Avantgarde UNO XD: Đưa nhạc “sống” về nhà

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Avantgarde UNO XD là cặp loa kèn sở hữu nhiều công nghệ chế tác tối tân để tạo nên âm thanh tự nhiên, chi tiết và truyền cảm khi thể hiện nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Loa có độ nhạy cao và được trang bị sẵn ampli class cho woofer nên không kén ampli.


ƯU ĐIỂM

Thiết kế đẹp, hiện đại
Có thể tinh chỉnh để chơi tốt nhiều dòng nhạc trong các không gian khác nhau
Âm thanh rộng mở chi tiết và tinh tế
Không gian âm thanh rộng với trường âm sâu
Trung âm đặc biệt truyền cảm và sống động


NHƯỢC ĐIỂM

Cần dành thời gian để học cách tinh chỉnh để loa trình diễn tối ưu
Cần không gian đủ rộng giữa loa và vị trí nghe để âm thanh hài hòa nhất
Không phải là dòng loa dành cho tín đồ nhạc rock


GIÁ THAM KHẢO

628,296,000 VNĐ


Thông số kỹ thuật

Kiểu loa: Loa kèn, 4 loa con, 3 đường tiếng.
Tần số đáp ứng: Loa siêu trầm 18-500Hz
Nhóm loa kèn 290-20.000Hz
Tần số cắt: 290Hz/3000Hz.
Kích thước loa bass: 250mm
Đường kính/độ dài loa kèn:
Họng kèn mid: 500/280mm
Họng kèn treble: 130/65mm
Công suất ampli tích hợp: 1000W.
Kích thước loa: Rộng 529mm, Sâu 590mm, Cao 1370mm.
Khối lượng tổng thể: 80kg.


ĐIỂM

10/10 điểm

UNO XD có thể coi như một trong số không nhiều những cặp loa hi-end “truyền cảm hứng” lâu dài cho người nghe. Thứ âm nhạc mà cặp loa tái hiện mang một nguồn năng lượng đặc biệt, giàu sức sống.

Hoài niệm

Còn nhớ tại triển lãm Hi-end Show 2006, trong một khán phòng lớn ở khách sạn Horizon (nay là Pullman), Audio Hoàng Hải đã trình diễn dàn loa kèn Avantgarde Trio cùng 6 chiếc Basshorn. Thuở ấy nó như một sự kiện trấn động giới hi-end ở Việt Nam. Hiếm khi người ta được chiêm ngưỡng một dàn máy hi-end nào bề thế, đẹp và đắt đỏ như vậy. Nhưng vượt lên tất cả là màn trình diễn thuyết phục khiến khách tham quan phải thốt lên: “Thế này thì việc gì phải đi Nhà hát Lớn nữa!”

Âu cũng là một sự xúc động và cảm xúc thăng hoa khi được thưởng thức một kiệt tác hi-end của thế giới vào thời điểm ấy, khi mà các thương hiệu hi-end vào Việt Nam chưa nhiều. Nhưng cũng vào quãng những năm 2006, 2007 khi thị trường chứng khoán bùng nổ và tiếp theo là sự thăng hoa của thị trường bất động sản thì nhu cầu mua sắm dàn máy hi-end cũng tăng mạnh. Nhờ đó mà tinh hoa hi-end của thế giới cũng lần lượt rủ nhau về Việt Nam để giới mộ điệu có dịp thưởng thức.

Không ít người có tiền sẵn sàng chi bạc tỉ cho một dàn máy hi-end bởi trong khoảng thời gian đó, dường như cả xã hội chỉ nói chuyện bạc tỉ trở lên. Còn với cánh mê máy, nhưng không phải dân làm ăn thì vẫn có cơ hội thưởng thức hi-end một năm vài lần vào mỗi dịp triển lãm hi-end. Hoặc giả, thi thoảng lại hẹn nhau café và “thẩm hi-end” tại tư gia của một audiophile mến khách nào đó để cùng tận hưởng vẻ đẹp của hi-end.

Bẵng đi một thời gian, khi kinh tế thế giới đi vào giai đoạn suy thoái thì người ta dành sự tập trung vào cơm áo gạo tiền hơn là nghe nhạc, chơi máy. Thị trường loa máy trầm lắng trong vài năm. Cũng vì thế mà những triển lãm loa máy cũng bớt đi sự nhộn nhịp, ít xuất hiện các thương hiệu mới. Mọi sự vận động trong tự nhiên và xã hội đều không nằm ngoài quy luật “bạo phát, bạo tàn”.

Cho tới 4-5 năm trở lại đây, khi kinh tế dần hồi phục ổn định thì thị trường hi-end cũng theo đó phát triển trở lại. Các nhãn hiệu hi-end cũng dần quy tụ và nóng dần lên ở Việt Nam, trong đó có Avantgarde. Có lần, tôi được mời tới thăm và thưởng thức một cặp Avantgarde Trio kèm một đôi Basshorn ở khu Tân Bình. Điều thú vị là dàn máy này được bố trí trong phòng làm việc của Giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân khá lớn. Nó nằm trong một tổng thể văn phòng, nhà xưởng, ko bãi quy mô.

Vị giám đốc là một người yêu nhạc và am hiểu về kỹ thuật. Bởi vậy nên ông rất rành trong việc bố trí, phối ghép dàn máy. Lần đó tôi được nghe dàn loa lớn của Avantgarde ghép chung với bộ ampli của Kondo và nguồn phát từ máy chơi đĩa nhựa Clearaudio. Âm thanh của nó truyền cảm và sống động như một sân khấu live. Chỉ có loa kèn hoặc loa mành mới có khả năng tái tạo sân khấu lớn tới mức khiến người nghe có cảm giác như đang nghe nhạc live thực sự. Âm thanh không còn bị bó lại giữa, hoặc xung quanh loa. Khi đó, âm nhạc nở rộ, tỏa đều và khỏa lấp mọi ngóc ngách trong nhạc phòng. Để có được nguồn năng lượng lớn cỡ đó, chỉ có thể là thiết kế siêu hiệu suất của họng kèn, hoặc panel tấm lớn của loa mành.

Ngay tại thời điểm đó, tôi có một ao ước. Ước được ít nhất một lần biến không gian nghe nhạc của mình thành sân khấu nhạc sống giống như vậy, với dàn loa kèn Avantgarde. Mong muốn ấy được bảo lưu trong nhiều năm. Cho tới cách đây chừng một tháng thì tôi không còn ao ước nữa, bởi nó đã trở thành sự thực. Nhà phân phối chính thức của Avantgarde tại Việt Nam đề nghị để chúng tôi trải nghiệm dàn loa này tại phòng nghe của Stereo.

Mô tả

Model được chuyển tới và bố trí trong không gian nghe nhạc của tôi tại Stereo là mẫu Avantgarde UNO XD. Mặc dù là mẫu đứng thứ 2 từ dưới lên, chỉ trên dòng loa nhập môn Zero, nhưng UNO XD vẫn khá lớn. Khi đặt vào không gian phòng nghe 30m2 và gắn miệng kèn tweeter, midrange lên, UNO XD nom vừa bề thế, lại duyên dáng. Hai tháp loa chính có màu đen và 4 họng kèn màu đỏ phối nên màu sắc vừa gần gũi, vừa ấn tượng. Nó tạo điểm nhấn thị giác hiệu quả mà lại hài hòa với các đồ nội thất còn lại trong phòng. Với thiết kế sử dụng những hình khối căn bản gồm tháp loa vuông vức và các miệng kèn tròn đều, UNO XD như một món đồ trang trí sáng giá cho mọi phong cách nội thất khác nhau, từ cổ điển cho tới hiện đại. Ngay cả trong không gian nội thất theo hướng hoài cổ của chúng tôi thì UNO XD cũng tỏ ra hài hòa.

Avantgarde UNO XD: Đưa nhạc “sống” về nhà

Avantgarde UNO XD được thiết kế mang lại sự hài lòng tối đa cho khách hàng. Không giống như nhiều mẫu loa khác, chỉ có thể trình diễn theo một thiết kế duy nhất do đó việc lựa chọn phòng nghe và ampli đôi khi lại gây trở ngại không nhỏ cho người chơi, Avantgarde UNO XD có thể tinh chỉnh để chơi hay nhất trong nhiều không gian khác nhau, với nhiều kiểu ampli khác nhau và nhiều dòng nhạc, gout nghe khác nhau.

Nhờ được trang bị sẵn một bộ ampli để đánh dải dưới với công suất lên đến 1.000 watt, việc lựa chọn ampli cho UNO XD trở nên khá dễ dàng. Chúng tôi có thể dùng nhiều loại ampli từ ampli bán dẫn, ampli đèn cho tới ampli kỹ thuật số để ghép với cặp loa này. Tuy nhiên, để đảm bảo trung âm đẹp nhất theo mong muốn, chúng tôi đã sử dụng chiếc ampli đèn Evo 300B của Mastersound với công suất 24 watt/kênh sử dụng 4 bóng đèn công suất 300B. Đầu phát là chiếc CD kiêm USB DAC Simaudio Moon Evolution 650D.

Trải nghiệm

Âm nhạc từ hệ thống này phát ra giàu sinh khí một cách kỳ lạ. Nhiều người chơi âm thanh từng có nhận xét: “âm thanh của loa kèn, và loa mành có khả năng gây ám ảnh cho người nghe”. Điều này có lẽ đúng. Ám ảnh bởi nó phát nhạc không giống như những dòng loa thùng thông thường người ta vẫn nghe. Không cần phải cố gắng, cặp loa cũng có thể nhẹ nhàng thống trị cả không gian phòng nghe bằng âm nhạc, và là thứ âm nhạc tinh tế, sinh động với độ chân thực cao.

Avantgarde UNO XD: Đưa nhạc “sống” về nhà

Tôi bắt đầu thưởng thức hệ thống với album nhạc nhẹ Trăng Khuyết mang nhiều âm hưởng dân gian của Tân Nhàn. Nữ ca sỹ có chất giọng soprano đẹp, cùng thời với nhóm ca sỹ có chất giọng đẹp nhất như Anh Thơ, Lan Anh, Phương Nga… Âm thanh của UNO XD rõ và chi tiết tới mức, tôi có cảm giác như mình có thể “đi” vào giữa dàn nhạc mà đứng chung với nhạc công. Tuy có chất giọng cực tốt nhưng Tân Nhàn không lạm dụng kỹ thuật ở album Trăng Khuyết, dường như cô để cho cảm xúc dẫn lối trong từng tác phẩm.

Hẳn nhiều người còn nhớ vào cuối những năm 80, 90 khi ca khúc Đợi (nhạc Huy Thục - thơ Vũ Quần Phương) lần đầu được phát lên sóng truyền hình đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả. Đợi mang âm hưởng của chèo, duyên dáng, tình tứ và giàu nét trữ tình. Chưa dừng ở đó, tứ thơ, lời thơ của Đợi quá đẹp và sâu lắng. Nó đẹp như một câu chuyện tình dang dở với mối tình chôn giấu trong sâu thẳm tâm hồn mà dường như, ai cũng giữ cho mình một góc.

Avantgarde UNO XD: Đưa nhạc “sống” về nhà

Qua UNO XD, bản Đợi trong Trăng Khuyết được khởi lên với tiếng đàn đáy lảy từng giọt căng tròn, gieo vào lòng người nghe âm hưởng dân gian bắc bộ đầy hoài niệm. Cách luyến láy tình tứ và tinh tế của Tân Nhàn thêm một lần nữa bồi đắp chất liệu dân gian cho ca khúc. Cả dàn nhạc họa lên một sân khấu lớn bao trùm lấy nhạc phòng như thể đặt người nghe trong không gian mà ban nhạc đang thực hiện bản phối. Ở khoảnh khắc ấy, tôi không thể phân định được là dàn máy “biến mất” khỏi phòng nghe, hay chính tôi đã trôi dạt về miền cảm xúc mà tác phẩm đưa tới. Có lẽ đây cũng cái đích của mỗi thiết bị nghe nhạc, mà càng là cái đích dòng máy hi-end nhắm tới: mang lại cảm xúc âm nhạc đích thực chứ không chỉ tái hiện những tiếng động vô hồn.

Kiểu trình diễn của UNO XD cuốn người nghe vào không gian cảm xúc của tác phẩm. Đó là lý do khiến khi nghe nhạc qua cặp loa này, tôi không bị tác động bởi các dải âm bổng - trung - trầm để đánh giá nó theo những tiêu chí phân tách của các thiết bị audio thông thường. Thế mạnh của cặp loa nằm ở khả năng hài hòa nhiều năng lực trình diễn khác nhau, từ độ chi tiết cao, độ rộng đáng nể của không gian trình diễn, độ cân bằng giữa các dải âm, tốc độ xử lý nhanh gọn dứt khoát cho tới khả năng kiểm soát năng lượng cực tốt.

Avantgarde UNO XD: Đưa nhạc “sống” về nhà

Chính nhờ những ưu điểm trên mà UNO XD có thể nghe tốt nhiều dòng nhạc khác nhau (trừ nhạc rock chưa thực sự khiến tôi thỏa mãn). Để nghe hay với những dòng nhạc có tiết tấu chậm và đều, ít nhạc khí là điều không khó với các thiết bị hi-end bây giờ. Tuy nhiên, hay đến đâu và ở đẳng cấp nào lại là một chuyện khác. Với các thể loại nhạc được liệt vào dễ nghe như pop, jazz đương đại, blues, nhạc trữ tình… thì qua UNO XD, gần như người nghe khó có thể đòi hỏi gì hơn. Nhưng để xác định “chân tài thực học”, khả năng của một cặp loa tới đâu, nhiều khi người ta phải sử dụng đến các bản nhạc cổ điển.

Nhạc cổ điển dùng nghe thử dàn loa không phải để cho sang, cũng chẳng để cho oai. Chỉ đơn giản là với một dàn nhạc cổ điển, cặp loa phải thể hiện được không gian đủ tốt để mở ra sân khấu rộng, có lớp lang bóc tách giữa các bè các quản; nó cũng phải có âm sắc đủ trung tính và trung thực để tái tạo tự nhiên hàng chục loại nhạc cụ khác nhau mà không khiến người nghe bị lẫn; mô-tơ và màng loa cũng phải hoạt động đủ nhanh và chính xác để tái tạo không sai sót những đoạn tutti của dàn nhạc - nhanh, mạnh, dứt khoát không rối; và tất cả các chi tiết âm thanh ấy phải hòa quyện với nhau như một đường thẳng tuyến tính không thừa, không thiếu khiến có những quãng âm bị hụt, lại có những quãng bị bồi lên thái quá khiến âm nhạc mất đi tính tự nhiên vốn có.

Avantgarde UNO XD: Đưa nhạc “sống” về nhà

Và UNO XD nhẹ nhàng vượt qua được tất cả thử thách trên khi chúng tôi trải nghiệm với các tác phẩm cổ điển “hóc búa” như bản giao hưởng số 9 của Beethoven, bản concerto số 1 viết cho piano của Tchaikovski, bản Tân thế giới của Dvořák… Nhưng chỉ có thể làm được vậy với một điều kiện, người nghe cần dành thời gian để tinh chỉnh các thông số về cắt tần và năng lượng của dải trầm ở UNO XD sao cho phù hợp nhất với không gian phòng nghe. Có thể nói, nhạc cổ điển chính là màn trình diễn ấn tượng nhất đối với tôi qua cặp loa UNO. Với cặp loa này, người nghe có kinh nghiệm sẽ phân định được rõ ràng sự khác nhau về năng lượng giữa một cây violin được tạo tác bởi dòng họ Guarneri với các dòng đàn khác của nước Ý, sự khác biệt về âm sắc của một cây grand piano được làm bởi Steinway & Sons và Brodmann, và tất nhiên, chẳng thể nhầm lẫn giữa âm thanh của một cây violin và viola. Những trải nghiệm này có được là nhờ những hài âm mà UNO XD tái tạo tinh tế và chính xác.

Có một lưu ý nhỏ trong bố trí UNO XD. Mặc dù người chơi hoàn toàn có thể điều chỉnh được năng lượng của dải trầm để phù hợp với nhiều kích thước phòng nghe khác nhau thì ở dải trung và dải cao, cặp loa không cho phép can thiệp trực tiếp. Mặt khác, loa kèn thường có hiệu suất rất lớn về cường độ phát âm mà UNO XD không phải ngoại lệ. Do đó để âm thanh không vượt quá ngưỡng nghe tốt nhất, người dùng nên bố trí cặp loa trong một phòng nghe có kích thước đủ rộng, tối thiểu 30m2 - 40m2. Và với năng lượng cảm nhận được từ cặp loa này, UNO XD hoàn toàn có thể chơi tốt trong không gian từ 50-80m2.

Avantgarde UNO XD: Đưa nhạc “sống” về nhà

Đây là cặp loa không rẻ với giá bán trên 600 triệu đồng, tuy nhiên do loa đã đi kèm với ampli cho phần khó chơi nhất - các loa woofer nên UNO XD lại rất nhẹ đánh và không đòi hỏi ampli công suất cao. Như vậy, trong giá bán của loa đã “cõng” một phần chi phí cho ampli. Về mặt trình diễn, UNO XD mang lại cảm giác nhạc “sống” hơn bao giờ hết. Âm nhạc tái tạo qua cặp loa này giàu sinh khí và năng lượng, rất gần với cảm giác được ngồi thưởng thức trực tiếp trong khán phòng hòa nhạc.

Nhà phân phối: Đông Thành - Hòa Phúc

Hoài Bắc

Bài viết liên quan

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận