạo những nốt trầm của nhạc cụ với cao độ chuẩn xác.
Còn với loa có đường kính màng lớn như subwoofer, có nhiệm vụ tái tạo những tần số cực trầm thì việc tạo ra sự đồng điệu về âm sắc không còn là vấn đề quá quan trọng. Với những củ loa lớn có hành trình màng dài như subwoofer thì hạn chế lệch trục trong quá trình vận động của màng loa là điều mà nhà sản xuất quan tâm hàng đầu để chống méo tiếng. Cấu trúc sandwitch vẫn là giải pháp hoàn hảo, tuy nhiên lúc này, Sonus Faber sẽ sử dụng sợi carbon (sợi nano carbon) thay thế sợi cellulose để đảm bảo cấu trúc chắc chắn, ổn định nhất có thể cho loa.
Trong khi nhiều loa hi-end thiên về trình diễn âm thanh thì Sonus Faber mỗi khi cất giọng lại hướng người nghe đến trải nghiệm âm nhạc, và đặc biệt tốt khi tái hiện âm nhạc cổ điển, thể loại âm nhạc phức tạp nhất mà không phải dòng loa nào cũng có thể tái hiện nhuần nhuyễn.
Nhà phân phối Sonus Faber: Đông Thành - Hòa Phúc