Theo Furutech (Nhật Bản), mẫu lọc điện được ưa chuộng e-TP80 của họ sẽ có thêm 2 phiên bản mới với các nâng cấp đáng giá, được bổ sung nhằm đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng người dùng là e-TP80 S và e-TP80 S-NCF
Đối với Furutech, nguồn điện sạch là vô cùng quan trọng, giúp mọi dàn máy nghe nhạc hay xem phim có thể phát huy tối đa hiệu quả trình diễn vốn có. Điện sạch mở rộng các dải tần số, gia tặng độ phân giải và tạo âm trường ổn định.
Trong các loại lọc nguồn do Furutech phát triển, e-TP80 là sản phẩm được đông đảo người yêu nhạc lựa chọn trong hơn 10 năm qua. Đây là bộ lọc điện nguồn dạng hybrid với 4 lỗ cắm được lọc nhiễu âm digital bằng mạch điện tử và có 4 lỗ cắm không dùng mạch lọc điện tử, có khả năng cung cấp cho mọi dàn nghe nhạc và xem phim nguồn năng lượng sạch sẽ.
Mới đây, Furutech đã thành công trong việc nâng cấp e-TP80 thành 2 phiên bản hoàn toàn mới: e-TP80 S và e-TP80 S NCF. Trong đó, e-PT80 S sẽ đáp ứng nhu cầu của đa số vì giá vừa và tốt hơn nguyên mẫu e-TP 80 nhờ các cải tiến mạch bên trong và có thêm công tắc bật tắt nguồn tiện lợi
Trong khi e-TP80 S vẫn dùng loại 4 ổ cắm đôi FPX-D Gold, phiên bản e-TP80 S NCF lại sử dụng ổ đôi NCF-D mạ Rhodium nhằm phục vụ cho các audiophile muốn có hiệu quả cao trong việc truyền dẫn. Hơn nữa, model ETP 80S NCF còn có hình thức đẹp hơn nhờ có thêm 4 chân chống rung do chính Furutech thiết kế.
Khung vỏ của sản phẩm được chế tạo tinh xảo, sang trọng nhằm loại bỏ vấn đề điện ô nhiễm cho các thành phần trong bộ dàn nghe nhạc hay dàn xem phim. e-TP80 S NCF có tổng cộng 8 ổ cắm chia thành 2 nhóm : nhóm analog có 2 ổ chịu tải 1000w cho power ampli, 2 ổ chịu tải 800w cho pre ampli và thiết bị analog khác.Nhóm digital có 4 lỗ cắm chịu tải 500w có mạch filter – dùng cho các thiết bị digital như CD, DVD, TV, Ampli Class D, máy chơi nhạc số ...
Ưu điểm nổi bật của lọc điện e-TP80 S NCF là thiết bị có ổ cắm đực (đầu vào) FI-06 NCF (R) và có 8 ổ cắm đầu ra chuẩn NCF chế tạo theo công nghệ Nano Crystal² Formula do Furutech độc quyền phát triển. Thân các ổ cắm NCF này được làm từ nhựa đặc biệt pha trộn tinh thể hạt gốm kích thước nano và bột carbon. Loại nhựa NCF tạo ra các ion âm loại bỏ tĩnh điện, đồng thời nó còn có tác dụng giảm rung cơ khí và vi chấn rung điện động rất tốt.
Tấm dán GC-303 do Furutech và công ty 3M hợp tác chế tạo được trải suốt mặt đáy thiết bị, phía dưới 4 cặp ổ cắm đôi NCF (R) để hấp thụ nhiễu điện từ EMI cho từng cặp ổ cắm..
Ngoài các tính năng trên, lọc điện e-TP80 S NCF còn có tính năng chống sốc điện bằng mạch MOV. Mọi biến động liên quan đến điện áp có thể làm hỏng các thiết bị điện tử sẽ được mạch MOV bảo vệ bằng cách tự động cắt nguồn điện chính.
Nghe thử e-TP80 S NCF
8 ổ cắm cho một bộ dàn là một con số… “dư dả”. Chúng tôi dùng e-TP80 S NCF cấp điện cho 2 đầu băng cối dùng điện 220V là Braun TG 1020/4 và Revox PR99 (đều của Đức); Phono Preamp Music Hall pa1.2; Preamplifier Product 8 và Poweramplifier Product 8 của Alchemist. Ngoài ra, vì một số nguồn phát của chúng tôi chạy điện 100V như CDP Denon DCD 3300; Turntable Pioneer PL-41 và Cassette Deck Tascam 112 MkII nên phải dùng qua cục đổi điện cắm vào máy lọc e-tp 80 NCF. Chúng tôi dùng loa Infinity Studio Monitor SM-150 công suất yếu cầu từ 10 – 300watt, độ nhạy 102dB; dây nguồn Furutech; dây tín hiệu và dây loa Analysis Plus.
Chúng tôi nghe băng cối 10” 2 track, 15ips Kazuhito Yamashita (Nhật Bản) chơi guitar cổ điển các tác phẩm của Bach do anh chuyển soạn cho guitar trên đầu Revox PR99; nghe băng cối 7”, 4 track, 7 ½ ips “Hương tình cũ” của ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh (Audio Space phát hành) trên đầu Braun TG 1020/4; CD Beethoven Triple Concerto do Oistrakh (violin), Rostropovich (cello) và Richter (piano) chơi cùng Dàn nhạc Khuyến nhạc Berlin do Krajan chỉ huy trên đầu DCD 3300; LP Schubert Schwanengesang (“Những bài hát Thiên nga”) do Fischer-Dieskau (Baritone) và Moore (piano), Angel phát hành (đĩa mono) trên mâm Pioneer PL-41; Cassette “Bolero – Musik unter spanischer Sonne” do Dàn nhạc Khuyến nhạc Berlin chơi, Karajan chỉ huy trên đầu cassette.
Trước khi bước vào đợt thử nghiệm nghiêm túc và kéo dài, chúng tôi đã nhẩm lại những đặc tính chính của từng “phần cứng”, “phần mềm” thử nghiệm. Đó là những thiết bị, băng đĩa chúng tôi nghe nhiều, thường dùng trong các đợt thử giọng trang thiết bị, băng đĩa. Thế nhưng, khi cuộc thử nghiệm bắt đầu, chúng tôi đã rất thích thú vì hệ thống bây giờ thực sự đổi mới, nâng cấp toàn diện cả về phần cứng lẫn phần mềm! Trước hết, nói về độ tĩnh của nền âm, chúng tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm với nền âm tĩnh, điều đó khiến cho âm nhạc được đề cao, du dương và ngân vang vì ngoài âm nhạc ra, hầu như không còn gì khác “cùng kêu” cả.
Tiếp theo, không gian âm nhạc đã được nới rộng và lấp đầy căn phòng (nhưng không có hiện tượng dội âm). Toàn bộ sân khấu và vị trí nhạc cụ, ca sĩ trở nên rõ ràng hơn. Độ động âm thanh được truyềnn tải tức thời khiến cho việc theo dõi các dòng chảy của âm thanh và nhất là âm nhạc trở nên dễ dàng và thú vị, không có độ trễ. Chúng tôi còn thấy một chi tiết đặc biệt nữa là khoảng cách giữa to và nhỏ của âm lượng cũng được nới rộng. Ví dụ, ở bản Bolero của Ravel, những tiếng trống và bộ gõ nói chung khi bắt đầu ở cực nhỏ hay khi ở cao trào cực to đều được tái hiện chi tiết, không hề bị khuất lấp (khi cực nhỏ) hay vỡ tiếng (khi cực to).
Các âm sắc được tái hiện chính xác và đa dạng, từ những tiếng động của bộ trống, tiếng đàn guitar, violin, cello, piano, giọng người… đều không bị lẫn lộn. Ngoài tiếng đàn guitar của Yamashita, chúng tôi cũng nghe một số CD độc tấu guitar của các nghệ sĩ khác và dễ dàng nhận ra sự khác nhau của các loại tiếng đàn guitar của họ, điều đó tựa như chúng tôi cũng dễ dàng phân biệt giọng ca của Fischer-Dieskau với Nguyễn Tuấn Anh khác nhau thế nào. Có một điều mà các audiophile rất quan tâm là các dải âm của hệ thống đã được xử lý ra sao? Các dải âm của hệ thống đã được xử lý tự nhiên, thuần thục, đâu vào đấy với bass sâu, ấm và ám ảnh; mid trung thực nghe như ở ngay trước mặt và treble tơi, mịn, dịu...
Trong những phát hiện khác, chúng tôi thấy cần đề cập tới sự “hội tụ” của nguồn phát và trang thiết bị của hệ thống nói chung khi dùng chung thiết bị lọc và phân phối điện. Thường thì các đầu phát khác nhau sẽ cho chất âm khác nhau và giữa các chất âm đó có sự “hơn kém” nhất định. Thế nhưng, khi chúng tôi dùng e-TP80 S NCF để cấp điện cho các thiết bị chính của hệ thống là các máy băng cối và các pre cùng power, sự khác biệt đó như được giảm đi đáng kể vì mức độ hoàn thiện của âm thanh từ mỗi nguồn phát đến xử lý khuếch đại và đưa ra loa đã được đảm bảo. Nghĩa là, giữa CDP và Cassette Tape Deck, giữa Turntable và máy băng cối, chất lượng âm thanh phát ra loa không quá cách biệt và dễ đón nhận, cho phép một người sử dụng nhiều loại nguồn phát khác nhau mà không bị khó xử giữa chúng. Đây cũng là một trong những phát hiện lớn nhất của đợt thử nghiệm này.
Giá tham khảo: 900 USD/chiếc.
Nhà phân phối: Audio Choice