Từ lúc Nordost giới thiệu mẫu dây loa đầu tiên của họ vào năm 1992 – Flatline Gold, vô số câu hỏi đã được đặt ra với chủ đề duy nhất: Tại sao lại dùng dây loa dạng phẳng? 5 lý do sau đây sẽ có thể giải đáp được thắc mắc đó.

 1. Giảm trở kháng dây cùng lúc triệt tiêu nhiễu xuyên âm

Giảm trở kháng dây là một trong những mục tiêu hàng đầu của các nhà sản xuất dây tín hiệu cao cấp. Dây có điện trở càng thấp thì sự cản trở dòng điện của dây càng thấp, đặc biệt quan trọng đối với dây loa, nhất là dây mảnh vì thường xuyên phải truyền tải dòng điện có cường độ cao.

Bên cạnh việc tăng kích thước dây để giảm điện trở, chúng ta còn có thể dùng cách tăng số lượng các dây con của dây loa. Tuy nhiên, việc nhồi nhét quá nhiều dây con lại gây nên một hiện tượng khác – nhiễu xuyên âm. Hiện tượng này xảy ra khi tín hiệu “nhảy” từ dây con này sang dây con khác khi các dây con được xoắn lại với nhau. Điều này khiến cho tín hiệu truyền đi bị thất thoát và tốc độ truyền tải cũng chậm lại. Khi các dây con được ngăn riêng biệt, điển hình là thiết kế kiểu dây phẳng, tác hại của hiện tượng nhiễu xuyên âm được triệt tiêu mà vẫn đạt được điện trở thấp như mong muốn.

 2. Tối ưu cộng hưởng cơ học

Với mỗi loại chất liệu khác nhau sẽ có độ cộng hưởng tối ưu, tốc độ khi rung động khác nhau. Điều này cũng tương tự đối với các dây con trong dây cáp loa. Nếu các dây con được đặt quá gần nhau (hay tệ hơn là chạm nhau), hiệu ứng chồng chéo lẫn nhau sẽ xảy ra và tác động tiêu cực đến độ cộng hưởng cơ học của dây. Với dây phẳng, các dây con được chăm chút về cách bố trí cũng như khoảng cách giữa từng dây con, tạo đủ không gian để đảm bảo tận dụng được tính cộng hưởng của chất liệu làm dây. Ngoài ra, khi các dây con không bị xoắn và chồng chéo lẫn nhau, người dùng có thể cắt dây theo chiều dài cụ thể nhằm giảm hiện tượng microphonic và cộng hưởng trở kháng cao tần.

 3. Giảm hiệu ứng mặt ngoài (skin effect)

Tính tự cảm của dây cáp thường gây ra hiện tượng gọi là “hiệu ứng mặt ngoài” (skin-effect): các tín hiệu cao tần có xu hướng chạy ra phía mặt ngoài của dây thay vì chạy ở giữa dây như bình thường. Hiện tượng này vô hình làm thay đổi đặc tính của dây cũng như làm ảnh hưởng đến các tần số khác nhau của tín hiệu âm thanh. Hiện tượng này cũng xảy ra đối với dây cáp làm từ nhiều dây nhỏ xoắn lại với nhau. Trong thiết kế dây cáp phẳng, các dây con được đặt liền kề nhau thay vì chồng lên nhau kiểu sandwich (với một số dây của Nordost thì các dây con còn được ngăn riêng biệt bằng FEP). Nhờ việc tách biệt hẳn các dây con, hiệu ứng mặt ngoài cũng đã được giảm thiểu đến mức tối đa.

  4.  Giảm thiểu tiếp xúc bề mặt vật lý

Tĩnh điện có sẵn dưới nền nhà thường là một trong những tác nhân ảnh hưởng đến chất lượng dây cáp. Cụ thể, điện dung của dây cáp sẽ tăng lên khi có sự tiếp xúc giữa cáp và nền nhà. Đối với dây cáp phẳng, tiết diện tiếp xúc thường ít hơn do dây cáp có xu hướng đứng thẳng nếu bạn thiết lập đúng cách. Điều này cũng góp phần cải thiện hiệu quả hơn chất lượng truyền tải tín hiệu trên dây phẳng so với dây tròn. 

 5. Tiện lợi

Ảnh: Việc cuốn dây để cất không còn là nỗi ám ảnh của bạn.

Sự tiện lợi đôi khi lại làm nên khác biệt cho một sản phẩm. Nhờ lợi thế về hình dáng cấu tạo, dây cáp phẳng có sự linh động cao hơn so với dây cáp tròn. Việc thiết lập hệ thống âm thanh khi sử dụng dây phẳng trở nên dễ dàng và thân thiện hơn, đặc biệt khi người dùng muốn giấu dây vào tường hay dưới thảm.