ĐÁNH GIÁ CHUNG
Manger là một trong những cặp loa monitor có không gian, nội lực vượt qua cả những đôi loa cột thông thường. Cặp loa có trung âm tự nhiên và dải trầm sâu, êm đáng ngạc nhiên.
ƯU ĐIỂM
Thiết kế chắc chắn, tinh tế từ nước Đức
Nhạc tính cao, nghe hay với nhiều dòng nhạc
Dải trầm sâu và mạnh mẽ với độ chi tiết cao
Âm thanh tổng thể tự nhiên, trung âm hơi ấm
Không gian âm nhạc rộng rãi
NHƯỢC ĐIỂM
Loa rất nặng và lớn, cần set-up cẩn thận
Loa đòi hỏi ampli tương xứng: dòng cao, công suất lớn
GIÁ THAM KHẢO
169,600,000 VNĐ
ĐIỂM
9/10 điểm
Được sản xuất tại nước Đức - một trong những cái nôi của âm nhạc cổ điển và khoa học công nghệ - Mager Z1 sở hữu hàng loạt điểm mới lạ khiến người nghe khó cưỡng lại việc muốn được thưởng thức nó lâu dài.
Thương hiệu loa Đức với 50 năm lịch sử
Manger là thương hiệu loa có trên 50 năm lịch sử của nước Đức. Nó ra đời từ tình yêu âm nhạc hợp với niềm đam mê âm thanh của kỹ sư tài năng Josef W. Manger. Ông là người sở hữu hàng loạt phát minh về âm thanh mang tính cột mốc trong nền công nghiệp audio từ nhiều thập kỷ trước.
Nếu như chỉ ngắm nhìn Z1 hiện diện trong test-lab của chúng tôi, hiếm ai có thể hình dung ra được người chế tạo ra cặp loa thanh lịch và giản dị kia lại là một trong những “audio hero”.
Năm 1968, ông đã chế tạo ra được chiếc woofer đầu tiên trên thế giới có khả năng tái tạo tiếng trầm một cách hoàn hảo ở tần số 7 Hz! Năm 1972, ông chế tạo ra máy biến âm điện từ. Thực chất, nó là củ loa đặc biệt với màng loa phẳng phẳng được gắn với cuộn dây âm.
Cho tới năm 1974, công trình này được đưa vào ứng dụng thực tế với sự ra đời của driver/transducer W02. Trong những năm tiếp theo vào 1974, 1975, Manger đã thuyết trình về sản phẩm của mình trước tất cả những kỹ sư, giáo sư khả kính nhất của ngành công nghiệp âm thanh tại Hội nghị AES (Audio Engineering Society – Copenhagen, Đan Mạch) và tại Viện Kỹ sư Điện tử (IEE – London, Anh).
Đến năm 1978, Manger Sound Transducer và Manger Sound System đã chính thức trở thành thương hiệu Đức. Năm 1982, Manger được Viện Phát minh Đức trao tặng huân chương Diesel Bạc. Mặc dù có nhiều đóng góp cho nền công nghiệp âm thanh, nhưng mãi tới năm 1986, Manger mới chính thức cho ra đời mẫu loa thương mại đầu tiên MSS (bản active). Sản phẩm này được dùng rộng rãi tại Đức, Áo và Thụy Sĩ như loa monitor tham chiếu trong phòng thu.
Nếu như người chơi audio phổ thông ở Việt Nam chưa biết đến Manger đủ nhiều như sự nổi tiếng của nó ở châu Âu và trên thế giới thì cùng không có gì quá ngạc nhiên. Bởi nhẽ, Manger là thương hiệu có phổ sản phẩm rất rộng mà loa nghe nhạc gia đình chỉ là một nhánh trong số đó.
Tại châu Âu, người ta có thể dễ dàng bắt gặp Manger trong nhà thờ, rạp hát, phòng thâu âm hay thậm chí trong một câu lạc bộ thượng lưu ở Paris, London hay Berlin. Âm thanh của nó, dù phục vụ cho mục đích tôn giáo, giải trí, sản xuất nhạc, biểu diễn hay nghe nhạc tại gia đều được hiệu chỉnh sao cho tối ưu nhất với mục đích phục vụ. Và cho dù làm việc trong môi trường nào, Manger cũng luôn là thương hiệu được người sử dụng đặt niềm tin tuyệt đối.
Sự thành công của Manger trong ngành công nghiệp âm thanh càng được khẳng định khi vào năm 2009, tạp chí Professional Audio bình chọn MSMc1 là “loa studio monitor số một thế giới”.
Với lợi thế chế tạo loa pro (dòng active), Manger đã phát triển các mẫu loa active hi-end từ dòng bookshelf cho tới loa cột. Tuy nhiên, cặp loa mà chúng tôi trải nghiệm lần này là Z1 - một mẫu loa passive dòng “nhập môn” của Manger.
Trải nghiệm
Ấn tượng đầu tiên về Manger Z1 là lớn và nặng. Z1 có kích thước xấp xỉ với cặp loa huyền thoại AR3, nhưng hẹp ngang và sâu hơn. Với trọng lượng lên tới 26kg, việc di chuyển, kê đặt Z1 tương đối khó khăn nếu bạn không phải là người có sức vóc và không được ai hỗ trợ.
Khó có thể nói Z1 là loa bookshelf - loa giá sách. Việc đặt loa lên giá sách hoặc giá đồ chỉ phù hợp với những dòng mini monitor như ProAc Tablette, Totem Mite hay AE1. Còn như Z1, buộc bạn phải bố trí lên một bộ chân loa chắc chắn.
Ấn tượng tiếp theo là cặp driver của Z1. Nhìn từ xa, có cảm giác như loa sở hữu 2 driver giống nhau vì đường kính của 2 loa hoàn toàn tương đương. Nhưng sau khi tháo màng chắn, chúng tôi nhận thấy cặp loa có driver khá đặc biệt.
Chiếc driver phía trên có màng phẳng hoàn toàn, chính là chiếc Transducer độc quyền của hãng với màng loa 3 lớp có dải tần số cực rộng, từ 80 Hz đến 40 kHz. Thực chất, đây là loa full-range (loa dải rộng). Chỉ cần một driver này cũng có thể nghe tốt nhiều loại nhạc. Song để bổ sung trọn vẹn dải tần, Manger đã bố trí một woofer có giới hạn tần số thấp xuống dưới ngưỡng 40 Hz.
Và ấn tượng tiếp theo, nhưng đặc biệt nhất chính là khi Manger Z1 cất giọng. Tôi có cảm giác như đang nghe một cặp loa toàn dải cao cấp nhưng với độ mở về tần số thấp và tần số cao tốt hơn nhiều, đồng thời, trung âm cũng êm hơn.
Có tới trên 90% âm thanh của một đĩa nhạc mà bạn nghe sẽ rơi vào driver dải rộng của Z1. Đó là lý do tại sao Z1 chơi nhạc tự nhiên, nhuyễn và liền lạc đến như vậy. Tôi gần như không cảm thấy có một khoảng hụt hoặc dư thừa về năng lượng nào trong toàn bộ dải tần của Z1.
Với album Schubert: Sonata for Arpeggione/Schumann: Fantasiestücke, viết cho Cello và Piano qua sự trình tấu của Mischa Maisky và Martha Argerich, hiếm khi nào nghe được tiếng Cello liền lạc như vậy trong suốt khoảng chạy nốt của Mischa từ cao đến thấp. Và đặc biệt, phần đệm của Martha Argerich tinh tế với từng nốt đàn như thả vào không gian lấp lánh. Tiếng piano của Martha vừa thuần khiết, vừa nội lực các bè trầm được tái tạo có chiều sâu và độ lan tỏa tốt, trong khi đó, những nốt cao có độ ngân – vang – sóng sánh vừa đẹp như những hài âm thực thoát ra từ thùng đàn.
Một trong những thách thức đối với các nhà sản xuất loa là phải chế tạo được bộ phân tần sao cho việc gắn kết giữa các driver càng tự nhiên càng tốt, như thể chúng là một. Song hiếm có cặp loa nào làm được điều này. Vậy nên sử dụng một driver dải rộng và bổ sung một chút bè trầm của Z1 quả thực là giải pháp khôn ngoan.
Khi nghe những bản nhạc giao hưởng có độ tương phản động lớn, từ những nốt nhạc nhỏ, nhẹ ở góc xa sân khấu cho tới khi cả dàn nhạc bùng nổ chơi tutti như Symphony Dance của Rachmaninoff hay Danse Macabre của Saint Saen, tôi có thể cảm nhận được khá rõ sự tham gia của các loại nhạc cụ, ở những sắc thái khác nhau một cách độc lập cũng như trên góc độ tổng thể của dàn nhạc. Các bè, các quản phối với nhau chặt chẽ, dệt nên một không gian âm nhạc hoành tráng, lúc hoan ca, khi ma mị đầy hấp dẫn.
Sở dĩ Z1 làm được điều này là do chiếc Transducer của Manger với khả năng giao động đồng thời cả tần số cao (từ vị trí tâm) cho tới tần số trung và thấp (vị trí hướng ra mép) cùng lúc nên các giao động có độ đồng pha tuyệt đối. Nhờ vậy mà âm thanh trở nên chi tiết chứ không bị hiện tượng triệt tiêu gây mờ và rối do ngược pha.
Giọgn hát của ca sỹ được tái tạo bởi Z1 có độ tròn trịa, dày dặn và hiện khối 3D rõ ràng. Nếu đẩy volume lên một chút, giọng ca sẽ trở nên rõ tới mức lồng lộng trong không gian phòng. Nhạc lớn, giọng hát lớn nhưng vẫn êm và không có biểu hiện của méo tiếng. Tiếng hát của ca sỹ có sự ấm áp của giọng ngực, nhưng vẫn có độ thanh thoát và bay, vang khi nhả chữ. Với kỹ thuật tái hiện âm thanh như vậy, Z1 cho người nghe cảm giác về sự hiện diện của ca sỹ trong phòng, và cho người nghe thấy rõ cả kỹ thuật lẫn cảm xúc của người thể hiện. Đây chính là đặc tính studio monitor Z1 thừa hưởng từ mã gen Manger.
Cuối cùng, đúng như triết lý của Josef W. Manger, chỉ những cặp loa thùng kín mới có thể tạo ra những tiếng trầm chính xác nhất. Nếu như bạn từng nghe một cặp loa Magico trình diễn, hẳn sẽ đồng ý với tôi về điểm này. Và ở một mức giá dễ chịu hơn nhiều, Manger Z1 với thiết kế thùng kín với woofer 3 lớp gồm carbon trộn sợi giấy cũng tái hiện được tiếng trầm rất đẹp.
Dải trầm của Z1 đầy, sâu nhưng chi tiết và uyển chuyển, có thể chơi tốt với nhiều dòng nhạc đòi hỏi tiếng trầm như symphony, EDM hay heavy metal. Với rock, tôi xiết volume lên cực lớn, ngưỡng 2h (cảm ơn hệ thống khuếch đại của hi-end của CAT) mà âm thanh chỉ lớn lên theo các chiều không gian, ép phê nhưng vẫn êm tai mà không méo tiếng. Tiếng trống bass dội cực mạnh và sâu trong các hits như She’s gone, Everybody loves Eileen (Steelheart) nghe đã vô cùng. Chưa cần tới subwoofer, Z1 cũng có thể chơi rock một cách chững chạc với đầy đủ tinh thần của một buổi trình diễn lớn.
So sánh
Ở tầm giá của Manger Z1, có một số dòng loa bookshelf/monitor cao cấp khác như Dynaudio Confidence C1 Platinum, Totem Element Ember cũng được người nghe đánh giá cao. Nếu xét về độ tinh tế, về nhạc tính và sự duyên dáng thì Z1 khá tương đồng với C1 Platinum. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ dải trầm của Z1 rộng và sâu hơn. Ngược lại Confidence C1 lại có dải cao vô cùng tinh tế và quyến rũ. Còn đối với Element Ember, nếu như cặp loa này có độ tương phản động và tốc độ vượt lên trên Z1 thì cặp loa của Manger lại có độ uyển chuyển, mềm mại, dễ nghe hơn.
Kết luận
Trong vô số các thương hiệu loa hiện nay, phải thừa nhận Manger là một trong những thương hiệu giàu truyền thống và sở hữu những thiết kế thực, đáng nể trọng. Ngay cả một cặp loa nhập môn như Z1, cũng được trang bị gần như trọn vẹn những thiết kế hàng đầu của nhà sản xuất.
Âm thanh của Z1 rất đặc thù. Nó vừa rộng rãi, khoáng đạt và ngọt ngào với tinh thần giải trí cao, vừa có độ chính xác và tự nhiên như một thiết bị studio tham chiếu. Và với thể loại nhạc nào, Z1 cũng có thể tái hiện được chính xác tinh thần của thể loại đó, dẫu là Bolero, Pop, Rock, EDM hay nhạc cổ điển.
Manger Z1 là cặp loa monitor hi-end có khả năng cạnh tranh cao về thiết kế lẫn trình diễn âm thanh. Tuy thương hiệu mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng Manger đáng để trải nghiệm.
Nhà phân phối: NGUYỄN AUDIO
Hệ thống phối ghép
Pre-amp: CAT SL1 Renaissance
Power-amp: CAT JL5
CD: McIntosh MCD 550, Ayre CX 7eMP
Dây nguồn: Purist Audio 30th Anniversarry
Dây tín hiệu và dây loa: Van Del Hul