Bên cạnh các dịch vụ streaming nhạc số trực tuyến phục vụ cho đại đa số người dùng phổ thông, vẫn có nhiều dịch vụ được xây dựng để phục vụ cho đối tượng là audiophile - những người có yêu cầu khắc khe về chất lượng âm thanh. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các dịch vụ này là gì?
Spotify và Apple Music có thể được xem là những dịch vụ streaming nhạc số dẫn đầu hiện nay với lượng người dùng khổng lồ. Tuy nhiên, giữa 2 dịch vụ này và nhiều dịch vụ "ít" nổi tiếng hơn vẫn có một điểm chung: chất lượng âm thanh chỉ ở mức vừa phải. Cụ thể, chất lượng âm thanh tối đa mà Spotify cung cấp là 320 kbps, còn Apple Music là 256 kbps - tức chưa đạt đến mức CD Quality (thông thường là 1,411 Kbps) để audiophile thưởng thức. Và như thế, người chơi audio bắt đầu tìm đến những dịch vụ có chất lượng âm thanh cao hơn, đơn cử như Tidal, QoBuz và Deezer.
TIDAL
Dịch vụ Tidal được thành lập vào năm 2014 bởi Aspiro - một công ty đến từ Na Uy, sau đó quyền sở hữu của dịch vụ này đã thuộc về công ty Project Panther Bidco của anh chàng rapper Jay-Z vào đầu năm 2015. Với nhiều nỗ lực của mình, Jay-Z đã biến Tidal thành một dịch vụ streaming nhạc số được nhiều người biết đến, đặc biệt là nhờ chất lượng âm thanh mà dịch vụ này cung cấp.
Tidal hiện đang cung cấp 2 gói dịch vụ để người dùng lựa chọn cả 2 đều thuộc loại gói trả phí. Trong đó, gói Premium có mức giá là 9,99 USD/tháng và chất lượng cao nhất là 320 Kbps - tương đương với gói Premium của Spotify. Gói còn lại - Hi-Fi, mới chính là lựa chọn đích thực dành cho các audiophile khi cung cấp các tập tin nhạc với chất lượng lên tới 1,411 Kbps và nhạc MQA có chất lượng 24-bit/96kHz. Dĩ nhiên, mức giá của gói Hi-Fi thì lại không hề rẻ: 19,99 USD/tháng. Cả 2 gói Premium và Hi-FI đều cung cấp lựa chọn đăng ký theo dạng Family để người dùng tiết kiệm chi phí khi dùng chung với bạn bè hoặc người thân.
Bên cạnh đó, như một thông báo mới nhất từ Tidal, kho nhạc MQA của dịch vụ này vừa chạm mốc một triệu bài hát trước khi kết thúc năm 2018, góp phần tăng thêm sức hút của gói Hi-Fi đối với các audiophile. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể thưởng thức các tập tin nhạc này qua Tidal trên máy tính hoặc các thiết bị network streamer có hỗ trợ.
QOBUZ
QoBuz thường là cái tên hay bị nhiều người bỏ qua khi đang tìm kiếm một dịch vụ streaming nhạc số chất lượng cao (có thể do không quá nổi bật). Về cơ bản, QoBuz là một dịch vụ đến từ Pháp, được thành lập từ năm 2007 bởi một doanh nhân có tên Yves Riesel. Điểm thú vị của QoBuz là nó cho phép người dùng tải tập tin nhạc về máy bên cạnh việc cung cấp nhạc trực tuyến.
Không như nhiều đối thủ khác, QoBuz hiện chỉ mới có mặt khoảng 9 quốc gia: Pháp, Đức, Anh, Ireland, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Điển và Áo. Vào cuối năm 2017, dịch vụ này mới tiếp tục phủ sóng thêm tại Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha. Trong khi đó, Tidal hiện đã có mặt ở trên 52 quốc gia khác nhau.
Về các gói dịch vụ, QoBuz hiện đang cung cấp đến 4 lựa chọn khác nhau. Nếu là audiophile, bạn có thể bỏ qua gói cơ bản có giá 9,99 USD/tháng với chất lượng nhạc chỉ 320 Kbps và tập trung vào 3 gói còn lại, bao gồm:
- Hi-Fi - 19,99 USD/tháng, cung cấp nhạc với chất lượng cao nhất là 16-bit/44 KHz (định dạng FLAC)
- Sublime - 219,99 USD/năm, cung cấp nhạc với chất lượng cao nhất là 16-bit/44.1 KHz (định dạng FLAC), cho phép người dùng tải nhạc về với chất lượng cao nhất là 24-bit/192 KHz (định dạng FLAC).
- Sublime Plus - 349,99 USD/năm, hình thức tương tự gói Sublime nhưng người dùng có thể nghe nhạc trực tuyến với chất lượng lên tới 24-bit/192 KHz (định dạng FLAC).
DEEZER
Bạn không thích dùng Tidal nhưng lại không dùng được Qobuz do nằm ngoài vùng được hỗ trợ? Deezer sẽ có thể là một lựa chọn tương đối thích hợp trong những hoàn cảnh như thế này. Đây cũng là một dịch vụ đến từ Pháp, song lại là một gương mặt còn khá non trẻ trong thị trường streaming nhạc số chất lượng cao.
Vì sao Deezer lại được xem như một chàng "lính mới"? Được biết, dịch vụ này mới chỉ cung cấp gói nghe nhạc chất lượng cao Elite (giá 14,99 USD/tháng) vào hồi tháng 9/2014 nhờ cuộc hợp tác với hãng loa thông minh Sonos. Do một số ràng buộc giữa cuộc hợp tác này, gói Elite của Deezer chỉ có thể sử dụng được trên loa Sonos và chất lượng âm thanh cao nhất là 16-bit/1,1411 Kbps (tức CD Quality).
Vào năm 2017, Deezer đã quyết định đổi tên gói Elite thành Hi-Fi, đồng thời mở rộng đối tượng có thể sử dụng được gói này. Cụ thể, người dùng có thể thưởng thức nhạc số chất lượng cao trong gói Deezer Hi-Fi ngay trên máy tính Windows và Mac, loa Sonos, thiết bị Yamaha MusicCast và một số thiết bị network audio. Deezer Hi-Fi hiện có mức giá là 11,99 USD/tháng và đang giảm giá còn 8,99 USD/tháng - một mức giá khá "mềm" khi so sánh với Tidal và QoBuz.
T+A E R1000E
Đây là thiết bị có thể hỗ trợ được cả 3 dịch vụ streaming nhạc số trực tuyến chất lượng cao mà chúng tôi đề cập ở trên. Được ra mắt từ cuối năm 2016, R1000E vẫn là sản phẩm chỉ được T+A phân phối giới hạn tại một số thị trường nhất định, trong đó có Việt Nam. Do cũng là một thành viên thuộc dòng R Series, R1000E được thừa hưởng khá nhiều công nghệ và thiết kế mạch độc đáo từ những sản phẩm tiền nhiệm cùng dòng.
Việc đầu tư vào một thiết bị như R1000E sẽ giúp người dùng có thể trải nghiệm nhạc số trực tuyến theo một cách chuyên nghiệp hơn. Thông qua ứng dụng TA Control (có trên Android và iOS), người dùng có thể truy cập vào các dịch vụ Tidal, QoBuz hay Deezer và phát trực tiếp ngay trên thiết bị này. Các tín hiệu nhạc số chất lượng cao từ Internet sẽ được tiếp nhận và giải mã bởi module DAC 32-bit double-mono differential converter trên R1000E, bảo toàn chất lượng trước khi gửi đến các thiết bị khuếch đại trong hệ thống, đem tới cho người dùng một trải nghiệm tốt nhất có thể.
Một điểm đáng khen trên R1000E là việc hãng cẩn thận bố trí đến 2 anten gắn ngoài dành cho các kết nối không dây, thay vì sử dụng anten ngầm như thường thấy. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng và độ ổn định kết nối khi sử dụng trên R1000E sẽ được đảm bảo hơn rất nhiều so với nhiều thiết bị khác.
Nhà phân phối: Aptronnics
Đại lý bán lẻ: HiFi World