Sau những thành công với hệ thống loa tích hợp tầm tham chiếu Philharmonia, nhà sản xuất đến từ Pháp Amadeus tiếp tục công bố thêm phiên bản loa thụ động (passive) cho sản phẩm này với tên gọi Philharmonia Mini, có cấu trúc được thu nhỏ lại và lược bỏ phần ampli.
Nếu như phiên bản tích hợp (active) Philharmonia là một hệ thống loa tham chiếu dành cho thị trường hi-end và ultra hi-end thì Philharmonia Mini lại là bản rút gọn, được thiết kế đặc biệt để hướng đến phân khúc hi-fi, với cấu trúc được thu nhỏ lại, loại bỏ phần ampli tích hợp và đi kèm là mức giá dễ chịu hơn bản gốc rất nhiều. Tất nhiên, nó vẫn được tạo ra bởi chính chuyên gia nổi tiếng của hãng là nhà thiết kế Jean Nouvel.
Thiết kế của loa Philharmonia Mini mới sử dụng cấu trúc cong, được hãng nhận xét là vừa đơn giản vừa phức tạp, tạo thành từ 288 tấm gỗ được xếp chồng lên nhau và ép chặt. Chất liệu được dùng làm thùng loa là gỗ bạch dương tỉ trọng cao. Thùng loa cũng có dải thoát hơi độc đáo ở mặt sau giống như phiên bản ban đầu. Sự kết hợp giữa vật liệu, phương thức chế tác và các thiết kế khác biệt giúp tạo ra một khối loa có ngoại hình ấn tượng, đi kèm với đó là khả năng tái tạo âm thanh vượt trội so với các thiết kế thông thường.
Philharmonia Mini có cấu hình loa bookshelf 2 đường tiếng, được thu nhỏ đi rất nhiều so với bản gốc Philharmonia. Trong đó, loa vẫn được trang bị hệ thống 2 driver gồm 1 woofer đường kính 170mm và 1 tweeter vòm lụa mềm kích thước 28mm. Hệ thống củ loa con này giúp Philharmonia Mini đạt được những thông số khá tốt về mặt đáp tuyến, tái tạo dải tần tuyến tính 54Hz - 22kHz (± 2dB), tần số thấp nhất đạt được là 44Hz (± 6dB).
Ngoài ra, hệ thống củ loa con còn được quản lý bởi mạch phân tần cao cấp, thừa hưởng nguyên vẹn từ mô hình tham chiếu Philharmonia với các thành phần tụ điện, điện trở, cuộn cảm, dây dẫn và bảng mạch được lựa chọn và thử nghiệm kĩ lưỡng từ những nhà cung cấp hàng đầu.
Để loa có thể đạt được hiệu quả tái tạo âm thanh vượt trội so với kích thước khiêm tốn của nó, nhà sản xuất Amadeus đã thiết kế một hệ thống ma trận phức tạp bên trong thùng loa, bao gồm các khoang cộng hưởng để tận dụng các hiệu ứng âm thanh có lợi, đặc biệt là ở dải trầm. Cổng thoát hơi của loa cũng có cấu trúc rất đặc biệt, đó là một dải nhiều lỗ thoát hơi chạy dọc theo phần uốn cong, lõm vào ở đuôi loa. Thiết kế này được giải thích giúp luồng khí đi qua êm và ổn định với tốc độ thấp, giữ cho âm thanh có được độ chính xác và ít bị biến dạng.