JBL D44000 Paragon

JBL D44000 Paragon một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng của nền công nghiệp chế tạo loa do JBL chế tạo. Đây cũng là thiết bị có tuổi thọ kỷ lục, bắt đầu được chế tạo từ năm 1957 và chỉ ngừng sản xuất vào năm 1983 khi được thay thế bởi model Everest. Ở thời điểm ra đời, Paragon là hệ thống loa đắt nhất trên thị trường với giá bán 1.830 USD (1957), tương đương 15.000 USD vào thời điểm hiện tại. Với hình thức nom giống như một chiếc tủ ly duyên dáng hơn là một hệ loa phóng thanh, Paragon là sản phẩm bước ngoặt của JBL, được những đại gia lắm của nhiều tiền, người nổi tiếng lùng mua như một món đồ để thể hiện đẳng cấp. Là cặp loa ở hạng ultra-hiend nhất là vào thời điểm vài chục năm trước, khoảng 1000 hệ loa Paragon được JBL bán ra trong suốt 26 năm hiện diện trên thị trường. Cho đến này nay, dân sưu tầm vẫn thi nhau săn lùng biểu tượng này, ngay cả khi âm thanh của nó không còn được nguyên vẹn sau quá trình phục chế, bởi cặp “trẻ” nhất tính đến nay cũng ngoài 30 tuổi. Paragon là hệ loa kèn được thiết kế phát âm theo kiểu stereo (âm thanh nổi), dựa trên những nghiên cứu về nguyên lý tán âm do Richard Ranger, cố vấn kỹ thuật của JBL phát triển. Khi ra mắt (1957), Paragon cũng là hệ loa stereo đầu tiên trên thế giới được sản xuất cho mục đích gia dụng. Điểm đặc biệt của hệ loa này là phát thanh 2 đường tiếng (stereo), song toàn bộ driver lại được xếp trong một chassis liền khối với chiều dài tới gần 3 m. Col. Richard R. Ranger, kỹ sư tiên phong của nền công nghiệp âm thanh trong lĩnh vực điện ảnh đã khái quát hóa được những vấn đề chính của việc tái tạo âm thanh stereo. Những giải pháp của ông được ứng dụng thành công trên Paragon. Ông chia hệ loa thành nhiều phần, trong đó âm thanh từ các loa con sẽ khúc xạ trên những bề mặt cong (panel gỗ) bên trong thùng loa để tạo ra âm hình stereo rộng, chuẩn xác và được bảo toàn ổn định ở mọi điểm trong không gian phòng nghe. Phiên bản đầu tiên là thiết kế 2 đường tiếng với 2 driver bass 150-4C sử dụng cuộn dây âm thanh 4 inch và một cặp kèn e-líp H5038P-100. Về cơ bản, 5038 là driver midrange nên tín hiệu sẽ suy hao khi đạt ngưỡng 15kHz. Cho đến ngày nay, Paragon vẫn là 1 trong những chiếc loa thuộc loại “cồng kềnh” nhất với bề ngang xấp xỉ 2,7m, chiều cao 0,9m cùng trong lượng tới 390kg! Cho tới năm 1960, sau khi tiếp nhận phản hồi từ một số nhà phân phối ở nước ngoài, Paragon đã được điều chỉnh thành loa 3 đường tiếng. Người ta bổ sung thêm một cặp tweeter vòng nhẫn 075, được lắp từ phía sau thùng và hướng về phía “điểm ngọt”. Phân tần do đó cũng phải xử lý lại với điểm cắt cho mid-bass là 500 Hz, và mid-treble từ 7 kHz trở lên. Ngày nay, Pragagon vẫn là món đồ được nhiều người săn đón, mặc dù những hệ loa này không còn giữ được chất âm nguyên bản mà phụ thuộc vào tay nghề của người phụ chế, phụ thuộc vào chất lượng linh kiện thay thế. Tuy nhiên, nét độc đáo chủ đạo trong trình diễn của những chiếc loa Paragon vẫn được lưu giữ trên từng sản phẩm. Khi Paragon cất tiếng, cảm nhận đầu tiên là không gian âm nhạc rộng lớn bao trùm toàn bộ phòng nghe, và người nghe không cần phải ngồi ở “điểm ngọt” mới thưởng thức được âm thanh của nó một cách trọn vẹn.

JBL Paragon: Blues: Vocal, Bass, Soundstage

Bất chấp kích thước quá khổ, Paragon hoàn toàn biến mất trước mắt người nghe và để mặc cho dòng thác âm thanh tuôn trào. Tiếp theo là sự hiện hữu rõ nét, ổn định của người ca sỹ và các nhạc công trong phòng nghe. Nhiều cặp loa thế hệ mới cho đến thời điểm này cũng khó có thể xác lập được hình âm chính xác như Paragon.

JBL Paragon: Electro/Jazz/Vocal

Về mặt âm sắc, Paragon mang tông màu trầm, ấm với trung âm dày, cực kỳ chi tiết song vẫn giữ được nhạc tính cao, rất dễ nghe. Dĩ nhiên, cặp loa vẫn mang một số hạn chế nhất định có tính lịch sử ở thời điểm mà nó ra đời. Độ tĩnh, sạch của nền âm chưa thật cao, và âm bass, tuy rất uy lực, sâu, rền, song cũng vì thế mà có đôi chút lấn lướt phần trung trầm. Hẳn không phải tất cả các nhà sưu tập ngày nay  tìm Paragon chỉ để ngắm, bởi âm thanh của nó, vẫn toát lên sự mê hoặc khó cưỡng.

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận