10 mẫu loa trong bài viết là 10 sản phẩm tạo nên phong cách thiết kế, triết lý âm thanh và đẳng cấp của Sonus Faber - người khổng lồ trong ngành công nghiệp chế tạo loa hi-end đến từ nước Ý xinh đẹp.
Là một biểu tượng của ngành công nghiệp hi-end audio, nhà sản xuất loa nước Ý Sonus Faber sở hữu hàng chục mẫu loa gắn bó với nhiều thế hệ audiophile và người nghe nhạc trên khắp thế giới. Trong số đó, có nhiều model đã trở thành biểu tượng loa hi-end vào những thời điểm nhất định. Ngày nay, vẫn có những người hâm mộ Sonus Faber cất công tìm kiếm và sưu tầm những mẫu loa mang tính cột mốc này, mặc dù, bộ sưu tập loa đương đại của Sonus Faber được đánh giá cao cả về thiết kế và âm chất tới mức, xét trên góc độ thương mại, chưa bao giờ nhà sản xuất loa nước Ý thành công đến thế.
Dưới đây là danh sách một số mẫu loa có thể nói là kinh điển của Sonus Faber. Chúng hấp dẫn người chơi, dân sưu tập ở 3 yếu tố: 1-Thời điểm ra đời vào những khoảnh khắc bình minh của ngành công nghiệp hi-end giữa những năm 80 và 90 của thế kỷ trước; 2-Thiết kế đột phá khiến người dùng nhanh chóng muốn quên đi những chiếc hộp loa vuông vức cục mịch trăm mẫu như một trước đó; 3-Âm thanh trong vắt, chi tiết và chân thực vượt xa nhiều mẫu loa truyền thống vốn yếu về độ chi tiết và âm hình.
SNAIL (1980): Mẫu loa đầu tiên của Sonus Faber do chính nhà sáng lập Franco Serblin thiết kế. Đây là thiết kế hoàn toàn mới ở thời điểm bấy giờ, một hệ thống tất cả trong một được làm bằng gỗ thịt. Snail không phải 2 loa rời mà là một hệ loa kết hợp giữa 2 loa con gắn trên trục, bắt vào thân một chiếc woofer 2 driver. Ngay bây giờ thì SNAIL vẫn là mẫu loa đi trước thời đại.
MINIMA (1984): Ra đời sau cặp Snail 4 năm, Minima là mẫu loa đánh dấu việc Sonus Faber chính thức dấn thân vào thị trường loa nghe nhạc hi-fi. Minima thể hiện triết lý xuyên suốt của hãng với mặt loa bọc da và các cạnh được ốp gỗ thịt cao cấp. Ngôn ngữ thiết kế sang trọng này vẫn tiếp tục được Sonus Faber duy trì sau 40 năm. Cặp loa sử dụng một midwoofer màng giấy pha acrylate đường kính 12 cm và một loa tweeter dome lụa đường kính 120 mm.
ELECTA AMATOR (1987): Với Electa Amator, Sonus Faber bắt đầu bước vào pha đầu tiên của chuỗi thăng hoa trong thiết kế loa. Những đường nét vuông vắn dần nhường chỗ cho sự phá cách, những mặt phẳng song song bắt đầu được phá bỏ để tạo nên mặt loa nghiêng, tạo sự đồng pha về thời gian vận động của các driver. Electa Amator sử dụng loa tweeter Esotar 330 của Dynaudio. Cạp loa có tiếng trầm đã đi vào huyền thoại, được ví như dải trầm của đôi loa cột lớn rất nổi tiếng thời đó là ProAc Response 3.
SIGNUM (?): Signum là đôi loa mà Sonus Faber khiến người nghe nhạc thay đổi quan niệm về loa nhỏ. Với loa tweeter dome lụa đường kính 20 mm và loa midwoofer màng bằng sợi thủy tinh đa lớp đường kính 150 mm, Signum có dải tần số cực rộng 40Hz - 20kHz. Ở thời điểm đó, đây là con số đáng mơ ước đối với loa bookshelf.
EXTREMA (1991): Sau 10 năm xuất hiện và để lại nhiều dấn ấn trên thị trường, Sonus Faber quyết định tung ra một cặp loa đặc biệt, vượt qua mọi giới hạn về thiết kế và âm thanh hồi đó. Cặp loa có tên Extrema - có nghĩa là tột cùng. Loa được thiết kế dạng bookshelf, nhưng có lẽ đây là cặp bookshelf lớn nhất mọi thời đại và cho tới giờ kỷ lục vẫn chưa bị xô đổ. Loa tweeter sử dụng model hảo hạng của Dynaudio Esotar T330. Trong khi đó, midwoofer Hexacoil sử dụng khung loa 220mm với màng dịch chuyển 145mm với cuộn dây âm kích thước ngoại cỡ 75mm công suất 200 watt (phần lớn loa có màng 190mm chỉ sử dụng cuộn dây âm đường kính 25-30mm công suất 50 watt). Để tăng cường dải trầm, loa sử dụng màng loa phụ KEF B139. Tuy nhiên không giống trên các thiết kế woofer thụ động, driver này vẫn có mô-tơ và nam châm. Mỗi loa nặng đến 40 kg chưa kể chân đế. Dải tần hoạt động của Extrema rất rộng từ 35Hz - 18kHz. Cách đây gần 30 năm, loa đã có giá 12.500 USD/cặp. Hiện Extrema vẫn được coi là một trong những cặp loa tham chiếu mọi thời đại.
GUARNERI HOMAGE (1993): Đây có thể coi là một cuộc cách mạng trong thiết kế. Với Guarneri Homage, Sonus Faber bắt đầu nghiên cứu chế tạo loa theo hình dạng của các cây đàn, trong trường hợp này là đàn lute. Guarneri Homage là mẫu loa đầu tiên trên thế giới khi kết hợp với bộ chân đá tạo nên một tổng thể mô phỏng cây đàn lute. Cặp loa được đánh giá là một trong những đôi bookshelf dùng để nghe nhạc cổ điển xuất sắc.
CONCERTO (1995-1997): Concerto là mẫu loa bookshelf nhắm tới thị trường bình dân nhưng vẫn giữ chất lượng cao. Do đó không quá khó hiểu khi Concerto gặt hái được những thành tựu khổng lồ và cho đến giờ, nó vẫn giữ kỷ lục là đôi loa bán chạy nhất của Sonus Faber. Nghe giọng hát và nhạc cổ điển trên đôi loa giản dị này là mơ ước của rất nhiều người.
CREMONA (2001-2002): Nếu như trước đó, Sonus Faber nổi tiếng với những mẫu loa nhỏ tinh tế và phá cách thì tới Cremona, hãng lại mang đến một khái niệm mới trong thiết kế loa cột. Vẫn mang sở hữu thiết kế tự như một cây đàn lute, Cremona hơi ngả về sau tạo sự đồng pha cho các driver. Đây là mẫu loa cột có giá tầm trung, nhưng chất lượng âm thanh vượt xa các mẫu loa ngang giá khác. Cho đến bây giờ, Cremona vẫn là đối tượng săn lùng của nhiều người thích nghe nhạc cổ điển.
STRADIVARI HOMAGE (2004): Khi ra đời, Stradivari Homage nằm ở vị trí cao nhất trong số các sản phẩm của Sonus Faber. Nó là một trong những đôi loa tiêu biểu cho thế hệ loa hi-end đầu những năm 2000, mở ra kỷ nguyên mới của dòng loa hi-end ngày nay với khả năng trình diễn âm thanh vừa sống động đến kích động, lại vẫn duy trì được sự tinh tế, chi tiết.
AIDA (2011): Chưa tới 10 năm sau, Sonus Faber lại tung ra cặp loa đầu bảng mới có tên AIDA. Đây là một trong những mẫu loa tiêu biểu cho thời kỳ thiết kế "hậu Franco Sarblin". Cặp loa vẫn kế thừa những đường nét truyền thống, song không ngần ngại đưa vào nhiều thiết kế mới mẻ, táo bạo mà nhà sản xuất gọi là cuộc cách mạng công nghệ. Vào thời điểm này, Sonus Faber đã thuộc quyền sở hữu của nhà phân phối Sumiko tại Hoa Kỳ.
EX3MA (2014): Để kỷ niệm 30 năm thành lập hãng, Sonus Faber thực hiện một dự án "điên rồ" khi tái hiện lại người khổng lồ Extrema. Vẫn mang thiết kế tương tự, nhưng EX3MA hiện đã sở hữu nhiều công nghệ mới.
SF16 (2016): Một lần nữa, Sonus Faber tái hiện mẫu loa đầu tiên SNAIL với tên gọi SF16 để tưởng nhớ Franco Sarblin. SF16 được trang bị nhiều tính năng hiện đại và kiểu dáng "phi thuyền không gian", là mẫu loa của tương lai, phù hợp với những không gian hiện đại và sang trọng.
ELECTA AMATOR III (2019): là phiên bản đặc biệt được Sonus Faber cho ra đời nhằm kỉ niệm cột mốc đáng nhớ 35 năm, do đó, Electa Amator III hội tụ những tinh hoa giá trị nhất mà Sonus Faber có được, bao gồm cả những trang bị hàng đầu về kĩ thuật, cho tới việc sử dụng những vật liệu cao cấp cùng thiết kế sang trọng, tinh tế.
Nhà phân phối: Đông Thành - Hòa Phúc